Bài 3: Biện pháp phát huy vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt

(HBĐT) - Bên cạnh kết quả trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn tồn tại và nảy sinh những vấn đề khó khăn, phức tạp. Thời gian tới, tỉnh ta triển khai nhiều đề án phát triển KT-XH ở vùng đồng bào DTTS, nhiều chương trình, dự án sinh kế cộng đồng. Vậy làm sao để phát huy được tốt nhất vai trò của già làng, người có uy tín (NCUT) trong cộng đồng?



Ông Nguyễn Văn Thương, người có uy tín ở xóm 5, xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tranh thủ "quyền uy vô hình”

Vùng DTTS có yếu tố đặc thù về văn hóa, địa bàn sinh sống. Đối với thôn, bản vùng DTTS, nhiều già làng, NCUT dường như có "quyền uy vô hình”. Họ được đồng bào ghi nhận, tin tưởng một cách tự nguyện. ẩn sau "quyền uy” ấy chính là sự gương mẫu, trong sáng, am hiểu phong tục… Minh chứng cho "quyền uy” của già làng, NCUT ở vùng đồng bào dân tộc Mông, thượng tá Hà Công Dựa, Phó trưởng Phòng PA88 (Công an tỉnh) kể: Tôi nhớ mãi hình ảnh rơm rớm nước mắt của già làng Mùa A Dê, bản Pà Háng Lớn, xã Pà Cò (Mai Châu) khi nộp khẩu súng 1 nòng đổi bằng 3 con bò. Khi đến nhà vận động, già vuốt đi vuốt lại khẩu súng và đòi nối máy với Giám đốc Công an tỉnh. Già nói: "Chống Pháp, chống Mỹ, xóa bỏ cây thuốc phiện làm được thì nộp súng cũng phải làm để cho bản làng bình yên!” Hành động của già đã được dân bản làm theo, giao nộp hơn 400 khẩu súng các loại. Trước đây, phong tục người Mông bắn súng khi có người chết. Từ khi thực hiện giao nộp vũ khí, phong tục này được bỏ. Tập tục bón cơm cho người chết cũng dần được loại bỏ nhờ sự tiên phong của những già làng, NCUT.

Mỗi DTTS có tiếng nói riêng, một bộ phận đồng bào còn tâm lý e dè. "Có thể một trí thức giỏi ở dưới xuôi đến nói đồng bào DTTS chưa chắc đã nghe nhưng già làng, NCUT ở ngay trong bản nói họ mới tin.” - Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Lạc Bùi Văn Lực nêu ý kiến.

Thông qua tuyên truyền miệng, nhờ có sự giao tiếp trực tiếp hằng ngày và bằng uy tín của mình mà già làng, NCUT có thể giải thích cặn kẽ cho đồng bào hiểu đúng bản chất vấn đề, sự việc, từ đó thống nhất về nhận thức, hành động. Mới đây, xuất hiện đối tượng thường xuyên đăng các bài viết trên mạng xã hội nói xấu Đảng, Nhà nước, chế độ ở huyện Đà Bắc. Công an tỉnh đã tìm ra đối tượng, vận động NCUT đưa đối tượng ra kiểm điểm trước dòng họ và đã có chuyển biến, chưa có thêm hoạt động phức tạp. Những hạn chế của đồng bào DTTS mà đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVBCH T.ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ ra được khắc phục dần chính nhờ nhân tố tích cực là NCUT với vai trò vừa tuyên truyền, vừa gương mẫu, "nói đi đôi với làm”. Cụ thể như: Một bộ phận nhân dân trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động, tích cực vươn lên thoát nghèo. Hay chuyện hộ nghèo không muốn thoát nghèo để được hưởng hỗ trợ…

Vì già làng, NCUT được tin tưởng nên đồng bào thường bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tranh thủ ý kiến giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Đề đạt nguyện vọng chính đáng của dân với cấp ủy, chính quyền, vì vậy già làng, NCUT chính là "sợi dây” nối liền giữa Đảng với dân. Tuy nhiên, để "sợi dây” đó bền chặt, quá trình vận động già làng, NCUT phải gắn với bảo vệ và nâng cao uy tín của họ, kịp thời giải quyết các lo lắng, bức xúc, nhu cầu chính đáng, khó khăn của đồng bào DTTS. Xuất phát từ thực tế thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị: Tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn để tiếp tục thực hiện một số dự án đặc thù như: Dự án phát triển KT-XH 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu); Dự án hỗ trợ, đầu tư 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh.

Mới đây, tại buổi gặp mặt già làng, NCUT tiêu biểu, đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian tới, tỉnh ta triển khai nhiều đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, nhiều chương trình, dự án sinh kế cộng đồng. Vì vậy, mong già làng, NCUT tiếp tục phát huy vai trò của mình, tuyên truyền, vận động để đồng bào ủng hộ. Đồng thời, đóng góp vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bài trừ tệ nạn xã hội, các tập tục lạc hậu, đặc biệt là nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Đồng chí đề nghị các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm đến chính sách vùng dân tộc, triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế vùng dân tộc để nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào.

Thực hiện chính sách đầy đủ, kịp thời, điều chỉnh bất cập

Thực tế cho thấy, công tác vận động, phát huy vai trò của già làng, NCUT cần có sự quan tâm, tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể CT-XH; gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Song, để già làng, NCUT phát huy tốt vai trò, cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của họ trên các lĩnh vực thông qua công tác tập huấn, cấp báo kịp thời; đổi mới hình thức tuyên truyền, tập huấn. Người truyền đạt cũng phải am hiểu tâm lý, văn hóa dân tộc để có phương pháp phù hợp, dễ nghe, dễ tiếp thu.

Công tác sơ, tổng kết quá trình thực hiện để đánh giá hiệu quả của chính sách, làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung và nhân điển hình tiên tiến cần được quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách đối với NCUT trong đồng bào DTTS là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, góp phần củng cố niềm tin, động viên, khích lệ đồng bào tích cực tham gia và phát huy vai trò trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, còn những hạn chế, bất cập cần điều chỉnh. Sau 6 năm thực hiện chính sách đối với NCUT (2011-2016), tỉnh Hòa Bình đề xuất, kiến nghị với T.ư: Cần thống nhất tiêu chí xác định, đối tượng, quy trình lựa chọn, lập danh sách, phân cấp, phân công nhiệm vụ để quản lý, thực hiện chế độ chính sách cho phù hợp trong tình hình hiện nay. Thống nhất mức chi cho cùng một đối tượng ở vùng DTTS tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. T.ư cấp kinh phí cho các tỉnh khó khăn về nguồn thu ngân sách địa phương để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, trao đổi học tập kinh nghiệm. Ban hành quy chế hướng dẫn các địa phương quản lý, phân công nhiệm vụ quyền hạn gắn liền với trách nhiệm của NCUT.

Góp ý vào dự thảo Quyết định Ban hành chính sách đối với NCUT trong vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh đề nghị: Có quy định bổ sung thêm chính sách hỗ trợ đi lại để động viên NCUT hoạt động. Mức chi hằng tháng bằng 0,2 mức lương tối thiểu chung. Còn Công an tỉnh đề xuất, xem xét chế độ đối với NCUT do lực lượng công an tranh thủ do yêu cầu nghiệp vụ mà không thuộc danh sách NCUT của các ngành, địa phương.

Nói về sự cần thiết điều chỉnh chế độ chính sách đối với NCUT, Phó trưởng phòng Dân tộc huyện Đà Bắc Xa Thị Hoa cho biết: Sinh sống chủ yếu ở nơi địa hình phức tạp, giao thông trắc trở, có xóm cách trung tâm xã trên 10 km, trung tâm huyện trên 100 km đường núi, không ít NCUT cao tuổi khi ốm nhưng chỉ đến trạm y tế xã. Trong khi đó, theo quy định phải có giấy xác nhận của Bệnh viện huyện mới được thăm hỏi. Để đến được tỉnh dự tập huấn, gặp mặt, họ phải đi 2 chặng đường. Nhiều lúc, cơ quan phải lấy nguồn chi khác để hỗ trợ chỗ ăn, nghỉ, tiền xe khi họ dừng ở huyện. Vì vậy, T.ư xem xét áp dụng chính sách đặc thù về chi phí đi lại và thăm ốm với những NCUT ở xóm vùng sâu, xa (vì theo quy định cũng chỉ thực hiện thăm ốm 1 lần/năm). Việc thăm ốm, gia đình NCUT bị thiên tai có thể giao cho cấp xã thực hiện vì trực tiếp, gần gũi, kịp thời, thay cho cấp tỉnh, huyện.

Để phát huy tốt vai trò của NCUT, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVBCH T.ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Ban Dân tộc tỉnh xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, NCUT trong đồng bào DTTS để thực hiện tốt chính sách dân tộc. Tham mưu, đề xuất hằng năm tổ chức gặp mặt, động viên, khuyến khích, tuyên dương, khen thưởng NCUT có nhiều đóng góp. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chăm lo, đãi ngộ đối với già làng, trưởng bản, NCUT trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với mục đích phát huy hơn nữa vai trò của NCUT, ngày 17/7/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 98/KH-UBND về thực hiện Đề án "Tăng cường vai trò của NCUT trong vùng DTTS” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020”. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành; chú trọng đảm bảo chế độ chính sách theo quy định hiện hành với NCUT. Với sự coi trọng đội ngũ già làng, NCUT, sự quan tâm, vào cuộc của tỉnh và những đề xuất, kiến nghị điều chỉnh chính sách thiết thực từ địa phương với T.ư, tin rằng vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt sẽ được phát huy tốt hơn nữa, góp phần vào sự phát triển ở vùng DTTS và toàn tỉnh.

 Cẩm Lệ


Các tin khác


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29

Chiều 5-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt thân mật và tặng quà đoàn HLV, VĐV xuất sắc tiêu biểu của Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) vừa trở về từ Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 29 ở Malaysia vừa qua. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Chấn chỉnh đạo đức, tác phong, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức

(HBĐT) - LTS: Ngày 30/8/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 279- CV/TU về việc chấn chỉnh đạo đức, tác phong, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung như sau:

Hơn 20 vạn học sinh tỉnh ta hân hoan bước vào năm học mới

(HBĐT ) - Sáng ngày 5/9, cùng với hàng triệu học sinh cả nước, hơn 20 vạn học sinh tỉnh ta đã cùng hân hoan bước vào năm học mới. Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đúng 8h sáng, tại tất cả các trường học trên địa bàn toàn tỉnh đã cùng đồng loạt diễn ra lễ khai giảng năm học 2017 – 2018. Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các sở ngành, hội đoàn thể các cấp đã đến dự và chia vui với ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới.


Đặt ưu tiên cao nhất nâng quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào lên tầm cao mới

LTS: Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (5-9-1962 – 5-9-2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trả lời phỏng vấn báo chí về quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Việt Nam và Lào luôn kề vai sát cánh bên nhau

Quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào sẽ không ngừng đơm hoa kết trái vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm Bác Hồ

Kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 và 48 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 2-9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục