Ngày 27-9, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng: Vương Ðình Huệ và Trịnh Ðình Dũng đồng chủ trì phiên họp toàn thể Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu (BÐKH). Cùng dự, có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; các địa phương vùng ÐBSCL và một số tỉnh, thành phố lân cận; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, nhà khoa học, chuyên gia trong nước và nước ngoài…


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN).

Tại hội nghị, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu quản lý trong nước, tổ chức quốc tế trình bày nhiều tham luận, ý kiến tập trung phân tích những tác động của BÐKH, nước biển dâng đến sự phát triển của ÐBSCL, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ mang tính cấp bách và lâu dài đối với sự phát triển của ÐBSCL để biến thách thức thành cơ hội đối với sự phát triển của vùng. Các đại biểu cho rằng, để ÐBSCL phát triển bền vững, Chính phủ, các bộ, ngành cần có quy hoạch tổng thể, tích hợp về phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng thích ứng BÐKH; phát triển cần tôn trọng tự nhiên, môi trường sinh thái bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế - xã hội và môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước, đồng thời khai thác hợp lý nguồn nước ngầm trong phát triển kinh tế - xã hội; chuyển đổi mô hình hình sản xuất thích ứng BÐKH…

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế dành sự quan tâm lớn cho vùng ÐBSCL; khẳng định, Chính phủ lắng nghe và tiếp thu các ý kiến tại hội nghị và tiếp tục kêu gọi các sáng kiến cùng chung tay phát triển bền vững khu vực ÐBSCL thích ứng BÐKH. Sau hội nghị này, Chính phủ sẽ có nghị quyết về phát triển ÐBSCL. Nêu bật những thách thức lớn đối với ÐBSCL, Thủ tướng nhấn mạnh, đây chỉ là những thách thức, chúng ta không hốt hoảng mà cần tìm ra hướng giải quyết tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị có ý nghĩa quyết định sự phát triển của vùng. Với sự nỗ lực của cả cộng đồng, Thủ tướng tin tưởng tương lai ÐBSCL sẽ tươi sáng.

Thủ tướng chỉ ra các quan điểm phát triển vùng ÐBSCL, đó là thay đổi tư duy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng với tự nhiên, gắn với liên kết vùng kinh tế phía nam, Tiểu vùng sông Mê Công… Thủ tướng xác định, việc chuyển đổi mô hình phát triển phải lấy con người làm trung tâm, xem BÐKH, nước biển dâng là tất yếu, có biện pháp chủ động sống chung với lũ, bảo đảm hài hòa các yếu tố đất nước, con người, môi trường văn hóa. Các dự án đầu tư cần thống nhất, liên ngành, liên vùng, chú trọng các giải pháp phi công trình, công trình, hợp tác với các nước trong khu vực chia sẻ, sử dụng nguồn nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ nhiều giải pháp tổng thể phát triển bền vững ÐBSCL, đó là quy hoạch tích hợp phát triển ÐBSCL thích ứng BÐKH, nước biển dâng; hoàn thiện các cơ chế phát triển vùng tránh chồng chéo, trùng lặp, tạo sức mạnh tổng hợp cho vùng; cập nhật, hoàn thiện kịch bản BÐKH đến năm 2100 và công khai cho người dân biết để chủ động thích ứng; chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng BÐKH, cây trồng, vật nuôi ít tiêu tốn nước gắn với sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; rà soát quy hoạch giao thông, thủy lợi, đê bao để có hướng cải tiến, điều chỉnh phù hợp với thực tế; hạn chế đến mức thấp nhất phát triển nhiệt điện than; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời; phát triển đô thị thông minh, chủ động cung cấp nước sạch liên vùng kết hợp với xây dựng nhà ở an toàn, vệ sinh cho cư dân sông nước; đầu tư phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của vùng; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào vùng; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia của ÐBSCL về thích ứng BÐKH.

Về đầu tư các công trình ứng phó BÐKH, Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến 2020 sẽ giải ngân hiệu quả một tỷ USD để xây dựng một số công trình. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động hợp tác với Ủy hội sông Mê Công, các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự hỗ trợ. Ðáng chú ý, các địa phương trong vùng cần chủ động sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội thích ứng BÐKH, phải "tự cứu mình trước", nhất là có sự tham gia hiến kế, đóng góp của người dân, các nhà khoa học… Thủ tướng nêu rõ, những quyết sách, kết luận từ hội nghị này, kể cả quy hoạch ÐBSCL tới đây sẽ công bố để người dân biết, góp ý và phản biện và chú ý lắng nghe mọi nơi mọi lúc, thông qua nhiều hình thức. Người dân có quyền giám sát đánh giá lại doanh nghiệp và cơ quan quản lý, nhất là những định hướng phát triển phù hợp…

★ Hội nghị đã diễn ra các phiên thảo luận chuyên đề về chuyển hóa thách thức thành cơ hội để phát triển bền vững ÐBSCL; quy hoạch tích hợp phát triển ÐBSCL và cơ chế, giải pháp huy động các nguồn lực cho phát triển vùng; cơ cấu lại nông nghiệp, phòng, chống thiên tai, sạt lở, xây dựng hệ thống thủy lợi thích ứng BÐKH…

★ Sáng cùng ngày, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi gặp gỡ các Ðại sứ, đại diện cơ quan ngoại giao tại Việt Nam nhân dịp tham dự hội nghị.

Tại buổi tiếp Ðại sứ CHLB Ðức tại Việt Nam C.Bơ-gơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao Ðại sứ tham dự hội nghị, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Ðức đối với tiến trình phát triển bền vững của ÐBSCL. Qua Ðại sứ, Thủ tướng trân trọng gửi lời chúc mừng Thủ tướng A.Méc-ken và Liên minh Dân chủ Cơ Ðốc giáo do bà lãnh đạo giành thắng lợi tại cuộc bầu cử Quốc hội Ðức nhiệm kỳ 2017-2021; gửi lời cảm ơn bà A.Méc-ken đã mời Ðoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm G20 vào tháng 7 vừa qua và cho rằng, kết quả tốt đẹp của Hội nghị G20 đã giúp tạo sự kết nối giữa G20 và APEC, nhất là trong việc phối hợp thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ Ðức và cho biết, các chương trình hỗ trợ này đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Trên tinh thần đó, Thủ tướng bày tỏ mong muốn Chính phủ Ðức tiếp tục hỗ trợ ÐBSCL lập quy hoạch phát triển phù hợp thế mạnh địa phương; khẳng định Việt Nam luôn coi Ðức là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu ở châu Âu và mong muốn, hai bên cần thường xuyên tiếp xúc nhằm tăng cường tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển sâu rộng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực thời gian tới.

Ðại sứ C.Bơ-gơ mong muốn Chính phủ Ðức và Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước; hy vọng, hội nghị lần này sẽ đưa ra những quan điểm hợp tác phát triển thiết thực giữa Việt Nam với các quốc gia, đối tác phát triển trong đó có Ðức; qua đó góp phần biến các thách thức của BÐKH trở thành cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

★ Tiếp Ðại sứ Thụy Ðiển tại Việt Nam P.Hốc-bớc, Thủ tướng cảm ơn Ðại sứ tham dự Hội nghị, thể hiện tình cảm, sự hợp tác giữa hai nước; mong muốn Ðại sứ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Thụy Ðiển.

Ðại sứ P.Hốc-bớc khẳng định, Thụy Ðiển luôn quan tâm sự phát triển của ÐBSCL; Chính phủ Thụy Ðiển đã phê chuẩn khoản ngân sách hơn năm triệu USD hỗ trợ Ủy ban sông Mê Công; nhấn mạnh, Thụy Ðiển và Việt Nam là bạn bè thân thiết và sẽ nỗ lực hết sức mình góp phần thắt chặt tình hữu nghị này.

★ Tiếp Ðại sứ Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam C.Chi-tích, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Ðại sứ tham dự hội nghị; tin tưởng việc này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày một thiết thực, hiệu quả hơn.

Ðại sứ C.Chi-tích cho biết, thời gian qua Ô-xtrây-li-a đã có nhiều chương trình hỗ trợ, hợp tác tại ÐBSCL; Chính phủ Ô-xtrây-li-a sẽ tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và sẽ tham gia huy động nguồn lực cho Việt Nam trong thúc đẩy phát triển khu vực ÐBSCL; hỗ trợ Việt Nam trên tinh thần đối tác sáng tạo, giúp Việt Nam nâng cao chất lượng, năng suất trong sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm và thương hiệu mới.

★ Tại cuộc tiếp Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam G.Ya-na-ghi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Công sứ đã tham dự hội nghị và đánh giá cao vai trò của Nhật Bản đối với sự phát triển của ÐBSCL; khẳng định, Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với Nhật Bản theo tinh thần đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á; đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê tới Việt Nam và tham dự Hội nghị cấp cao APEC.

Công sứ Nhật Bản đánh giá cao sáng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tổ chức Hội nghị này, coi đây là cơ hội tốt để huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển khu vực đang bị BÐKH tác động gay gắt; cho biết, phát triển bền vững, thích ứng BÐKH cũng là một trong những trụ cột chính trong chương trình hợp tác giữa hai nước; khẳng định, Nhật Bản sẽ hỗ trợ tích cực Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC.


                                                      Theo Báo Nhân Dân


Các tin khác


Đảng bộ xã Tú Lý khẳng định vai trò lãnh đạo

Sau sáp nhập, xã Tú Lý có địa bàn rộng, dân số đông. Trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã định hướng tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững. Để đạt được điều này, Đảng bộ xã xác định vai trò lãnh đạo của cấp ủy và sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên là hết sức quan trọng.

Đại hội thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" huyện Kim Bôi lần thứ VII

Ngày 26/4, Hội Cựu chiến binh huyện Kim Bôi tổ chức Đại hội thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" lần thứ VII, giai đoạn 2019 - 2024.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 26/4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học "Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng (BVNTTT) của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay”.

Thông tin kỳ họp lần thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Ngày 26/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tiến hành kỳ họp lần thứ 26, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận các nội dung:

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Lạc lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Trong 2 ngày 25 - 26/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Lạc tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Đây là đơn vị được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện. Đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vân Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dự và chỉ đạo Đại hội.

Trung ương Đoàn triển khai quyết định về công tác cán bộ tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình

Sáng 26/4, tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị triển khai công tác cán bộ. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực BCH T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Bùi Thị Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục