Một vài "nút thắt” cần được tháo gỡ
Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở thực hiện Kết luận số 64, ngày 28/5/2013 của BCH T.ư Đảng khóa XI "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ T.ư đến cơ sở” và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, bởi vậy, về chủ trương, đường lối, căn cứ pháp lý hết sức thuận chiều. Đồng thời, có sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của cấp ủy, chính quyền, MTTQ từ tỉnh, huyện, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các phường, xã…
Nghị quyết số 34 đã được triển khai hết sức nghiêm túc. Theo kết quả khảo sát của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh: Đến nay, cơ bản các xã, phường, thị trấn đã thực hiện bố trí, sắp xếp những người hoạt động không chuyên trách tại xóm, tổ dân phố theo đúng quy định, phù hợp với chuyên môn đào tạo và năng lực công tác. Đặc biệt đã đảm bảo mục tiêu của Nghị quyết số 34 là không tăng số lượng và một số chức danh kiêm nhiệm; tổng quỹ phụ cấp không tăng, thậm chí thấp hơn quy định khoán quỹ phụ cấp tại Nghị định số 29/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Qua khảo sát, Ban Pháp chế - HĐND tỉnh cũng chỉ rõ những điểm được coi là "nút thắt” khiến cơ sở gặp khó trong triển khai, thực hiện. Theo đó, kiến nghị HĐND tỉnh có văn bản sửa đổi Nghị quyết số 34 để tháo gỡ những "nút thắt” đó là: Quy định rõ về chức danh trưởng ban công tác mặt trận nếu không bố trí bí thư chi bộ kiêm nhiệm thì hưởng phụ cấp là bao nhiêu? Vì hiện tại toàn tỉnh còn 94 trưởng ban công tác mặt trận ở khu dân cư không phải là bí thư chi bộ. Sửa đổi tuổi giữ chức danh thôn đội trưởng theo Điều 9, Luật Dân quân tự vệ. Đồng thời, sửa đổi quy định về công an viên, hoặc tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố kiêm phó trưởng xóm, tổ phó tổ dân phố. Giữ nguyên chức danh tổ trưởng bảo vệ dân phố (vì nếu kiêm tổ phó tổ dân phố thì một số đơn vị trước đây chưa có tổ phó tổ dân phố lại phải bầu thêm chức danh này) hoặc cần quy định rõ: có bao nhiêu tổ dân phố thì được bầu thêm 1 tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố? Sửa đổi Khoản 3, Điều 1 về khoán kinh phí hoạt động cho 5 tổ chức ở chính trị - xã hội ở xóm, tổ dân phố: ủy ban MTTQ, chi Đoàn thanh niên, Chi hội phụ nữ, chi hội cựu chiến binh và không khoán kinh phí cho chi hội người cao tuổi. Sửa đổi Khoản 4, Điều 1 về tiêu chuẩn đối với các chức danh hoạt động không chuyên trách cấp xã. Bởi nguồn cán bộ không chuyên trách hiện tại không có đối tượng đạt tiêu chuẩn trình độ đại học (theo chuyên ngành), vì vậy, các xã, thị trấn vẫn phải sử dụng những người có trình độ cao đẳng, trung cấp. Rõ ràng hơn là với mức phụ cấp (1,0 hệ số lương), không khuyến khích được những người có trình độ đại học về xã đảm nhiệm những chức danh này, vì vậy, nếu quy định chặt: Từ năm 2017, các chức danh cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đảm nhiệm chức danh chuyên môn, kỹ thuật đối với các xã, thị trấn (không phải vùng đặc biệt khó khăn) phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên là không khả thi.
Cán bộ MTTQ xã Kim Bôi (Kim Bôi) tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở
Đây là giải pháp vừa để xử lý tình thế nhưng cũng mang tính chiến lược lâu dài - theo đồng chí Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch ủy ban MTTQ tỉnh. Bởi, dẫu còn nhiều phản ứng trái chiều nhưng cho đến nay, việc hợp nhất chức danh bí thư chi bộ với trưởng ban công tác mặt trận; trưởng thôn kiêm thôn đội trưởng đã hoàn thành. Theo đó đã có 1.966 bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận và 1.468/2.054 trưởng thôn kiêm thôn đội trưởng. Đã nhận nhiệm vụ thì họ phải làm nhưng để làm việc có chất lượng, hiệu quả thì cần phải có kiến thức, kỹ năng, muốn như vậy cần quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn, thậm chí là cầm tay chỉ việc. Bởi công tác Đảng luôn đề cao tính nguyên tắc, tính chấp hành, trong khi công tác mặt trận cần sự linh hoạt, mềm dẻo, phương thức hoạt động chính là hiệp thương, tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Như vậy, cán bộ nào đảm nhận chức danh bí thư chi bộ, kiêm trưởng ban công tác mặt trận mà không nắm rõ được những yêu cầu trên, không biết tách bạch, kết hợp và bổ trợ giữa 2 phần việc thì khó có thể thực hiện tốt nhiệm vụ.
Hay như chức danh trưởng xóm (tổ trưởng tổ dân phố) nay kiêm thêm chức danh thôn đội trưởng thì trước hết phải rành Luật Tổ chức chính quyền, Luật Dân quân tự vệ, Luật Đất đai, Luật khiếu nại, Luật Tố cáo... mới có thể đảm đương tốt nhiệm vụ. Như vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp thôn, xóm, khu dân cư mới được kiện toàn là điều cấp thiết để các phong trào, hoạt động ở cơ sở không bị "chững” lại sau cuộc cách mạng nhằm tinh gọn đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
Nghiêm túc rút kinh nghiệm để thành công
Qua đề xuất, kiến nghị của cử tri, nhân dân và cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố để xử lý những khó khăn, bất cập trong triển khai, thực hiện Nghị quyết số 34, Ban Pháp chế - HĐND tỉnh đã mạnh dạn chỉ rõ: Khi xây dựng Nghị quyết số 34, chúng ta quá chú trọng tới việc hạn chế số lượng, chức danh, mức phụ cấp mà không mấy chú ý tới công việc ở xóm, tổ dân phố (là hoạt động chuyên trách cần nhiều người cùng thực hiện trên cơ sở quy định số lượng, chức danh và định mức khoán cụ thể), vì vậy khi Hướng dẫn số 163/LS: NV-TC&BHXH của Liên sở Nội vụ, Tài chính, Bảo hiểm xã hội được triển khai tới cơ sở đã nhận được phản ứng tức thời.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ giải đáp, hướng dẫn cụ thể. Theo đó từ ngày 10/4/2017 -29/6/2017, Sở Nội vụ đã có 5 văn bản giải đáp, trả lời gửi tới cơ sở. Từ đây việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 34 đã thuận chiều hơn.
Theo đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh: Từ tháng 9/2017, UBND tỉnh không nhận được kiến nghị, đề xuất nào từ các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, thành phố về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 34 của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, theo nhận định của UBND tỉnh (tại Báo cáo số 183, ngày 31/8/2017 của UBND tỉnh về kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết số 34 của HĐND tỉnh) thì khó khăn vẫn còn.
Theo đồng chí Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch ủy ban MTTQ tỉnh, nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết số 34 của HĐND tỉnh đó là: Khi xây dựng Nghị quyết không khảo sát kỹ ở cấp cơ sở để nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. MTTQ tỉnh cũng không được tham gia phản biện (theo Quyết định số 217, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc Ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội). Hơn nữa, khi đưa ra những quy định cụ thể và các văn bản hướng dẫn triển khai, thực hiện không nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật và Điều lệ (đối với tổ chức Đảng, đoàn thể)… nên khi triển khai, thực hiện đã gặp khó. Rút kinh nghiệm, đồng thời xem xét, điều chỉnh một số nộị dung của Nghị quyết số 34 cho phù hợp là việc cần làm ngay để triển khai, thực hiện có hiệu quả việc tinh gọn đội ngũ cán bộ cấp cơ sở theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Thúy Hằng