Bài 2: Hướng đi đúng nhưng còn những khó khăn, bất cập

(HBĐT) - Với tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm đa số, tỉnh Hòa Bình đã kịp thời ban hành các văn bản thực hiện các chỉ thị, quyết định của T.ư về chính sách với người có uy tín (NCUT), tăng cường vai trò của họ trong vùng DTTS. Nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-VH-XH, QP-AN của tỉnh cũng nhấn mạnh đến hoạt động của NCUT. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ những khó khăn, bất cập.



Đồng chí Hoàng Thanh Mịch, UVTV, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh trao bằng khen cho già làng, người có uy tín tại Hội nghị biểu dương già làng, người có uy tín tiêu biểu tỉnh ngày 24/8/2017.

Quan tâm phát huy vai trò của người có uy tín

Nhận thức rõ tầm quan trọng của già làng, NCUT trong đồng bào DTTS, các cấp, ngành của tỉnh đã quan tâm thực hiện đầy đủ chính sách với họ. Vận động họ phát huy uy tín, trách nhiệm của mình trong cộng đồng dân cư, dòng họ và đời sống xã hội.

Xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) có 6 xóm, khoảng 90% đồng bào theo đạo Thiên chúa. Thộn Rộc Trụ 1 chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường. Từ khi được nhân dân trong thôn bầu là NCUT, được cấp miễn phí 4 đầu báo, ông Bùi Minh Khổng đã nắm bắt đầy đủ hơn chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. ông tâm sự: "Ngày nào tôi cũng nhận được báo và đọc báo. Không đọc làm sao nắm được chủ trương, chính sách pháp luật mà tuyên truyền, vận động nhân dân. Với vai trò là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, đọc xong báo tôi còn chuyển cho các chi hội cùng đọc. Bản thân và gia đình theo đạo, tôi luôn tuyên truyền nhân dân sống tốt đời, đẹp đạo, không đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng.” Là cốt cán ở cơ sở, với 34 năm tuổi Đảng, ông Khổng luôn là người gương mẫu được nhân dân tin, làm theo.

Nói về hiệu quả của chính sách với NCUT, ông Bùi Văn Dưởm, xóm Đồi, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) cho rằng: Là xóm vùng cao, gần 100% đồng bào Mường, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Được đi tập huấn, học tập kinh nghiệm ở huyện bạn, được cấp báo, tôi mở mang hiểu biết, nắm được nội dung, tinh thần của chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo, thấy nhiều mô hình phát triển kinh tế giỏi… Từ đó về tuyên truyền, vận động nhân dân. Khi làm đường giao thông, tôi nói với dân rằng mở đường để cho chính mình đi hằng ngày, để đuổi cái đói, giảm cái nghèo, chứ cán bộ ở tỉnh, T.ư có đi nhiều như mình đâu. Nói đi đôi với làm gương, vậy là người dân tự chặt cây, lùi hàng rào vào để mở rộng đường và còn tích cực đóng góp ngày công.

Đồng chí Hoàng Quang Minh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Tỉnh thực hiện đầy đủ chính sách do ngân sách T.ư đảm bảo. Từ năm 2011-2016 được cấp 11.595,38 triệu đồng. Trong đó, cấp Báo Hòa Bình cho 8.203 lượt NCUT từ năm 2012; cấp Báo Dân tộc và Phát triển cho 4.937 lượt NCUT từ năm 2014; hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần 3.406,2 triệu đồng; thăm hỏi gia đình NCUT gặp khó khăn, hoạn nạn 416 lượt; thăm ốm 722 lượt NCUT.

Mặc dù còn khó khăn về nguồn thu nhưng hằng năm, tỉnh đã dành một khoản chi ngân sách để thực hiện chính sách đối với NCUT. Cụ thể như đón tiếp, tặng quà các đoàn đại biểu NCUT đến thăm, làm việc với cơ quan; phổ biến, cung cấp thông tin; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tọa đàm, trao đổi tình hình, biện pháp giải quyết các vụ việc trọng điểm; trao đổi học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; thăm, làm việc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước… cho 3.134 lượt NCUT. Tỉnh có 88 NCUT tiêu biểu được biểu dương tại Hội nghị biểu dương NCUT tiêu biểu vùng Tây Bắc, 2 NCUT được ủy ban Dân tộc tặng bằng khen, 10 NCUT được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Năm 2016, ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức gặp mặt 24 già làng, NCUT tiêu biểu 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu). Trong 6 tháng năm 2017, tỉnh đã lựa chọn già làng, trưởng bản, NCUT tham gia chương trình "Tình ca Tây Bắc” và hội nghị do Bộ VH-TT&DL tổ chức. Tiếp tục cấp 4 loại báo, tạp chí; mở 9 lớp tập huấn cho 427 cán bộ làm công tác dân tộc và NCUT; tổ chức đoàn NCUT đi thăm quan, học tập kinh nghiệm tại Hà Nội. Ngày 24/8/2017, ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương 50 già làng, NCUT tiêu biểu. Toàn tỉnh có 673 NCUT, già làng, trưởng bản, chức sắc tiêu biểu. Các địa phương, ngành liên quan sẽ tổ chức đánh giá phạm vi ảnh hưởng của NCUT để quản lý và thực hiện chính sách.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Lạc Bùi Văn Lực cho biết: Hằng năm, huyện dành ngân sách 200 triệu đồng thực hiện các chính sách đối với NCUT. Năm 2016, mở 2 lớp tập huấn cho 120 NCUT, năm 2017 mở 1 lớp tập huấn và tổ chức cho NCUT đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm ở trong, ngoài tỉnh. Thực hiện thăm hỏi đầy đủ dịp Tết, khi gia đình NCUT bị thiên tai.

Theo đánh giá của tỉnh, chính sách đối với NCUT là chủ trương đúng đắn, góp phần rất lớn củng cố niềm tin của NCUT với Đảng, Nhà nước, khơi dậy niềm tự hào, động viên, khích lệ họ tiếp tục phát huy vai trò tích cực trên mọi lĩnh lực.

Còn những khó khăn, hạn chế, bất cập

Tại buổi làm việc với Ban Dân tộc tỉnh tháng 6/2017, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVBCH T.ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá: Nhận thức của cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa toàn diện, chưa bao quát đối với việc thực hiện các cơ chế, chính sách dân tộc, trong đó có chính sách với NCUT. Việc khuyến khích, động viên NCUT trong cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy trình độ dân trí ở nhiều thôn, bản vùng DTTS chưa cao. Một số nơi vẫn giữ tập tục lạc hậu, xuất hiện tà đạo, đạo lạ. ở một số nơi còn diễn ra sinh hoạt tôn giáo tập trung ngoài cơ sở thờ tự và truyền đạo trái phép. Địa hình chia cắt, đường sá khó khăn là rào cản. Thói quen canh tác chưa được đổi mới mạnh nên hiệu quả sản xuất thấp, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, các dân tộc. Theo báo cáo giám sát của ủy ban MTTQ tỉnh năm 2016 tại 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh, nơi có 92,2% đồng bào DTTS: Tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 84,64%, mức sống bằng 25 - 30% so với bình quân của tỉnh. Hạ tầng rất thiếu và yếu, chủ yếu đồng bào đi lại bằng đường mòn.

Trong khi đó, có những lo lắng, bức xúc của nhân dân chưa được giải quyết hiệu quả. Theo báo cáo của Ban Dân vận Tỉnh ủy, nhân dân còn lo lắng, băn khoăn về tình hình gia tăng các tai, tệ nạn xã hội như: trộm cắp, buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy, cờ bạc, lô đề, say rượu đánh nhau mất ANTT. An toàn thực phẩm, chất lượng các mặt hàng tiêu dùng vẫn còn hạn chế. Nông sản rớt giá; giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất nông nghiệp không ổn định…

Để góp phần giải quyết những vấn đề trên, vai trò của NCUT rất quan trọng. Song, việc cung cấp thông tin mới cho NCUT ở một số cơ sở chưa kịp thời, việc chuyển báo chậm. Như già làng Xa Văn Thế xóm Nhạp, xã Đồng Chum (Đà Bắc) phản ánh: "Có thời điểm 1 tháng mới có người mang báo đến, mỗi lần nhiều lắm không đọc xuể.” Về vấn đề này, theo khảo sát của phòng Tuyên truyền và địa bàn (Ban Dân tộc tỉnh) tại buổi tập huấn cho 539 NCUT qua bảng hỏi cho thấy: NCUT nhận báo chậm sau 1 tuần đối với Báo Hòa Bình là 32,1%, Báo Nhân Dân 47,4%, Báo Dân tộc và Phát triển 34,1%. NCUT nhận báo chậm sau 2 tuần đối với Báo Hòa Bình là 11,7%, Báo Nhân Dân và Báo Dân tộc và Phát triển là 16,8%... Thậm chí không ít người phản ánh không nhận được báo.

Gắn bó với vùng cao Ngọc Lâu (Lạc Sơn), từ năm 2014, ông Bùi Văn Sen ở xóm Khộp 1 được bà con dân tộc Mường bầu là NCUT. Với uy tín của mình, ông tích cực vận động con cháu trong làng không hút chích ma túy, không tảo hôn; thực hiện 3 chuồng, 4 hố, không buộc trâu, bò dưới gầm sàn để đảm bảo vệ sinh môi trường; chuyển đổi cây trồng hiệu quả cao hơn; hiến đất làm đường… Tuy nhiên, ông bộc bạch: "Tôi chỉ làm theo kinh nghiệm, chứ 4 năm qua chưa được đi tập huấn lần nào, chưa nắm thấu đáo bao nhiêu tiêu chí xây dựng nông thôn mới…”

Nguyên nhân của những hạn chế được tỉnh nhận định: Một số nơi, cấp ủy, chính quyền chưa thấy hết vị trí, vai trò NCUT nên chưa quan tâm chỉ đạo và chưa có nguồn kinh phí tương xứng để thực hiện. Nội dung, hình thức vận động NCUT rập khuôn, chưa linh hoạt. Phần lớn NCUT sống ở vùng sâu, xa, đường đi lại khó khăn nên việc gặp gỡ đồng bào chưa thường xuyên, kịp thời. Có những NCUT còn hạn chế một số mặt như tuổi cao sức yếu, nhận thức giới hạn, hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ đó chi phối và ảnh hưởng đến việc hoạt động.

Sau 6 năm thực hiện chính sách đối với NCUT, Ban Dân tộc tỉnh nhận xét: Còn có sự khác nhau về tiêu chí xác định đối tượng và quy trình lưa chọn, lập danh sách NCUT giữa Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg với Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chưa có cơ chế quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của NCUT nên đánh giá hoạt động của NCUT hằng năm khó. Về chế độ, chính sách, hằng năm, kinh phí T.ư cấp cho địa phương chưa kịp thời. Một số nội dung chi từ ngân sách địa phương nhưng với những nơi khó khăn về nguồn thu rất khó bố trí hoặc được ít, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện. Một số chế độ tương ứng quy định tại Quyết định số 18 và Quyết định số 56 dành cho NCUT thấp hơn tại Quyết định số 76/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 10/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ dành cho tổ chức tôn giáo và đối tượng do ủy ban MTTQ Việt Nam thực hiện có sự chênh lệch, khiến một số NCUT so bì.

Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo (ủy ban MTTQ tỉnh) Bùi Thị Điển cho biết: Kết quả khảo sát thời gian qua, việc thực hiện chính sách với NCUT như thăm hỏi ốm đau, cấp báo ở nhiều nơi chưa kịp thời. Có NCUT phản ánh quà Tết hết hạn hoặc sát ngày hết hạn sử dụng, hay không xứng với số tiền theo chính sách được hưởng. Có trường hợp NCUT không còn tiêu biểu nhưng việc đưa ra khỏi danh sách chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tâm lý người dân.

Còn với lực lượng công an, sau khi có Quyết định số 18 và Quyết định số 56 của Thủ tướng Chính phủ, việc bầu NCUT đa số không thuộc NCUT mà ngành đã và đang tranh thủ. Theo thượng tá Hà Công Dựa, Phó trưởng phòng PA88, bất cập này tác động đến tư tưởng của họ.

Trước thực tế đặt ra, phát huy kết quả, khắc phục hạn chế, có giải pháp giải quyết những bất cập để phát huy tốt nhất vai trò của NCUT là việc cần tập trung thực hiện.

(Còn nữa)

Bài 3: Biện pháp phát huy vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt

Cẩm Lệ

 


Các tin khác

Không có hình ảnh

Việt Nam và Lào luôn kề vai sát cánh bên nhau

Quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào sẽ không ngừng đơm hoa kết trái vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm Bác Hồ

Kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 và 48 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 2-9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Soi mình vào lịch sử dân tộc để rèn luyện, cống hiến và trưởng thành

(HBĐT) - Đó là khẳng định của anh Bạch Thanh Chương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn khi nói về phương châm xuyên suốt trong thực hiện công tác giáo dục thế hệ trẻ của các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh.

Phụ nữ thành phố Hoà Bình sáng ngời phẩm chất “Ba đảm đang”

(HBĐT) - Hơn nửa thế kỷ trôi qua, đến nay, những dấu ấn phong trào "Ba đảm đang” của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ thành phố Hoà Bình nói riêng vẫn còn nguyên giá trị. Phát huy truyền thống "Ba đảm đang”, các cấp Hội LHPN thành phố đã vận dụng sáng tạo, chung sức, đồng lòng, thực hiện hiệu quả vào các phong trào thi đua phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, hành động vì cộng đồng.

Nhịp sống mới ở xã Cố Nghĩa

(HBĐT) - Những ngày tháng Tám, khắp các thôn xóm, khu dân cư ở xã Cố Nghĩa (Lạc Thuỷ) rực rỡ cờ, băng rôn, khẩu hiệu. Từ nhà máy đến nông trường tưng bừng khí thế thi đua chào mừng 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Thường trực HĐND tỉnh họp định kỳ tháng 9

(HBĐT) - Ngày 1/9, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức họp thường kỳ tháng 9. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh, Sở Nội vụ, Bộ CHQS tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục