Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) để chống lãng phí, chống tham nhũng, khai thác sử dụng phát huy hiệu quả tài sản nhà nước, nếu làm không chặt chẽ sẽ không đáp ứng được yêu cầu; do đó, phải rà soát lại tất cả những quy định liên quan tới xử lý tài sản Nhà nước, cho đúng với Hiến pháp và Pháp luật.

 

Đó là đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phiên thảo luận ở tổ về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) sau khi nghe tờ trình về dự án, ngày 31-10.

 

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi).

 

Quy định định mức sử dụng tài sản công

Trong tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ ra, sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (TSNN) năm 2008, tuy đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế.

Cụ thể, Luật Quản lý, sử dụng TSNN hiện hành mới điều chỉnh đối với một bộ phận TSNN tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp... mà chưa điều chỉnh đối với các loại TSNN khác như tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về Nhà nước, tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, đất đai, khoáng sản, rừng, nguồn lợi ở vùng trời, vùng biển, thềm lục địa, tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh, tên miền internet và các tài nguyên khác...

Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý TSNN, cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về lĩnh vực này. Trong đó, về quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị bổ sung một số nội dung chủ yếu như: Giao thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với xe ô tô công, trụ sở làm việc cho Chính phủ (thay cho thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay); bổ sung các quy định để đảm bảo việc ban hành tiêu chuẩn, định mức được chặt chẽ, công khai, minh bạch.

Mặt khác, Dự án luật cũng bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công bao gồm: Mua sắm tập trung; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), khoán kinh phí sử dụng tài sản công; huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập; ghi giảm tài sản do nguyên nhân bất khả kháng.

Ngoài ra, Dự thảo luật cũng quy định xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công mà gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước.

 

 Các đại biểu trong phiên thảo luận tổ ngày 31-10.

 

Dự án Luật còn nhiều bất cập

Trong báo cáo thẩm tra về Dự án Luật,  Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách ông Nguyễn Đức Hải lưu ý, cần phân biệt rõ tài sản công phục vụ công tác quản lý của Nhà nước, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và tài sản công phục vụ mục đích thương mại để quy định cho phù hợp, trên cơ sở tách bạch chủ thể quản lý, sử dụng các loại tài sản công nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý và sử dụng; nội dung công khai về tài sản công của Dự thảo Luật còn thiếu chi tiết và đề nghị cần bổ sung quy định về hoạt động giám sát của người dân và các cơ quan truyền thông đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để tăng cường tính minh bạch, hiệu quả.

Làm sâu hơn nội dung này trong phiên thảo luận tổ, ĐB Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) cho rằng việc quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) nếu chịu sự giám sát của cộng đồng là chưa đủ, vì người dân rất ngại va chạm với cơ quan nhà nước. Do đó, nên bổ sung sự giám sát của nhiều cơ quan khác có thẩm quyền và cơ quan truyền thông. “Từ trước đến nay, nhiều vụ việc người dân phát hiện và cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông và cơ quan này đã có trách nhiệm điều tra vụ việc”, ĐB Trần Thị Phương Hoa nói.

Bàn về các hành vi cấm (Khoản 3, Điều 10) trong sử dụng TSC, ĐB Hoa cho rằng, cần bổ sung cụm từ "cầm cố ký gửi" bởi có cơ quan được giao sử dụng đất đã mang giấy tờ sử dụng đất ra ngân hàng cầm cố vay mượn tiền để đầu tư, có trường hợp quản lý kém dẫn đến thua lỗ và không có khả năng trả, gây thất thoát tài sản nhà nước.

“Tôi thấy có sự lúng túng trong phạm vi điều chỉnh Dự án Luật, bởi chúng ta đã có Luật Ngân sách Nhà nước và đối với lĩnh vực tiền vốn đầu tư công đã có Luật Đầu tư công, nếu dự án điều chỉnh cả nguồn tiền, trong đó có nguồn tiền ngân sách thì sẽ vướng với nhiều bộ luật khác”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng vấn đề khoán kinh phí là đang rất được cử tri và dư luận quan tâm, đặc biệt là khoán kinh phí xe, nhà công vụ và những nguồn lực khác. Tuy nhiên, Điều 33 của Dự án Luật mới chỉ quy định chung chung và có sự chồng chéo.

Về vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn lực Nhà nước, cũng như tính công khai minh bạch là mục đích sử dụng TSC, ĐB Mai cho rằng Dự án Luật có tới 4 điều quy định thẩm quyền của cơ quan công lập là được phép sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh là không hợp lý, bởi các đơn vị công lập không phải là các doanh nghiệp để sử dụng TSNN vào mục đích kinh doanh. Trên thực tế đã có nhiều bất cập, như một số cơ quan nhà nước vẫn kinh doanh nhà khách, khách sạn và cơ chế tài chính cũng rất đặc thù. Đặc biệt việc quản lý về thuế cũng như nguồn thu chưa chặt chẽ dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.

“Nguyên tắc đầu tiên là tài sản phải sử dụng đúng mục đích, nếu các đơn vị sự nghiệp được phép kinh doanh thì phải làm rõ thủ tục, thẩm quyền thế nào, cơ chế tài chính như nghĩa vụ thuế ra sao”, ĐB Mai nhấn mạnh.

Tán thành với ý kiến của ĐB Mai về vấn đề khoán xe công, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng cần bàn một cách đầy đủ hơn. Ví dụ với kiểu phân bổ như Bộ Tài chính vừa quy định, những đại biểu Quốc hội sẽ gặp nhiều khó khăn bởi công việc của họ là đi lại nhiều nơi tiếp xúc cử tri.

“Nếu khoán ở mức độ không bảo đảm sẽ lợi bất cập hại, sẽ có đơn vị nhận khoán để rồi không đi đâu cả, như vậy nhà nước còn thiệt thòi hơn nhiều”, ĐB Khánh ý kiến.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh), vấn đề thu hồi tài sản không sử dụng để lãng phí là câu chuyện muôn thuở. TP Hồ Chí Minh có nhiều trụ sở bỏ trống mấy chục năm không làm gì cả, nhưng không thu hồi được. ĐB Tâm đề nghị luật phải chế tài đủ mạnh để xử lý bởi Hội đồng nhân dân đi giám sát và đề nghị thu hồi những mảnh đất trên để làm bệnh viện, trường học nhưng không được.

Cũng trong phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cho rằng một có số nội dung của Dự án Luật chưa phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước, như  Điều 47, quy định Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước. Do đó, cần rà soát lại các quy định để bảo đảm tính rõ ràng, khả thi, chặt chẽ của dự án luật.

 

                                                                              TheoQĐND

 

Các tin khác


Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục