Trong Tết nhảy của người Dao có nhiều điệu múa đặc sắc.

Trong Tết nhảy của người Dao có nhiều điệu múa đặc sắc.

(HBĐT)- Bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp, khi hoa đào, hoa mơ trong vườn, trên các triền đồi chúm chím những nụ xuân, khắp các bản làng người Dao lại rộn ràng những đêm Tết nhảy. Phong tục, nghi thức của mỗi ngành Dao có nét khác nhau nhưng lễ nghi cơ bản đều giống nhau. Hàng năm, người Dao có nhiều cái Tết nhưng Tết Nguyên đán và Tết nhảy là lớn nhất, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống cộng đồng.

 

Thật may mắn, trong chuyến công tác đến xã Cao Sơn (Đà Bắc), chúng tôi được chứng kiến lễ Tết nhảy của đồng bào Dao ở bản Tằm. Chủ nhân của lễ Tết nhảy hôm nay là gia đình anh Triệu Văn Si. Tìm hiểu, khám phá Tết nhảy, những người “ngoại đạo” chúng tôi có cảm giác như được sống ở một thế giới khác, nơi đất, trời và con người giao hòa, quá khứ và hiện tại đan xen theo những lời hát, điệu nhảy độc đáo. Tết nhảy là tết của gia chủ nhưng lại được cả bản, cả vùng coi như tết chung. Anh em, bạn bè và cả những người bạn nơi xa mới quen cũng được nồng nhiệt chào đón. Ngay từ 14 giờ, ngôi nhà của anh Si đã chật kín người. Tất cả đều tất bật giúp gia chủ chuẩn bị cho những nghi lễ quan trọng sắp bắt đầu. Trên bộ phản ngoài sân, thầy cúng cặm cụi lật từng trang sách đặc kín Hán tự ghi chép lại nguồn gốc, gia phả, phong tục truyền thống của dân tộc Dao. Bằng giọng chậm rãi, khúc triết, thầy giảng giải: Tổ tiên của người Dao ở phương Bắc. Trong quá trình đi tìm vùng đất mới sinh nhai, khi trên biển, đoàn thuyền gặp hoạn nạn, mưa to, bão lớn, mịt mùng. Một số chiếc đã bị nhấn chìm, những thuyền còn lại cũng mỏng manh trước sóng gió biển cả. Lo sợ, mọi người đã cầu khấn đất, trời, long vương, nếu qua được hiểm nguy vào được đất liền, lập làng, lập bản,  người Dao sẽ làm Tết nhảy để tạ ơn. Tết nhảy được người Dao duy trì, phát triển về sau còn bắt nguồn từ những truyền thuyết về cuộc thiên di đầy bi tráng và hào hùng của tổ tiên. Trung bình mỗi đời người đàn ông thực hiện vài ba lần tết Nhảy. Người Dao quan niệm rằng, sau những năm làm ăn, sinh sống, con người đã phải trải qua nhiều điều trắc trở. Bởi vậy, đúng kỳ hạn phải cầu khấn trời đất, thần linh và tổ tiên giải trừ những rủi ro và ban may mắn, phúc đức. 

 

Ở góc sân bên kia, một số cụ cao niên cũng đang tỉ mỉ ngồi vẽ hoa văn, họa tiết lên những thanh gỗ có hình dáng con dao, thanh kiếm, thuổng, cờ, xe... Các cụ giải thích, đây là những thứ không thể thiếu được trong Tết nhảy. Chúng tượng trưng cho những công cụ mà tổ tiên chúng tôi đã dùng để lao động và bảo vệ cuộc sống. Tết nhảy là một trong những nghi lễ quan trọng bậc nhất của người Dao nhưng phải có sự chuẩn bị công phu. Ngoài những lễ vật như: lợn, gà phải có đủ lòng, chân, thủ, đuôi..., bàn thờ được trang trí bằng bốn lá cờ đuôi nheo ở 4 góc. Trên vách tường treo những bức tranh vẽ các tướng quân, vệ sĩ, diêm vương phán xét. Sau lễ gieo quẻ bằng tiếng Dao của ông thầy, đêm Tết nhảy thứ nhất chính thức bắt đầu. Cũng như nhiều gia chủ khác, Tết nhảy tại gia đình anh Si kéo dài trong 3 ngày, 3 đêm. Tiếng trống, tiếng chuông dồn dập theo giọng hát, điệu múa của thầy cúng và đám thanh niên như từ quá khứ vọng về làm cho bản làng rộn rã, ấn tượng. Trong Tết nhảy, nhảy múa chiếm phần lớn thời gian, bao trùm cả không gian và diễn ra liên tục hết lớp này đến lớp khác. Bắt đầu từ điệu múa chuông, tiếp đến là múa chim, múa bắt cá sấu, múa cờ, kiếm. Múa chuông là điệu múa dẫn đường với những động tác lặn ngụp dưới nước, vung gươm, phất cờ để diệt thú dữ, vượt thác ghềnh trên đường thiên di đến vùng đất mới sinh sống. Cuối cùng là múa bắt rùa. Trước đèn thờ cúng, thầy cúng múa đi trước, theo sau là đám thanh niên nối tiếp nhau đảo quanh đèn cúng, vừa đi, vừa diễn tả động tác tìm rùa, bắt rùa, khiêng về nhà. Giữa tiếng trống, tiếng thanh la, não bạt và hò vang làm không khí trở nên tưng bừng để chứng tỏ sự tạ ơn với tổ tiên, biểu lộ sức mạnh phi thường cho dân tộc trường sinh. Qua Tết nhảy, các loại hình nghệ thuật  dân gian, nghệ thuật nhảy múa, âm nhạc, ngôn ngữ, trang trí, tạo hình được phô diễn phong phú và đặc sắc. 

 

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, NSưT Bùi Chí Thanh đã từng nhận xét: Tết nhảy của dân tộc Dao là một cái tết độc đáo có một, không hai. Nét văn hóa đặc sắc này không chỉ bó hẹp trong nội bộ dân tộc Dao mà còn là một lễ hội mở rộng cửa đón chào sự tham gia của bạn bè các dân tộc khác. Có lẽ cũng chính vì vậy mà đồng bào các dân tộc nơi vùng sơn cước này luôn gắn bó và thắm tình đoàn kết, cùng đắp xây cuộc sống mới ấm no.

 

                                                           

                                                               Minh Châu

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục