PV: Đến thời điểm này, Tổ chuyên gia của tỉnh đã có những đánh giá ban đầu như thế thế nào về hiện trạng, tình hình sạt lở tại khu vực phía đông đồi ông Tượng, đặc biệt khu vực phường Chăm Mát, phường Thái Bình, thưa Đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở đất đá khu vực đồi ông Tượng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập ngay Tổ chuyên gia quan sát, xử lý sạt lở khu vực này. Các thành viên của tổ chuyên gia đã vào cuộc ngay lập tức, túc trực 24/24 giờ nhằm theo dõi diễn biến của việc sạt trượt trên toàn khu vực.
Trong thời gian sớm tới đây, kết quả quan sát sẽ được tổ chuyên gia công bố chính thức. Tuy nhiên cũng phải nói thêm, trước đó, để có kết quả và hướng xử lý chất lượng, UBND tỉnh đã lựa chọn nhà tư vấn có đủ năng lực để triển khai các bước khảo sát, tính toán chính xác nhất; đồng thời, có thể dự báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra và sẵn sàng những giải pháp ứng cứu kịp thời.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong lần khảo sát tình hình sạt lở tại tổ 4, phường Thái Bình (TP Hoà Bình).
Đến thời điểm này theo báo cáo của đơn vị tư vấn cũng như của đội ngũ chuyên gia, tình hình sạt lở khu vực tổ 4, phường Thái Bình, tổ 4 và 5 phường Chăm Mát khá nguy hiểm. Hiện các khu vực này đã được sơ tán dân đến nơi an toàn. Thành viên tổ giám sát cũng như các chuyên gia vẫn đang tiếp tục theo dõi các vết nứt trên.
Riêng đối với các vết nứt nhỏ phía sau UBND tỉnh, trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có những giải pháp không để nước mưa tiếp tục thấm xuống các vết nứt gây sạt lở thêm. Đến thời điểm này, sau khi ngớt mưa, tốc độ phát triển các vết nứt đã gần như tạm dừng.
UBND tỉnh cũng có phương án giảm tải nếu như tình hình diễn biến xấu hơn nhằm đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa phải thực hiện việc giảm tải đó. Thời gian tới, Tổ chuyên gia cũng như các nhà tư vấn sẽ tiếp tục theo dõi và sẽ có hướng xử lý hợp lý nhất.
PV. Hiện nay nhân dân trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh đồi ông Tượng rất lo lắng trước tình trạng có dấu hiệu sụt lở đất. Để người dân có thể yên tâm hơn, Đồng chí có thể cho biết về quan điểm của tỉnh đối vối mức độ an toàn của đồi ông Tượng cũng như các chính sách liên quan vấn đề này?
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Thực tế khu vực đồi Ông Tượng ở những khu vực đang xảy ra rạn nứt hiện đang trong tình trạng rất nguy hiểm. Còn nguy hiểm đến mức độ nào tới đây sẽ có kết quả cụ thể của các cơ quan nghiên cứu.
Ngay tới đây, UBND tỉnh sẽ làm việc với các thành viên tổ chuyên gia để nghe các đơn vị báo cáo, trên cơ sở kết luận của các nhà khoa học, tổ chuyên gia, UBND tỉnh sẽ đưa ra các quyết định khu vực nào dân có thể về sinh sống, khu vực nào vẫn trong mức độ nguy hiểm cao và có thông báo cụ thể để nhân dân nắm được.
Tình hình sạt lở tại tổ 4, phường Thái Bình (TP Hoà Bình) hiện rất nghiêm trọng.
Riêng đối với khu vực sạt lở phường Thái Bình và phường Chăm Mát hiện đang sạt lở và đã được di dân đến nơi an toàn, UBND tỉnh sẽ dựa trên cơ sở tổ tư vấn cùng các chuyên gia sau đó sẽ ra các quyết định. Nếu khu vực buộc phải tái định cư thì tỉnh sẽ triển khai sớm mặt bằng để di dân, nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân. Trước mắt, quan điểm của tỉnh đối với vấn đề này trong giai đoạn hiện nay đề nghị người dân cần hết sức cảnh giác. Không quay về những khu vực mà UBND tỉnh cũng như Thành phố chưa cho phép. Nhân dân cần tiếp tục khắc phục khó khăn ở tạm nơi an toàn đợt đến khi có quyết định chính thức từ UBND tỉnh.
PV: Để ổn định lâu dài, theo Đồng chí những chính sách nào có thể thực hiện để hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho nhân dân; hạn chế tối đa sạt lở đồi ông Tượng những mùa mưa lũ sau này?
Đồng chí: Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Về những giải pháp mang tính lâu dài, nếu buộc các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao hiện nay phải tái định cư thì trong chính sách của nhà nước đã có những quy định rất cụ thể.
Nếu như trong trường hợp phải di dời khẩn cấp, một mặt nhà nước sẽ xây dựng khu tái định cư tập trung để di chuyển dân. Toàn bộ kinh phí xây dựng nhà nước sẽ lo và sẽ có hỗ trợ cấp đất ở cho người dân. Bên cạnh đó cũng sẽ hộ trợ thêm kinh phí di chuyển, xây dựng công trình phụ trợ....nhằm phục vụ tốt nhất cho cuộc sống của người dân sau di dời. Trong trường hợp di dân xen ghép, chính sách của nhà nước cũng sẽ có những hỗ trợ theo quy định.
Đến thời điểm hiện nay, liên quan đến các giải pháp và hướng xử lý sạt lở phía đông đồi Ông Tượng, UBND tỉnh đã giao cho các đơn vị chức năng lên các phương án nhằm trình xin kinh phí hỗ trợ từ phía Chính phủ. Trong đó, sẽ có hướng xử lý cụ thể nhất nhằm đảm bảo cho toàn khu vực. Đồng thời, một mặt gấp rút triển khai các khu tái định cư để nhân dân có đất xây dựng nhà cửa trong trường hợp buộc phải di dời.
PV: Xin cảm ơn đồng chí !