(HBĐT) - Là vùng đất cổ, có bề dày lịch sử, nhân dân các dân tộc trong tỉnh có truyền thống đoàn kết trong cuộc sống, cần cù trong lao động, kiên cường, bất khuất trong dựng nước và giữ nước. 87 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống yêu nước, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nhiều chiến công xuất sắc trong 2 cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại cũng như trong công cuộc đổi mới.

 

Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam (tháng 2/1930) là bước ngoặt lịch sử trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của Đảng trở thành luồng gió mạnh thổi bùng phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc khắp cả nước, trong đó có Hòa Bình. Từ các phong trào cách mạng sôi sục đã cho thấy sự cần thiết phải có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở Hòa Bình. Thực hiện chủ trương phát triển cơ sở cách mạng, năm 1930, chi bộ Đảng ở Thanh Khê - Trung Trữ (thuộc huyện Gia Khánh - Ninh Bình) đã phân công đồng chí Hoàng Tường - một đảng viên của chi bộ - lên hoạt động, xây dựng cơ sở cách mạng tại làng Hoàng Đồng (xã Khoan Dụ) thuộc Châu Lạc Thủy. Dựa vào mối quan hệ quen biết, đồng chí Hoàng Tường đã bắt mối, tuyên truyền cho những thanh niên công giáo có học thức, có tinh thần yêu nước và tư tưởng tiến bộ đang theo học tại nhà xứ Khoan Dụ. Được tuyên truyền, những thanh niên này đã tiếp thu ánh sáng cách mạng của Đảng và trở thành cơ sở tin cậy của chi bộ. Sau thời gian hăng hái hoạt động, các thanh niên này đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng các ban, sở, ngành dâng hương, báo công tại Tượng đài Bác Hồ trên công trình thủy điện Hòa Bình.

 

Sau khi kết nạp Đảng cho các thanh niên yêu nước, tiến bộ, ngày 1/12/1930, Chi bộ Thanh Khê - Trung Trữ quyết định thành lập tổ Đảng Hoàng Đồng gồm 5 đồng chí, do đồng chí Hoàng Tường làm tổ trưởng. Tổ Đảng Hoàng Đồng được thành lập chính là tổ Đảng đầu tiên của Lạc Thủy và cũng là tổ Đảng đầu tiên được thành lập trong toàn tỉnh. Vì thế, tổ Đảng Hoàng Đồng đã tạo được những ảnh hưởng rộng rãi trong nhân dân. Bởi ngay sau khi được thành lập, tổ Đảng đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kêu gọi nhân dân đấu tranh, phản đối thực dân Pháp khủng bố phong trào cách mạng. Nhờ đó, ánh sáng cách mạng    đã chiếu rọi rộng khắp trong giai cấp công nhân đồn điền và nông dân lao động ở các huyện, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân ngày càng lên cao. Mặc dù chỉ  tồn tại trong thời gian ngắn nhưng tổ Đảng Hoàng Đồng đã để lại những ảnh hưởng sâu đậm trong nhân dân Lạc Thủy nói riêng và phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân trong tỉnh nói chung.

 

 

Các thế hệ cán bộ và nhân dân xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) luôn tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương trong những năm đầu cao trào cách mạng 1929 - 1930.

 

Theo đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ giữa năm 1936, một cao trào đấu tranh dân chủ bùng lên sôi nổi, rộng khắp. Từ các tỉnh vùng đồng bằng, phong trào đã lan dội tới Hòa Bình. Có thể nói, từ năm 1929 - 1939 là giai đoạn mang nhiều ý nghĩa trong tiến trình lịch sử đấu tranh cách mạng ở Hòa Bình. Trong giai đoạn này, từ “đốm lửa” cách mạng ban đầu ở Lạc Thủy đã nhen lên những ngọn lửa lớn ở Lạc Sơn, thị xã Hòa Bình. Đáng chú ý là các cơ sở cách mạng đã được hình thành ngay tại thị xã Hòa Bình là trung tâm chính trị - xã hội của tỉnh, nơi sào huyệt của bộ máy thống trị của thực dân Pháp đặt tại Hòa Bình. Thực tiễn đó đã khẳng định trên vùng đất Hòa Bình ở bất kỳ địa bàn nào, trong điều kiện nào, dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng khi có cán bộ đến tuyên truyền là ở đó hình thành cơ sở cách mạng. Từ đó đã nhanh chóng đưa phong trào cách mạng ở Hòa Bình phát triển mạnh mẽ, hòa nhịp với phong trào cách mạng của cả nước. Đó cũng là điều kiện, cơ sở để thành lập Đảng bộ tỉnh (tháng 1/1945) trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương. Dưới ngọn cờ đoàn kết cứu nước của Đảng, tháng 8/1945, Đảng bộ tỉnh nhanh chóng chớp thời cơ, lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền thắng lợi.

 

Từ việc lãnh đạo nhân dân đứng lên giành thắng lợi trong Cách mạng tháng 8/1945, Đảng bộ tỉnh đã không ngừng lớn mạnh. Từ 9 đảng viên ban đầu, trong giai đoạn 1946 - 1954, Đảng bộ tỉnh đã phát triển thành hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở với trên 2.000 đảng viên ở khắp các ngành, các địa bàn. Đây cũng là thời kỳ Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân anh dũng kháng chiến chống thực dân Pháp giành được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc như đập tan 2 tổ chức phản động; đẩy lùi các hoạt động phá hoại của quân đội Tưởng Giới Thạch, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trong năm 1945 - 1946; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ di chuyển của Chính phủ và các cơ quan Trung ương qua Hòa Bình lên Việt Bắc; tham gia phối hợp với các lực lượng đập tan âm mưu thành lập “xứ Mường tự trị” của Pháp ở Hòa Bình; bảo vệ an toàn tuyến đường giao thông huyết mạch lên căn cứ Việt Bắc; chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Hòa Bình, củng cố hậu phương vững mạnh, phục vụ đắc lực các chiến dịch Lê Lợi, Quang Trung, Tây Bắc và góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ...

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân các dân tộc trong tỉnh cũng lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, góp phần đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc miền Bắc XHCN. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã đóng góp hàng chục vạn tấn lương thực, thực phẩm; tiễn đưa hàng vạn người con ưu tú lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu... Trong đó đã có hàng nghìn người hi sinh hoặc để một phần xương máu tại chiến trường.

 

Những kết quả đó đã khẳng định, càng trong gian khó, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh càng được thể hiện rõ nét. Trong 20 năm lãnh đạo xây dựng CNXH và chiến đấu chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ tỉnh ngày càng phát triển, vừa là lực lượng lãnh đạo, vừa là đội quân tiên phong trong chiến đấu, lao động, sản xuất, không ngừng xây dựng, củng cố tổ chức và hệ thống chính trị vững mạnh; củng cố khối đoàn kết các dân tộc, xây dựng khối liên minh công - nông vững chắc. Ngay cả trong giai đoạn hợp nhất với  Đảng bộ tỉnh Hà Tây thành Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình, Đảng bộ  tỉnh cũng đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo nhân dân chiến đấu và chiến thắng đói nghèo, lạc hậu góp phần cùng với nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

 

Tháng 10/1991, tỉnh Hòa Bình được tái lập. Ngay sau khi tái lập tỉnh, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh bắt tay vào xây dựng quê hương trong điều kiện vô vàn khó khăn khi xuất phát điểm nền kinh tế thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu. Dù vậy, phát huy truyền thống tự lực, tự cường, Đảng bộ tỉnh đã vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng, phát huy mạnh mẽ tinh thần cách mạng dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo tìm ra nhiều giải pháp có tính đột phá tạo đà cho phát triển KT -XH. Nhờ vậy, sau 25 năm tái lập tỉnh, đến nay, Hòa Bình đã có những bước tiến dài trên con đường phát triển.

 

Có thể nói, những thành tựu trong thời kỳ đổi mới đã trở thành nền móng cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo của tỉnh nhằm đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt từ 8,5-9%/năm. Đến năm 2020, tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 60-65 triệu đồng /năm; tỷ lệ đô thị hoá đạt 25%, tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt từ 40% trở lên... Về công tác xây dựng Đảng, hàng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng TS -VM đạt 50%. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng đánh giá tổ chức Đảng, đảng viên. Nhờ đó, đã tạo được niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.     

 

 

                                                                  Mạnh Hùng

 

 

Các tin khác


Thanh niên huyện Cao Phong khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo

Với tinh thần nhiệt huyết, không ngại khó, thời gian qua, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Cao Phong đã năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả do đoàn viên, thanh niên làm chủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng ý về việc khởi tố đối với ông Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV.

Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh

Những năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Qua đó góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở

LTS: Hòa chung khí thế cả nước hân hoan kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 138 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024) và hướng đến kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024); 73 năm thành lập Công đoàn tỉnh Hòa Bình (1951 - 2024), phóng viên Báo Hòa Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh về sự lớn mạnh của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh trong phát triển KT - XH địa phương.

Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục