Lý giải về nguyên nhân, Bí thư Chi bộ thẳng thắn nhận định: Cốt lõi nhất vẫn là do thanh niên sau khi tốt nghiệp THPT bỏ đi làm ăn xa. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ làm công tác đoàn thể như mặt trận, phụ nữ... cơ bản đã lớn tuổi hoặc thiếu ý thức phấn đấu vào Đảng. Cụ thể, có 1 quần chúng sinh năm 1976 được chi bộ bồi dưỡng từ năm 2000 song đến nay vẫn chưa thể làm thủ tục kết nạp do thiếu tinh thần trách nhiệm, không tích cực tham gia các hoạt động chung của khu dân cư.
ở xã Phong Phú những năm gần đây, nguồn phát triển đảng viên chủ yếu dựa vào thanh niên. Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Văn Bình, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã, hiện nay, tại xã có hiện tượng bộ máy BCH chi đoàn thì có, song đảng viên thì không. Cụ thể như ở chi đoàn xóm Vặn, Trọng. Nguyên nhân vẫn là thanh niên sau khi tốt nghiệp THPT rời xã đi làm ăn xa nên nguồn đối tượng Đảng cũng vì thế mà trở nên khan hiếm. Thực tế này ở xã Phong Phú lý giải cho việc, năm 2016, Đảng bộ xã có 9 chi bộ KDC, song số lượng đảng viên mới kết nạp chỉ có 3 đồng chí. Công tác tạo nguồn, phát triển Đảng trở thành nỗi băn khoăn của toàn Đảng bộ.
Bí thư chi bộ xóm Đóng Bùi Văn Mẩu (bên trái) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh cho thanh niên.
Trước thực trạng đó, xã Phong Phú đã có nhiều giải pháp tạo nguồn phát triển Đảng, song kiên trì với phương châm: khó vẫn không "dễ dãi”. Những chi bộ ít đảng viên như xóm Vặn, Trọng, Đóng là những chi bộ đi đầu trong công tác tạo nguồn đảng viên.
Đồng chí Bùi Văn Mẩu, bí thư chi bộ xóm Đóng cho biết: Toàn xóm có 101 hộ với tổng diện tích đất sản xuất 12 ha. Đất rộng, có thể canh tác, sản xuất, vậy tại sao thanh niên vẫn bỏ đi làm ăn xa? Đó là suy nghĩ khiến ban chi ủy chi bộ xóm trăn trở nhiều năm. Sau nhiều lần bàn bạc, lắng nghe ý kiến của nhân dân, nguyện vọng của thanh niên trên địa bàn… tại cuộc họp chi bộ năm 2014, chúng tôi đã đề ra nghị quyết "Phát triển cây ăn quả có múi” với mong muốn giữ chân được thanh niên ở lại xã, vươn lên làm giàu.
Từ 4.000 m2 ban đầu, đến nay, xã đã mở rộng diện tích lên 7 ha trồng cây ăn quả có múi, chủ yếu là bưởi da xanh, bưởi đỏ Tân Lạc. Bản thân bí thư chi bộ Bùi Văn Mẩu là người tiên phong đi đầu. Vừa trồng, vừa tuyên truyền, vận động các hộ dân trong xóm. Nhận thấy hiệu quả, các hộ dân trên địa bàn đã làm theo, từ đó, tỷ lệ thanh niên rời địa bàn đi làm ăn xa đã giảm.
Tương tự, ở xóm Trọng, bằng việc phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, dạy nghề, thanh niên đã không còn bỏ đi làm ăn xa. Đã có nhiều thanh niên vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, tiêu biểu như Bùi Thị Nghị phát triển chăn nuôi lợn, trồng keo; Bùi Đăng Hải trồng 500 gốc bưởi da xanh bắt đầu bói quả…
Với những cách làm đó, 9 tháng năm 2017, toàn Đảng bộ đã giới thiệu được 10 quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Trong đó, xóm Trọng có 3 người, xóm Lý cho 4 người. Đồng chí Phó Bí thư TT Đảng ủy xã khẳng định: Việc bổ sung đội ngũ đảng viên trẻ góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm ra nhiều giải pháp hiệu quả nhằm giữ chân thanh niên góp phần giải quyết hiệu quả bài toán phát triển KT-XH; đồng thời tin tưởng giao nhiệm vụ cho thế hệ trẻ để tạo nguồn cán bộ, giúp thanh niên yên tâm gắn bó, cống hiến cho địa phương.
Hải Yến