Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban
về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, một cán bộ lãnh đạo cấp cao mà bị
xem xét đến 4 lỗi nghiêm trọng, thì quả là đáng ngại, không có gì có thể biện
minh.
Cái đáng lo là lãnh đạo không xứng đáng
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vừa kết luận và công bố sai phạm của Bí Thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ
tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đó cũng có
thể coi là một trong những tuyên bố rõ ràng về việc thực hiện chủ trương và
quyết tâm trong công tác kiện toàn bộ máy, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất
là cán bộ lãnh đạo giữ vị trí cao, người đứng đầu cơ quan của Đảng, Nhà nước.
Việc xử lý đối với cán bộ cao cấp nếu trước đây như "vùng cấm”,
chỉ mang tính "nội bộ”, thì nay đã là công việc thường xuyên nhằm chỉnh đốn
Đảng, phòng chống vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, vi phạm chính sách,
pháp luật của Nhà nước, và vi phạm đạo đức của người lãnh đạo, quản lý.
Cùng một thời điểm có
hai lãnh đạo cao nhất về đảng và chính quyền của một thành phố trực thuộc Trung
ương bị xem xét xử lý kỷ luật là chưa có tiền lệ. Chúng ta không ngại thiếu cán
bộ, thiếu người tài. Cái đáng lo nhất chính là cán bộ sai phạm, hư hỏng, không
xứng đáng để Đảng phân công giữ quyền lãnh đạo, để Nhân dân tín nhiệm ủy thác
điều hành đất nước.
|
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng –
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội
|
"Một cán bộ lãnh đạo cấp cao thuộc hàng "thượng thư” mà bị xem
xét đến 4 lỗi nghiêm trọng, đặc biệt là lỗi về bằng cấp, học vị, thì quả là
đáng ngại, không có gì có thể biện minh”- ông Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ.
Vị đại biểu Quốc hội này cũng chia sẻ đã nhận khá nhiều đơn thư,
thông tin của người dân. Mới đây, ông nhận và chuyển một đơn tố giác trường hợp
cụ thể về "sử dụng bằng cấp trái pháp luật và đề bạt, không xử lý cán bộ khai
man về bằng cấp” đến Ủy ban kiểm tra Trung ương.
"Vì một số việc đã bị phát hiện trước đó cũng như sự kiện xảy ra
ở Đà Nẵng, tôi nghĩ chắc chắn sẽ còn không ít người lợi dụng chức quyền, sự sơ
hở của cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, có hành vi gian dối về bằng
cấp để tiến thân” ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Nhìn vào quan hệ, bằng cấp để đề bạt sẽ tai hại
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, trẻ hóa đội ngũ là một trong
những chủ trương quan trọng của Đảng nhằm tăng cường sức mạnh cho Đảng và Nhà
nước, đồng thời để góp phần đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, cán bộ giỏi, tạo sự
đột phá trong các lĩnh vực hoạt động chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng,
hợp tác quốc tế… Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ thực hiện các nhiệm vụ trước
mắt, tạo lực lượng lãnh đạo kế cận và phục vụ tầm nhìn lâu dài là đòi hỏi có
tính cấp bách.
"Đà Nẵng rất cần một người lãnh đạo có bản lĩnh, độ chín, có uy
tín cao. Tuyệt đối tránh đưa cán bộ thiếu ý thức tuân thủ, có tiềm ẩn bè phái
hoặc yếu năng lực, vì như vậy sẽ không đủ sức lãnh đạo” – ĐBQH Lưu Bình
Nhưỡng.
Thời gian qua Đảng, Nhà
nước đã thực hiện chủ trương quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bổ
nhiệm nhiều cán bộ trẻ vào các vị trí lãnh đạo các cấp ở trung ương và địa
phương. Nhiều người đã phát huy được những phẩm chất tốt, có năng lực lãnh đạo,
có tầm nhìn, nói chung là có tâm, có tầm. Đó là thành công bước đầu rất quan
trọng, góp phần hiện thực lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc của
Người: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất quan trọng và
cần thiết”.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, muốn có lãnh đạo trẻ, tài năng, có độ
"chín”, đủ sức gánh vác công việc của Đảng, Nhà nước thì phải thực hiện tốt hai
quá trình: Một là, Đảng, Nhà nước cần phát hiện, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng
nhân tài, những người vừa "hồng” vừa "chuyên”; Hai là, bản thân người cán bộ đó
phải tự rèn luyện, tự học hỏi, tự đào tạo mình thành người có ích, có kiến
thức, hiểu biết, đặc biệt phải là người tốt, có lòng nhân, có liêm sỉ, biết
phấn đấu vì lợi ích, sự sống còn của Đất nước và Nhân dân.
"Trong hai quá trình đó, cần hết sức lưu ý tạo điều kiện, cơ hội
cho cán bộ thể hiện khả năng, bản lĩnh, bộc lộ các phẩm chất tốt đẹp, tức là
phải trải nghiệm thực sự. Vì người ta thường nói, "kinh nghiệm là ông thầy của
mọi ông thầy”, muốn có kinh nghiệm đôi khi phải trả giá. Nếu chỉ nhìn vào quan
hệ, bằng cấp, mà lại là bằng "rởm” để bổ nhiệm, đề bạt thì sẽ vô cùng tai hại”
– vị đại biểu Quốc hội đoàn Bến Tre nêu quan điểm.
Với cán bộ, chỉ có thể kiểm nghiệm bằng thực tiễn mới chứng tỏ
tính trung thực, trung thực bao nhiêu phần trăm, trung thực được bao lâu… chứ
không phải chỉ qua những phát ngôn khi mới được bổ nhiệm. Theo ông, cũng cần
nghiên cứu, đánh giá tìm nguyên nhân cốt lõi của việc "xuống dốc không phanh”
để rút kinh nghiệm chung.
"Tôi rất tán thành và
ủng hộ ý kiến việc tổng rà soát lại vấn đề bổ nhiệm cán bộ ở các cấp, các ngành, lĩnh vực. Trường hợp sử dụng
bằng giả, khai báo không trung thực về bằng cấp phải xử lý thật nghiêm khắc, tránh
"kiểm điểm” suông hoặc "rút kinh nghiệm” hình thức rồi điều chuyển, chỗ khác,
thậm chí đặc vào vị trí quan trọng hơn như dự luận bức xúc” – ông Lưu Bình
Nhưỡng bày tỏ đồng tình với kiến nghị của Uỷ ban Tư pháp khi thẩm tra về báo
cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2017, vừa trình Uỷ ban Thường vụ Quốc
hội./.
TheoVOV