(HBĐT) - Công trình thủy điện trên sông Đà được khởi công vào ngày 6/11/1979, khánh thành ngày 24/12/1994. Công trình này nói như cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt thì: "Thủy điện Hòa Bình (TĐHB) mãi mãi là niềm tự hào của đất nước”.


Tuy vậy, để xây dựng công trình, hàng nghìn hộ dân ở các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Kỳ Sơn và thị xã Hòa Bình phải nhường lại đất đai, nơi "chôn nhau, cắt rốn” để di chuyển đến nơi ở mới. Tính đến nay, việc chuyển dân để phục vụ công trình TĐHB trên sông Đà đã kết thúc được hơn 30 năm (1986). Tuy nhiên, nhìn lại cuộc sống của đồng bào chuyển cư vùng lòng hồ sông Đà vẫn còn nhiều điều trăn trở...

Bài 1: Hy sinh tất cả để cho đất nước sáng lên điện sông Đà

 Công trình TĐHB mang lại dòng điện cho sự phát triển của đất nước được xây dựng với 8 tổ máy. Đây được xem là bản hùng ca về trí tuệ con người Việt Nam; là tấm gương sáng ngời về tinh thần lao động dũng cảm, sáng tạo, kiên cường, bền bỉ vượt lên mọi khó khăn, thách thức. Trong đó có sự đóng góp đặc biệt to lớn, sự hy sinh vô giá của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình để cho đất nước sáng lên điện sông Đà...

 Ký ức thời đại công trường

Việc chuyển dân phục vụ nhiệm vụ xây dựng Nhà máy TĐHB trên sông Đà được xem là cuộc chuyển dân lớn nhất trong lịch sử đất nước. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ đặc biệt, cực kỳ quan trọng để kịp thời phục vụ kế hoạch ngăn sông Đà (đợt 1 năm 1983; đợt 2 năm 1986 và phát điện tổ máy số 1 năm 1987). Nhiệm vụ nặng nề này được Trung ương Đảng, Chính phủ giao cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Sơn Bình (cũ), trực tiếp là các địa phương: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Kỳ Sơn và thị xã Hòa Bình (nay là thành phố Hòa Bình) tổ chức thực hiện. Trong đó, Đà Bắc được coi là trung tâm của cuộc chuyển dân. Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định công tác giải phóng lòng hồ, chuyển dân tới nơi ở mới của hơn 4.000 hộ dân là nhiệm vụ to lớn, vô cùng phức tạp. ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hàng vạn đồng bào các dân tộc. Do vậy, các địa phương đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng.

 

Cán bộ, đảng viên xã Hào Tráng (Đà Bắc) giúp nhân dân xã chuyển cư, làm sạch lòng hồ sông Đà năm 1982. ảnh: T.L

 Là Bí thư Huyện ủy Đà Bắc giai đoạn 1982 - 1986, sau này là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Hoà Bình, hơn ai hết, ông Nguyễn Văn Cửu là người hiểu rõ sức nóng và nhiệm vụ nặng nề của địa phương trong việc vận động đồng bào hy sinh tất cả, nhường lại đất đai, quê hương bản quán để đất nước sáng lên điện sông Đà. Theo trí nhớ của ông Bí thư Huyện ủy Đà Bắc năm xưa thì: Đà Bắc là trung tâm của cuộc chuyển dân vùng lòng hồ sông Đà, bởi đại bộ phận dân cư của huyện sinh sống chủ yếu ở ven QL 6, chạy dọc theo sông Đà. Hầu hết các điểm dân cư đều nằm ở dưới cos 16m. Do vậy, khi thực hiện kế hoạch lấp sông, đại bộ phận người dân phải di chuyển khỏi nơi ở cũ. Từ thực tế đó, có thể nói việc chuyển cư vùng lòng hồ sông Đà xây dựng TĐHB giống như một cuộc cách mạng. Nhân dân có sự hy sinh rất lớn, không ai đòi hỏi gì. Người dân chuyển cư trên tinh thần "Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc” nên việc chuyển dân, Nhà nước hầu như không phải bồi thường giải phóng mặt bằng mà chỉ là hỗ trợ một phần rất nhỏ. Ví như một ngôi nhà sàn 5 gian, thời điểm đó cũng chỉ được hỗ trợ từ 3.000 - 3.200 đồng. Số tiền này chỉ đủ cho công dỡ nhà chứ không đủ để di chuyển đến nơi khác. Công tác vận động người dân tháo dỡ, di chuyển nhà đến nơi ở mới đã là một việc khó nhưng việc vận động người dân di chuyển mồ mả cha ông lại là việc khó hơn gấp bội. Do đồng bào dân tộc có tập quán đào sâu, chôn chặt. Vì vậy, việc chỉ đạo thực hiện di chuyển mồ mả được chỉ đạo quyết liệt trên tinh thần "chưa di chuyển hết mồ mả thì chưa hoàn thành Nghị quyết chỉ đạo chuyển cư phục vụ việc lấp sông của Tỉnh uỷ”. Do vậy, khi hoàn thành công tác di chuyển mồ mả lên trên cos 120m cũng được coi là một cuộc cách mạng về tín ngưỡng, tâm linh trong quá trình chỉ đạo thực hiện công tác di chuyển dân ở Đà Bắc nói riêng và nhân dân các dân tộc chuyển cư vùng lòng hồ sông Đà ở Hoà Bình nói chung.

Có thể nói, chính từ việc phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) trong việc tuyên truyền đúng; tổ chức thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ về công tác di dân vùng lòng hồ sông Đà đã tạo được sự tin tưởng tuyệt đối của người dân. Thế nên khi được vận động, tất cả các hộ gia đình, các thôn, xóm, các xã nằm trong vùng phải di chuyển đều thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Trong đó, gia đình CB,ĐV, đoàn viên thanh niên đóng vai trò nòng cốt. Họ là người tiên phong dỡ trước, chuyển trước với tinh thần "việc khó xắn tay áo lên là CB,ĐV”. Từ đó, người dân đã tin tưởng tuyệt đối và làm theo. Từ chỗ chỉ có gia đình CB,ĐV nêu gương, cuộc chuyển dân ở khắp các địa phương trong tỉnh nói chung, huyện Đà Bắc nói riêng đã trở thành phong trào sôi nổi.

Theo đó, để hoàn thành kế hoạch chuyển dân, các hộ gia đình đã tự giúp nhau; thôn xóm, các tổ chức đoàn thể tích cực giúp dân dỡ nhà chuyển vén lên cos nước cao hơn hoặc chuyển đến nơi ở mới. Từ phong trào này, trong các năm 1982 đến năm 1986 cả huyện Đà Bắc giống như đại công trường. Nhất là năm 1982, thời kỳ gấp rút chuyển dân để phục vụ kế hoạch lấp sông đợt 1 năm 1983. Theo đó, ở thời điểm này, huyện Đà Bắc có 23 xã thì có 18 xã nằm ở ven 2 bờ sông Đà. Trong đó có 7 xã phải di chuyển toàn bộ ra khỏi khu vực lòng hồ...

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy về việc tổ chức thực hiện công tác giải phóng lòng hồ sông Đà trong mùa khô năm 1982 - 1983 phải làm dứt điểm việc chuyển dân từ cos 16m - 18m lên cos 25m. Như vậy, khối lượng di chuyển của các huyện trong tỉnh vào khoảng hơn 2 nghìn hộ dân, trong đó huyện Đà Bắc chiếm tới hơn ẵ. Cùng với đó là hàng nghìn mồ mả cha ông, di tích lịch sử và toàn bộ cơ quan huyện lỵ của Đà Bắc phải di chuyển về nơi mới. Song song với việc chuyển dân khỏi vùng lòng hồ sông Đà, Đảng bộ huyện đã thực hiện phương châm lãnh đạo là tất cả vì sự ổn định cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; khắc phục mọi khó khăn đảm bảo việc học hành và chữa bệnh cho con em và đồng bào các dân tộc trong huyện.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vô cùng khó khăn này, khi ấy, trong suốt 3 tháng ròng, Bí thư Huyện ủy Đà Bắc Nguyễn Văn Cửu cùng toàn bộ đội ngũ cán bộ, lãnh đạo huyện đã lặn lội băng rừng, vượt suối đến với đồng bào để gặp gỡ, tuyên truyền về những chủ trương, chính sách và kế hoạch xây dựng TĐHB trên sông Đà. Để nhân dân hiểu rõ mục đích ý nghĩa, tầm quan trọng của công trình và trách nhiệm cũng như vai trò, sự tham gia đóng góp của người dân đối với công trình. Chính nhờ sự chỉ đạo sâu sát, đầy trách nhiệm của đội ngũ CB,ĐV trong toàn huyện khi ấy, nên khi Huyện ủy Đà Bắc phát động chiến dịch "40 ngày đêm vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, tốc dộ chuyển dân của huyện được đẩy lên rất cao. Đồng thời, để tổ chức di chuyển dân đạt kết quả tốt, Đảng bộ và chính quyền huyện Đà Bắc đã huy động CB,ĐV toàn huyện ngày đêm lặn lội cùng đồng bào tháo dỡ nhà cửa, khuân vác vận chuyển vén lên độ cao quy định và di chuyển về nơi ở mới. Nhờ vậy, việc chuyển dân của huyện đã đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.

Theo ông Xa Văn Mão, ở xóm Doi, xã Hiền Lương, nguyên là Trưởng Ban chuyển cư vùng lòng hồ sông Đà của huyện Đà Bắc thì: Tính từ tháng 10/1982 đến tháng 3/1983, toàn huyện Đà Bắc đã di chuyển được 1.322 hộ lên trên cos 25m, hàng nghìn mồ mả lên trên cos 120m cùng 62 cơ quan Nhà nước về địa điểm mới. Cùng với di chuyển là việc làm sạch diện tích sẽ bị ngập nước và thi công xây dựng các công trình, trụ sở làm việc của các cơ quan Nhà nước tại nơi chuyển đến. Khi ấy, cả huyện lúc nào cũng hối hả như đại công trường.

Để cho đất nước sáng điện sông Đà

Là trung tâm của cuộc chuyển dân, do vậy, Đà Bắc là địa phương có số lượng chuyển dân lớn nhất tỉnh. Theo thống kê, ngoài số cơ quan, công sở phải di chuyển, để phục vụ xây dựng nhà máy TĐHB, toàn huyện Đà Bắc phải di chuyển 2.520 hộ dân với 16.328 nhân khẩu, 3.800 mồ mả cùng hàng vạn m2 nhà ở của nhân dân nằm rải rác ở 18/23 xã với 60 bản, làng. Việc chuyển cư đến nơi định cư mới của người dân huyện Đà Bắc được thực hiện theo 3 phương thức gồm: xen ghép với các điểm dân cư cũ; hình thành các điểm dân cư mới; di chuyển vén lên các vị trí cao hơn ở ven hồ. Sau khi công trình TĐHB hoàn thành đã làm ngập hơn 5.500 ha đất đai của huyện. Trong đó, có 640 ha ruộng lúa nước, 1.100 ha diện tích đất màu mỡ, 50 km đường ôtô cùng hàng trăm km đường dân sinh. Ruộng vườn, đất đai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật... Quá trình chuyển dân cũng đã làm cho đời sống của khoảng 50% dân số toàn huyện khi ấy đã bị đảo lộn hoàn toàn.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Mai, Giám đốc BQL các dự án xây dựng hạ tầng, nguyên là Phó Giám đốc BQL dự án vùng hồ sông Đà huyện Đà Bắc thì: Sau khi hoàn thành việc chuyển dân lên trên cos 120m, toàn bộ đất bưa bãi bằng và diện tích cấy lúa nước ở các xã ven hồ bị ngập hết. Tổ chức dân cư, đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân ven hồ bị thay đổi; đất đai sản xuất nông nghiệp còn lại rất ít, chủ yếu nằm trên địa hình cao và dốc. Địa hình bị chia cắt; giao thông đi lại khó khăn; sự giao lưu về kinh tế, văn hóa cũng hạn chế nhiều. Về sản xuất, hầu hết số hộ dân chuyển vén tại chỗ, ở lại vùng ven hồ chỉ còn nền sản xuất nhỏ bé, phân tán, chưa có định hướng phát triển kinh tế rõ ràng. Cây trồng nông nghiệp chỉ còn lại cây ngô, sắn và một phần lúa cạn, diện tích, năng suất, sản lượng thấp. Ngành nghề sản xuất chưa có, ngoại trừ hình thành việc đánh bắt thủy sản ở các xã ven hồ. Mục tiêu sản xuất chủ yếu chỉ để giải quyết một phần lương thực tại chỗ, không có sản phẩm hàng hóa. Sản xuất hàng năm thu nhập thấp; tỷ lệ hộ nghèo các xã ven hồ chiếm từ 40 - 60%.

Về giao thông, tính đến thời điểm năm 1995, nghĩa là sau gần 10 năm hoàn thành công tác chuyển dân vẫn còn 8/16 xã chưa có đường ôtô đến trung tâm. Hệ thống đường dân sinh liên thôn chưa hình thành, chủ yếu là đường mòn. Cũng ở thời điểm ấy, khi công trình nhà máy TĐHB được xây dựng hoàn thành (tháng 12/1994) và tổ chức phát điện từ nhiều năm trước nhưng mới chỉ có xã Hào Lý và một số điểm dân cư chuyển dân vùng lòng hồ sông Đà là có điện lưới. Hệ thống công trình cấp nước phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt nông thôn hầu như chưa có gì. Điều này nói như ông Xa Văn Mão thì: Tiếng là chúng tôi chạy nước nhưng thực tế lại bị khát nước. Cho đến bây giờ, nghĩa là sau hơn 30 năm chuyển cư, nhiều xã, nhiều khu dân cư vẫn chưa được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh. Nguồn nước sinh hoạt của hầu hết các hộ dân ở các xã ven hồ đều được lấy trực tiếp từ các khe, mó nước chảy từ trên núi.

Tuy vậy, khi trò chuyện với chúng tôi, ông Xa Văn Mão hay nhiều người dân chuyển cư vùng lòng hồ sông Đà vẫn luôn tự hào về những đóng góp của mình cho dòng điện của Tổ quốc và sự phát triển của đất nước thời kỳ CNH - HĐH. Đó là sự hy sinh cao cả. Dù rằng, trước mắt họ vẫn là cuộc sống còn nhiều gian khó...

 (Còn nữa)

Bài 2: Hơn 30 năm, vẫn còn nhiều gian khó

 


Các tin khác


Dưới "mái nhà chung" của người làm báo

LTS: Có niềm vui, sự hứng khởi, có lòng say mê, nhiệt huyết và cả sự can trường, sẵn sàng dấn thân của người làm báo… để xây dựng nên những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở của cuộc sống đến với độc giả, khán thính giả. Đó là những điều đang có, đang tồn tại dưới "mái nhà chung” của người làm báo Hòa Bình - Hội Nhà báo (HNB) tỉnh Hòa Bình. Kết quả này được kiến tạo bởi tâm huyết của những người làm công tác Hội và sự góp sức tích cực của các hội viên nhà báo vì mục tiêu xây dựng HNB tỉnh Hòa Bình ngày càng vững mạnh. Nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập HNB Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2024), Người làm báo Hòa Bình (NLBHB) có cuộc phỏng vấn nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BCH HNB Việt Nam, Chủ tịch HNB tỉnh Hòa Bình, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ huyện Tân Lạc

Việc triển khai thực hiện Quy định số 31-QĐi/TU của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ (SHCB) tại Đảng bộ huyện Tân Lạc đã góp phần đạt được những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chất lượng SHCB đi vào nền nếp, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được nâng cao, phương thức lãnh đạo của đảng ủy cơ sở từng bước được đổi mới.

Kỳ họp thứ 7 dự kiến tổ chức thành hai đợt với nhiều nội dung quan trọng

Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Dự kiến kỳ họp thứ 7 sẽ diễn ra trong hai đợt vào tháng 5, tháng 6/2024.

Công bố quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

Chiều 17/4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. 

Huyện Cao Phong: Thống nhất thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của các chỉ thị, nghị quyết

Sáng 17/4, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện Cao Phong khóa XXVIII tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của BCH Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam (NQ 33); tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới (CT 38); sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 13/4/2021 của BCH Đảng bộ huyện về cải thiện môi trường thu hút đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn huyện Cao Phong, giai đoạn 2021 - 2025 (NQ 02).

Hà Tĩnh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nguyện chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, xứng đáng là quê hương của các đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục