(HBĐT) -
Nên tiếp tục hay giải thể chi bộ cơ quan (CBCQ) là câu hỏi, vấn đề được các cấp ủy Đảng, đảng viên từ cơ sở đến cấp tỉnh quan tâm đặt ra trong suốt những năm qua. Bởi CBCQ là chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã, phường, thị trấn nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, cấp cuối cùng của hệ thống chính trị. Xuất phát từ thực tiễn, nhiều ý kiến cho rằng cần có hướng mở cho phù hợp với thực tế địa phương.
Theo tổng hợp của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, BTV Thành ủy Hòa Bình đề xuất tiếp tục duy trì mô hình CBCQ theo Hướng dẫn số 28. Qua đó, giúp cấp ủy trong công tác đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên đảm bảo khách quan, chính xác, đồng thời kịp thời uốn nắn, khắc phục những hạn chế, yếu kém của đảng viên.
BTV Huyện ủy Kim Bôi cũng nêu ý kiến, nên có CBCQ để đảng viên là CB, CC được điều động, luân chuyển từ nơi khác về sinh hoạt được thuận lợi, nếu không việc sinh hoạt đảng gặp khó khăn. Công tác phát triển đảng viên là CB, CC xã, thị trấn cũng thuận lợi hơn.
Thường trực Đảng ủy xã Hào Lý (Đà
Bắc) trao đổi giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
BTV Huyện ủy Lạc Thủy cũng đồng quan điểm trên vì CBCQ tham gia xây dựng và thực hiện tốt chức năng tham mưu cho đảng uỷ lãnh đạo hệ thống chính trị ở cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đảng viên là CB, CC ở cơ quan xã, thị trấn ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ đảng viên còn là đối tượng điều chỉnh của Luật CB, CC. Đó là cơ sở quan trọng để giúp các cấp uỷ, thủ trưởng cơ quan đánh giá, nhận xét đối với cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên và chức trách, nhiệm vụ của CB, CC. Các ý kiến đề xuất duy trì mô hình đều cho rằng cần đi kèm với những giải pháp mạnh để khắc phục những hạn chế của CBCQ đã được chỉ ra, nhất là vấn đề chồng chéo nhiệm vụ, e dè, nể nang, ngại va chạm và nắm cơ sở.
Tìm hiểu thực tế, nhiều ý kiến đề xuất giải thể CBCQ, nhất là đảng viên ở cơ sở, xóm, bản. Lý do được đưa ra là số lượng CB, CC cư trú ở xã khác không nhiều. Mặt khác cũng nên phân công những đảng viên này về sinh hoạt tại chi bộ ở xã đang công tác để nắm địa bàn triển khai công việc được tốt hơn. Mối liên hệ với chi bộ nơi cư trú thực hiện theo Quy định số 76 của Bộ Chính trị…ở xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) chỉ có 1 công chức địa chính luân chuyển từ xã Độc Lập về. Các xã khác trong huyện cũng chỉ có 1 - 2 công chức diện này. Bí thư CBCQ xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) Nguyễn Xuân Phục cho biết: Tôi thấy không cần mất một khâu trung gian nữa mà CB, CC là đảng viên nắm được chủ trương nên về sinh hoạt với chi bộ KDC để hỗ trợ, cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng ủy trực tiếp tới chi bộ nông thôn, tới dân luôn. Các chi bộ mạnh lên, xóm mạnh lên, xã sẽ mạnh lên.
Để thấy rõ thêm mô hình CBCQ có phù hợp với địa phương hay không, chúng tôi đến xã Tân Vinh (Lương Sơn). Đảng bộ xã có 14 chi bộ trực thuộc (9 chi bộ xóm), CBCQ được thành lập năm 2008 và hiện có 16 đảng viên. Tính đến tháng 9/2017, do khó khăn về nguồn phát triển đảng viên mới nên vẫn còn xóm Tân Lập "trắng” tổ chức Đảng. Sau nhiều năm bồi dưỡng, xóm mới phát triển được 2 đảng viên. Dự kiến trong tháng 10/2017, Đảng ủy xã sẽ điều động 2 đảng viên CBCQ về để thành lập chi bộ xóm. Còn với xóm Tân Hòa đã từng thành lập được chi bộ nhưng sau đó 3 đảng viên cao tuổi mất, 2 đồng chí chuyển sinh hoạt đến nơi khác. Vì vậy, năm 2004, chi bộ Tân Hòa giải thể. Đến tháng 10/2015, Đảng ủy xã phân công 2 đảng viên từ CBCQ về sinh hoạt cùng với 3 đảng viên nghỉ hưu, chi bộ Tân Hòa mới được tái lập với 5 đảng viên. Đến tháng 8/2017, sau 14 năm giải thể, chi bộ mới kết nạp được 1 đảng viên mới là chi hội trưởng chi Hội phụ nữ xóm. Hiện nay, trong số 9 chi bộ xóm trực thuộc Đảng ủy xã vẫn còn 3 chi bộ là Tân Hòa, Thủy Tân, Suối Kế có dưới 9 đảng viên.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Vinh Nguyễn Phùng Chinh nêu quan điểm: Với đặc điểm tình hình của xã nên giải thể CBCQ. CB, CC xã về sinh hoạt tại chi bộ xóm sẽ là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng của tỉnh, huyện, xã trực tiếp về với cơ sở, với dân. Đồng thời, bàn bạc và đưa ra những giải pháp thiết thực để nghị quyết đi vào cuộc sống. Từ đó, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, nhất là chi bộ nông thôn bấy lâu nay còn nhiều hạn chế. Đồng thời khắc phục được "bệnh” xa dân. CB, CC, đảng viên phải liên hệ mật thiết với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. CB, CC xã đã thực hiện nhiệm vụ theo nội quy, quy chế ban hành trên cơ sở Luật CB, CC và hằng năm đều đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Chi bộ KDC có thể lấy kết quả này làm căn cứ để đánh giá đảng viên.
Đồng quan điểm này, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Lương Sơn Cao Xuân Hùng cho biết: BTV Huyện ủy thống nhất đề xuất giải thể CBCQ vì lo chồng chéo nhiệm vụ và xa dân, nắm cơ sở hạn chế, ảnh hưởng đến chi bộ KDC.
Đối với xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Mường, đội ngũ cấp ủy các chi bộ trình độ, năng lực không đồng đều. Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Khoa cho biết: Có chi bộ nhân sự cấp ủy yếu nhưng không tìm được người thay. Có những việc Đảng ủy hướng dẫn mãi mà cấp ủy chi bộ xóm vẫn loay hoay hoặc không tổ chức được buổi sinh hoạt chi bộ chất lượng. Việc phát triển đảng viên mới không dễ do nhiều ĐV-TN trẻ ly hương mưu sinh. Nếu chuyển đảng viên CBCQ về chi bộ các xóm sẽ hỗ trợ được nhiều. Đồng thời, giảm được 1 chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã, tăng sức mạnh cho chi bộ xóm; thực hiện tốt quy định "tiếp xúc, đối thoại với nhân dân”. Thực tế, có những lúc chi bộ xóm "bí” quá, bàn việc không xong phải mời cán bộ xã về hỗ trợ như: vấn đề hiến đất xây dựng nông thôn mới; thực hiện các chế độ, chính sách đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số… Tôi cho rằng, những xóm có việc "nóng” cần có cán bộ chủ chốt của xã sinh hoạt tại chi bộ vì sâu sát cơ sở, nắm được ý nguyện của nhân, thực hiện đối thoại với dân để xử lý được vấn đề.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Sơn Bùi Văn Hiền: Nên đưa đảng viên là CB, CC xã về sinh hoạt tại các xóm. Khi đó, cấp uỷ cơ sở giới thiệu đảng viên về trực tiếp sinh hoạt tại chi bộ KDC, không nhất thiết theo địa chỉ cư trú. Đảng uỷ có thể phân công đảng viên là CB, CC xã theo hướng về chi bộ có ít đảng viên hoặc các xóm chưa thành lập được chi bộ để nâng cao chất lượng sinh hoạt, khắc phục tình trạng thiếu nguồn kết nạp và xoá chi bộ sinh hoạt ghép ở cơ sở.
Trên thực tế, mô hình nào cũng có những ưu điểm, hạn chế. Quan trọng nhất là việc Đảng cuối cùng phải vì dân. Do đó, cần dựa vào tình hình, đặc điểm cụ thể của từng địa phương để xác định mô hình nào phù hợp. Cần có hướng mở cho phù hợp với thực tiễn từng địa phương, vùng miền. Ngày 4/8/2017, Đoàn công tác của Ban Tổ chức T.ư do đồng chí Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.ư làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Hòa Bình về tình hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Sau khi khảo sát tại phường Chăm Mát và BCH Đảng bộ TP Hòa Bình, đồng chí nêu ý kiến: Việc thành lập CBCQ nhiều nơi không đồng tình. Tổ chức mô hình này có hiệu quả hơn trước không khi CB, CC không gần dân?! Tính toán làm sao để mục tiêu cuối cùng là làm cho xã, phường, thị trấn mạnh lên. Nước ta trải dài từ miền Bắc - Trung - Nam, hải đảo, miền núi, đồng bằng đều có. Một văn bản của T.ư là định hướng chính, không thể bao gói hết các vùng miền. Vì thế, có lẽ nên để hướng mở để các địa phương lựa chọn cho phù hợp.
Hòa Bình là tỉnh miền núi với 74,14% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, địa bàn nhiều nơi còn khó khăn, còn 124 chi bộ phải sinh hoạt ghép. Trong đó, chi bộ xóm (thôn, bản, tổ dân phố) ghép với xóm là 38, gồm 78 xóm (2 chi bộ ghép 3 xóm); chi bộ xóm ghép với trạm y tế là 3, gồm 3 xóm, 3 trạm y tế; CBCQ ghép với trạm y tế là 80, gồm 80 cơ quan xã, phường, thị trấn, 80 trạm y tế. Trong số đơn vị sinh hoạt ghép có 151 xóm, thôn, tổ dân phố; cơ quan xã, phường, thị trấn; trạm y tế có từ 5 đảng viên trở lên. Trong tỉnh còn những vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn. Theo khảo sát của ủy ban MTTQ tỉnh năm 2016 tại 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh với 92,2% đồng bào DTTS, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 84,64%, mức sống chỉ bằng 25 - 30% so với bình quân chung của tỉnh. Nhiều chi bộ phải sinh hoạt ghép, năng lực bí thư chi bộ, cấp ủy còn hạn chế, chất lượng sinh hoạt không cao; việc xây dựng và triển khai nghị quyết gặp khó khăn.
Từ tình hình thực trạng và hạn chế về hoạt động của mô hình CBCQ, ý kiến của các Huyện ủy, Thành ủy, BTV Tỉnh ủy đề xuất giải thể CBCQ. Trên thực tế, số lượng đảng viên ở các chi bộ vùng nông thôn, dân tộc thiểu số không nhiều và thường có chênh lệch độ tuổi lớn. Trong khi đó, chưa có quy định thống nhất về chức năng, nhiệm vụ của CBCQ trong phạm vi toàn quốc. Để khắc phục những hạn chế nếu không tiếp tục duy trì mô hình này, đồng chí Bùi Văn Luyến, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng cần tập trung vào 4 giải pháp: Đảng ủy xã phân công đảng viên là CB, CC xã về chi bộ KDC sinh hoạt. Phân công đảng viên về những chi bộ yếu, chi bộ có ít đảng viên để củng cố chi bộ đó. Cấp ủy chỉ đạo, hằng năm khi đánh giá đảng viên là CB, CC xã thì chuyển kết quả đó về chi bộ là một trong những căn cứ để bình xét đảng viên cuối năm. Thực hiện nghiêm túc Quy định số 76-QĐ/TW, ngày 15/6/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về đảng viên đang công tác ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.
Cẩm Lệ
Nhóm ý kiến:
Cần củng cố sức mạnh của chi bộ xóm
Đảng bộ xã Hào Lý có 13 chi bộ trực thuộc, trong đó 9 chi bộ KDC. Các chi bộ KDC đang rơi vào tình trạng "già hóa” đảng viên và "cạn” nguồn phát triển đảng viên mới do ĐV-TN đi làm ăn xa nhiều. Đến nay mới có chi bộ xóm Hào Phú và Quyết Chiến có trên 9 đảng viên. Do số đảng viên quá ít nên 7 chi bộ chỉ có bí thư, không thành lập ban chi ủy. Hoạt động của chi bộ xóm còn nhiều hạn chế do đội ngũ cấp ủy, bí thư chi bộ ở một số nơi năng lực hạn chế, còn người trình độ cấp tiểu học nhưng không có người thay. Mọi chủ trương, nghị quyết đều thông qua chi bộ cơ sở triển khai đến đảng viên và nhân dân mà cán bộ đương chức tập trung hết về xã, các chi bộ xóm bị "trống”. Các đồng chí được phân công phụ trách xóm nhưng cũng không thể nắm chắc cơ sở bằng việc sinh hoạt tại chi bộ xóm. CB, CC xã nắm được chủ trương, đường lối về chi bộ xóm trực tiếp tuyên truyền, triển khai sẽ làm mạnh chi bộ xóm lên.
Đinh Văn Thủy
Bí thư Đảng ủy xã Hào Lý (Đà Bắc)
Mong có cán bộ hiểu biết về sinh hoạt tại chi bộ xóm
Là xóm vùng sâu, chi bộ xóm Ký, xã Hợp Đồng (Kim Bôi) có 7 đảng viên (1 đảng viên dự bị). Chi bộ duy trì sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng (khoảng từ ngày 1 - 5 hằng tháng). Khi triển khai kế hoạch phát triển KT-XH hay xóm có việc lớn, chi bộ sẽ ra nghị quyết thực hiện (khoảng 5 - 6 nghị quyết/năm) như việc bảo vệ môi trường; nâng cấp đường giao thông nội đồng, đổ bê tông sân nhà văn hóa… Đảng ủy xã phân công 1 đảng ủy viên phụ trách xóm nhưng không về được thường xuyên.
Được bầu làm bí thư chi bộ, tôi có đủ nhiệt tình nhưng cảm thấy năng lực có mặt còn hạn chế. Tôi mong có CB, CC được đào tạo cơ bản về sinh hoạt tại chi bộ xóm để góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng của nghị quyết.
Đinh Thị Liên
Bí thư chi bộ xóm Ký, xã Hợp Đồng (Kim Bôi)
Hỗ trợ cho chi bộ xóm khó khăn
Đoàn Kết là xóm trong diện đặc biệt khó khăn, đi vào xóm phải qua một cây cầu nhỏ, chưa đi được ô tô. Tỷ lệ hộ nghèo của xóm còn xấp xỉ 49%. Nằm ven hồ thủy điện Hòa Bình nhưng xóm chưa nuôi được cá lồng vì mùa khô nước cạn sâu. Chi bộ xóm chỉ có 6 đảng viên, không thành lập ban chi ủy. Các đảng viên đã cố gắng nhưng hoạt động của chi bộ còn khó khăn. Đồng chí thư chi bộ là đảng viên trẻ, mới đảm nhiệm nhiệm vụ này lần đầu tiên. Nếu CB, CC xã về tham gia sinh hoạt tại chi bộ xóm sẽ hỗ trợ được chúng tôi.
Bùi Văn Dậu
Đảng viên xóm Đoàn Kết, xã Thung Nai (Cao Phong)