Bài 1: Chặng đầu khó xuôi
(HBĐT) - Với chủ trương tinh giản đội ngũ cán bộ (cấp xã, xóm, tổ dân phố), tháng 12/2016, HĐND tỉnh Hòa Bình khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 34/2016/NQ-HĐND (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 34) "Quy định số lượng, chức danh một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và cấp thôn, xóm, tổ dân phố; quy định mức khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và khoán kinh phí hoạt động của các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh”. Chủ trương đúng, tuy nhiên quá trình triển khai, thực hiện đã gặp phải không ít khó khăn.


Ngay khi Nghị quyết số 34/2016/NQ - HĐND có hiệu lực thi hành, ngày 3/1/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 01 về việc quy định chức danh, số lượng và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách, khoán kinh phí hoạt động của một số tổ chức ở cấp xã và xóm, tổ dân phố. Theo đó, ngày 20/1/ 2017, liên Sở Nội vụ, Tài chính và BHXH đã có Hướng dẫn số 163/ LS:NV-TC&BHXH triển khai tới cơ sở. Các địa phương nhập cuộc và cũng có phản hồi khá sớm.

 Những phản ứng ngược từ cơ sở…

Trong chuyến công tác về xã Hiền Lương và Vầy Nưa (Đà Bắc) vào tháng 3/2017, chúng tôi đã nghe 2 Bí thư Đảng ủy của 2 xã phản ánh: "Chúng tôi đang gặp khó trong triển khai, thực hiện việc bố trí các chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận KDC; trưởng xóm kiêm thôn đội trưởng. Bởi hiện tại ở các thôn, xóm rất ít người đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Phản ánh này cũng được "nêu” từ nhiều xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh và đã được HĐND tỉnh tổng hợp cụ thể tại Báo cáo số 101, ngày 20/6/2017 để trình tại kỳ họp thứ 4 - HĐND tỉnh khóa XVI được tổ chức vào trung tuần tháng 7 vừa qua.

Tại báo cáo này, hầu hết ý kiến của cử tri cho rằng: Quy định bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận; công an viên kiêm phó thôn; trưởng thôn kiêm thôn đội trưởng và khuyến khích bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn chưa phù hợp với thực tế. Bởi, nhiệm vụ công tác cho mỗi chức danh ở cấp thôn, xóm quá nhiều. Bên cạnh đó, họ phải thường xuyên tiếp xúc, làm việc với dân, nếu kiêm thêm chức năng, nhiệm vụ sẽ khó đảm đương được. Theo đó, đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết số 34 theo hướng: mỗi chức danh ở thôn, xóm, tổ dân phố nên để một người đảm nhiệm. Như vậy vừa đảm bảo cho mỗi cá nhân thực hiện được tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, vừa đảm bảo tính khách quan, dân chủ và tinh thần tự quản trong các tổ chức ở mỗi khu dân cư.


Ông Bùi Thanh Chừng, Bí thư Chi bộ xóm Cọi, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) cùng với Trưởng Công an xã và công an viên họp bàn, trao đổi công tác giữ gìn ANTT trên địa bàn.

Đó là ý kiến từ cấp thôn, xóm, tổ dân phố, nơi trực tiếp triển khai, thực hiện. Còn ở cấp xã, phường, thị trấn lại băn khoăn về nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn: theo quy định tại Nghị quyết 34 "Từ năm 2017, các chức danh cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đảm nhiệm chức danh chuyên môn, kỹ thuật đối với những vùng đặc biệt khó khăn có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên; các đơn vị còn lại yêu cầu trình độ chuyên môn từ đại học trở lên (trừ các chức danh công an, quân sự, bảo vệ dân phố…” . ở nội dung này, đại diện UBND các xã, phường, thị trấn cho rằng khó có thể thực hiện bởi không có nguồn. Thực tế hiện tại rất khó thu hút được học sinh, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học về đảm nhiệm một chức danh cán bộ hoạt động không chuyên trách ở xã (vì thu nhập thấp và khó có cơ hội để phát triển).

Qua quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 34, Bộ CHQS tỉnh cũng chỉ rõ một số điểm còn vướng mắc, bất cập. Theo đại tá Vũ Thành Nam, Phó chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh: Chỉ huy phó của Ban Chỉ huy quân sự xã, phường là người chỉ huy các đơn vị dân quân thuộc quyền phải thường xuyên nắm tình hình, tham mưu, xử lý các tình huống về QP-AN và nhiệm vụ phòng - chống, giảm nhẹ thiên tai tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở cấp xã nên việc bố trí chức danh này sang hoạt động không chuyên trách là không phù hợp, hiệu quả công tác sẽ bị hạn chế. Một mặt, khi xem xét để bổ nhiệm chỉ huy phó, Ban CHQS xã, thị trấn, một số địa phương thực hiện không đúng theo Thông tư liên tịch số 01/2013, ngày 10/4/2013 của Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng "Hướng dẫn việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó - Ban CHQS xã, phường, trị trấn” dẫn đến gây lãng phí ngân sách.

Việc chỉ định trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố kiêm thôn đội trưởng là không đúng theo quy trình, thẩm quyền quyết định bổ nhiệm thôn đội trưởng (theo khoản 5, Điều 29, Luật Dân quân tự vệ). Độ tuổi của trưởng xóm, Tổ đội trưởng tổ dân phố theo quy định tại Nghị quyết 34 là trái với quy định tại Điều 9, Luật Dân quân tự vệ. Thực tế, độ tuổi của trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố kiêm thôn đội trưởng theo Nghị quyết số 34 thì đại đa số không đủ điều kiện sức khỏe để tham gia hoạt động quốc phòng, quân sự ở địa phương với các nhiệm vụ như: Huấn luyện, chỉ huy dân quân, phối hợp hoạt động trong giữ gìn ANCT - TTATXH, đặc biệt là trong nhiệm vụ phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và phòng - chống cháy rừng. Một mặt, trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố là cán bộ cấp thôn do dân bầu, có nhiệm kỳ 2 năm, do đó, trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố kiêm thôn đội trưởng không mang tính ổn định, lâu dài, dự liệu sẽ khó khăn trong công tác huấn luyện, hoạt động của dân quân cũng như công tác quốc phòng, quân sự ở cấp thôn.

…Và kết quả đang ở mức nửa vời

Đến hết tháng 8/2017, cơ bản các xã, thị trấn đã thực hiện việc bố trí, sắp xếp những người hoạt động không chuyên trách tại xóm, tổ dân phố. Toàn tỉnh đã sắp xếp được 1.966 bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận ở khu dân cư (còn 94 trưởng ban công tác mặt trận chưa sắp xếp được vẫn đang chi trả phụ cấp hàng tháng với mức 0,3 hệ số lương cơ sở). Riêng thành phố Hòa Bình mới sắp xếp được 222 bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận ở KDC (còn 30 KDC trưởng ban công tác mặt trận không là Bí thư Chi bộ).

Về tổ trưởng, trưởng xóm kiêm thôn đội trưởng, hiện mới bố trí kiêm nhiệm được 1.468/2.054 KDC, tương ứng với 71,47%, như vậy còn 28,53% xóm, tổ dân phố không bố trí được trưởng xóm kiêm thôn đội trưởng. Riêng TP Hòa Bình hiện mới bố trí được 21/252 trưởng xóm (tổ trưởng tổ dân phố) kiêm thôn đội trưởng. Như vậy, tính đến thời điểm này việc hợp nhất các chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận; trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố kiêm Thôn đội trưởng đã hoàn thành. Xét về tỷ lệ đã đạt ở mức cao, tuy nhiên, thành công này chưa thể nói là trọn vẹn, nếu không muốn nói đang ở mức… nửa vời!

Tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV được tổ chức tại thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu vào ngày 28/9 vừa qua có 3 cử tri đại diện cho 3/4 xã, thị trấn kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện Nghị quyết số 34. Là người phát biểu đầu tiên về nội dung này, ông Đinh Quang Minh, bí thư chi bộ, kiêm trưởng ban công tác mặt trận tiểu khu 4- thị trấn Mai Châu cho biết: Tôi là cán bộ nghỉ hưu và được các đảng viên trong khu dân cư tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ từ nhiều năm nay. Đến đầu năm 2017 theo sắp xếp của tổ chức, tôi đảm nhận chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận. Phụ cấp được nâng lên (thêm 0,3 hệ số lương cơ sở) nhưng công việc mới (kiêm trưởng ban công tác mặt trận) thực sự quá nặng nề. Không chỉ riêng tôi mà cả 4 bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận của 4 tiểu khu ở thị trấn Mai Châu đều là cán bộ nghỉ hưu và họ đều có chung nhận định này. Hơn thế, khi bắt tay vào công việc, chúng tôi thấy như đang "vừa đá bóng, vừa thổi còi” vì vừa là người chỉ đạo, vừa là người hướng dẫn, vừa trực tiếp triển khai, thực hiện. Đơn cử như việc đi thu "quỹ ủng hộ thiên tai”, "quỹ khuyến học”, "quỹ vì người nghèo”… nhiều người biết nhưng vẫn nói "Bí thư chi bộ mà đi thu tiền của dân”? Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ trong điều kiện hết sức lúng túng, bị động. Sắp tới lại có nhiều sự kiện lớn đòi hỏi vai trò của cán bộ mặt trận là: Hưởng ứng "Tháng cao điểm vì người nghèo”- tháng 10 và tổ chức "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” vào tháng 11, chúng tôi thực sự chưa biết xoay xở ra sao…

(Còn nữa)

Bài 2: Cần có giải pháp điều chỉnh kịp thời


Thúy Hằng

Các tin khác


Giao ban trực tuyến toàn quốc về công tác phi chính phủ nước ngoài

Chiều 12/4, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về công tác PCPNN năm 2024. Đồng chí Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung tâm. Dự tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Tỉnh Hòa Bình quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 (*)

Tại Lễ phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước vào sáng 13/4/2024 tại huyện Đà Bắc, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đại diện cho lãnh đạo địa phương phát biểu hưởng ứng phong trào. Báo Hòa Bình xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Lời kêu gọi hưởng ứng phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Tại Lễ phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước vào sáng 13/4/2024, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đọc Lời kêu gọi hưởng ứng phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong cả nước. Báo Hòa Bình xin giới thiệu toàn văn Lời kêu gọi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước trong năm 2025 (*)

Tại Lễ phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước vào sáng 13/4/2024 tại huyện Đà Bắc, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước từ nay đến năm 2025. Báo Hòa Bình xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát động phong trào thi đua.

Phấn đấu xóa hết nhà tạm, dột nát trong tỉnh

Nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tỉnh Hòa Bình đề ra mục tiêu phấn đấu, quyết tâm xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công có nhu cầu cải thiện nhà ở. Qua đó, tỉnh đã rà soát, lên phương án, huy động nguồn lực sửa nhà, làm nhà kiên cố, giúp các hộ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục