Giao thông trên tuyến tỉnh lộ 433 đã bị mưa lũ tàn phá nghiêm trọng. Lũ cắt đường tại km 55+500 địa phận xã Tân Pheo (Đà Bắc).
Việc cứu trợ đến các xã bị cô lập của huyện Đà Bắc hiện vẫn chỉ có thể tiếp cận bằng đường thủy.
Người dân tổ 5, phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) lo lắng với tình trạng đường sá trong khu vực bị nứt, sụt lún.
Người dân xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) đau đớn nhìn hàng nghìn con gia súc chết vì mưa lũ.
Chưa bao giờ lũ quét và sạt lở lại lấy đi nhiều sinh mạng, tàn phá nặng nề và đe dọa cuộc sống của người dân vùng thiệt hại như trận thiên tai vừa ập xuống những ngày rồi. Hàng trăm hộ gia đình mất nhà cửa, phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất, bất lực nhìn nhà và tài sản bị lũ cuốn phăng. Hàng nghìn hộ phải chạy khỏi vùng sạt lở, lũ quét, lũ ống và ngập lụt để lánh nạn. Đến giờ vẫn còn rất nhiều gia đình đang cần lương thực, rau, muối để sống qua ngày. Nhiều khu dân cư còn bị cô lập bởi nước lũ dâng và không có đường ra. Nhiều hồ, đập gặp sự cố nước tràn, nguy cơ bị vỡ. 100% diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ảnh hưởng, nhiều diện tích trong số đó bị thiệt hại nặng và mất trắng. Đối với giao thông, mức độ thiệt hại cũng hết sức nặng nề.
Đà Bắc là địa phương chịu những mất mát và khó khăn vô cùng lớn với 6 người chết, 5 người mất tích. 50 nhà dân sập hoàn toàn và bị lũ cuốn trôi, 325 hộ bị sạt lở đất vào nhà, 211 hộ phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm. Đây cũng là địa bàn thiệt hại nặng nhất về giao thông, tỉnh lộ 433 bị phá hủy nghiêm trọng gây ách tắc trong nhiều ngày. Theo đồng chí Lê Ngọc Quản, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, có tới trên 130 điểm sạt lở đất, đá làm tắc đường. Đặc biệt có những điểm khối lượng đất, đá sạt lở rất lớn rồi nhiều khối đá lớn nằm trên nền đường phải dùng thuốc nổ công phá mới có thể dùng máy thi công. Chưa kể có nhiều vị trí bị đứt đường, bị sạt lở, cuốn trôi toàn bộ nền mặt đường. 23/23 ngầm trên tuyến bị ngập khi mưa lớn, có ngầm ngập sâu đến 5 m khiến các phương tiện không thể lưu thông. Vấn đề khắc phục giao thông sẽ còn phải mất một thời gian dài. Hiện tại, các xe đi tuyến đường bộ tạm thời mới thông được đến km78 địa phận xã Suối Nánh.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã cứu hộ và di dời đến nơi an toàn gần 1.100 hộ dân, trong đó có 125 hộ dân hạ lưu hồ Cháu Mè, Đồng Ruộng, Tu Lý của huyện Đà Bắc, 58 hộ dân vùng hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình, 199 hộ dân phường Chăm Mát, Thái Bình của thành phố Hòa Bình, 20 hộ dân tại thị trấn Lương Sơn và xã Nhuận Trạch (Lương Sơn), gần 500 hộ dân tại các khu dân cư của huyện Yên Thủy, 25 hộ xã Hạ Bì (Kim Bôi) và các khu vực di dân nhỏ lẻ khác tại các vùng trũng, nguy cơ sở lở đất, cứu hộ 700 công nhân thôn Năm Lu, xã Hòa Sơn (Lương Sơn) đoạn Khu Công nghiệp Lương Sơn đến nơi an toàn do ngập lụt. Hầu hết các khu vực ngập lụt là vùng đất canh tác, một số khu vực dân cư ngập cục bộ tại các khu vực vùng trũng của huyện Yên Thủy, Lạc Thủy gây tình trạng cô lập. Hiện vẫn còn 4 xã của huyện Đà Bắc bị cô lập hoàn toàn về đường bộ, chỉ có thể tiếp cận được bằng đường thủy gồm Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng, Đồng Ruộng.
Liên tiếp những ngày trong và sau thiên tai mưa lũ xảy ra, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt. Các bộ, ngành Trung ương, tổ chức nhân đạo, từ thiện, những người con của quê hương Hòa Bình ở khắp mọi miền Tổ quốc chung tay, góp sức sẻ chia. MTTQ tỉnh đã kêu gọi những tấm lòng hướng về người dân vùng lũ. Đặc biệt mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục hỗ trợ tỉnh ta khắc phục hậu quả mưa lũ và sạt lở đất. Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định việc khắc phục hậu quả sẽ còn rất nhiều khó khăn trong thời gian tới. Vấn đề ổn định đời sống người dân vùng thiên tai là cấp bách trong lúc này. Các địa phương cần nỗ lực cho đến hy vọng sau cùng để tìm kiếm người mất tích còn bị vùi lấp ở các khu vực sông, suối. Thực hiện ngay việc cấp phát dây, bạt để người dân căng, dựng làm chỗ ở tạm, tiến hành ngay công tác di dân, tái định cư đối với các hộ mất nhà cửa và vùng sạt lở nguy hiểm để ổn định dân cư. Với người dân vùng thiên tai, ngoài nguồn hàng cứu trợ và tiền quyên góp, ủng hộ, địa phương sẽ thực hiện trợ giúp, trợ cấp với các gia đình nạn nhân mất tích và bị thương. Quan điểm của tỉnh sẽ cố gắng hết sức để khắc phục hậu quả, mau chóng ổn định đời sống nhân dân. Tùy điều kiện, các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân trong cả nước ủng hộ bao nhiêu, tỉnh sẽ tăng cường cho người dân vùng thiệt hại bấy nhiêu. Vấn đề thông tin liên lạc, đảm bảo việc học cho con em vùng lũ đến trường cũng phải giải quyết ngay. Riêng giao thông với mức độ tàn phá khủng khiếp sẽ cần nhiều thời gian và nguồn lực để khắc phục. Trước mắt, ngành giao thông vận tải tập trung nhân lực, vật lực để đảm bảo lưu thông, xử lý thông hết tuyến trong thời gian sớm nhất. Những điểm nguy cơ sạt lở cao phải có cảnh báo và lực lượng ứng trực 24/24 giờ để xử lý sự cố. Giao thông có thông và an toàn mới đảm bảo phục vụ hoạt động thông tin liên lạc, cứu trợ đến đồng bào vùng thiên tai.
Bùi Minh