Bài 1: Phương châm "Bốn tại chỗ” trước và trong khi xảy ra thiên tai

(HBĐT) - Nửa đầu tháng 10/2017, thông tin do ảnh hưởng từ mưa to, lũ lớn ở Hòa Bình trở thành vấn đề được các cấp, các ngành và dư luận đặc biệt quan tâm. Từ ngày 9-12/10, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Bên cạnh đó, do lưu lượng nước về hồ Hoà Bình dự báo lên đến 12.000 m3/s, do đó, đến 11h, ngày 11/10, thủy điện Hòa Bình phải mở 8 cửa xả đáy. Đây là đợt xả lũ lớn nhất của thủy điện trong 10 năm qua.


Những ngày mưa bất thường đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và cơ sở hạ tầng KT-XH. Tin dữ liên tục được báo về Tỉnh uỷ, Ban chỉ huy phòng - chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh. Trong 4 ngày, huyện Mai Châu có 2 người chết, 2 người bị thương; huyện Kim Bôi 2 người chết, 1 người bị thương; huyện Đà Bắc 6 người chết, 5 người mất tích, 9 người bị thương; 1h 30 ngày 12/10, huyện Tân Lạc có 18 người chết do sạt lở núi tại khu vực xóm Khanh, xã Phú Cường, theo đó, toàn huyện có tổng số 19 người tử vong do thiên tai.

Mưa lớn kéo dài tạo thành lũ ống, lũ quét, gây sạt lở đã làm hầu hết các công trình thuỷ lợi bị ảnh hưởng, trong đó có trên 180 công trình bị hư hỏng nặng hoặc thiệt hại hoàn toàn. Các tuyến đường trên địa bàn tỉnh có khoảng 750 điểm sạt lở taluy dương, khối lượng trên 550.000 m3 và 72 điểm sạt lở ta luy âm, 18 vị trí sạt lở nứt đường với tổng chiều dài khoảng 1.720 m. Nhiều vị trí mặt đường hư hỏng nặng với chiều dài khoảng 7.000 m...gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, sau 7 ngày ròng rã, lực lượng cứu hộ đã tìm được 18 thi thể nạn nhân trong vụ sạt lở đất tại xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc). Ảnh chụp ngày 12/10/2017.

Bên cạnh đó, đời sống và sản xuất của người dân bị ảnh hưởng rất lớn. Toàn tỉnh có 3.185 hộ ngập lụt. Đơn cử như huyện Lạc Thuỷ có 1.000 hộ ngập trên 3 m; huyện Yên Thuỷ có 1.555 hộ ngập từ 1-1,3 m... Trên địa bàn các huyện, thành phố có tới 905 hộ bị sạt lở và nguy cơ sạt lở phải di dời. Trong đó có hàng chục hộ nhà ở bị sập hoàn toàn và lũ cuốn trôi. 100% diện tích lúa và hoa màu bị ảnh hưởng do mưa lũ. Trong đó có 7.078,54 ha lúa, ngô, cây ăn quả, 457 ha ao, hồ, 120 lồng cá thiệt hại hoàn toàn; gần 7.200 con gia súc, gia cầm, 1.222 đàn ong... chết do mưa lũ.

Theo Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCH PCTT&TKCN tỉnh Nguyễn Văn Quang: Để chủ động ứng phó và khắc phục thiên tai, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Thường trực Tỉnh uỷ, từ ngày 10-17/10, UBND tỉnh và BCH PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành 5 công điện và nhiều công văn, thông báo để chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân chủ động phòng ngừa, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Ngày 11/10, UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai do mưa lớn trên địa bàn tỉnh. Ngày 15/10, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai sạt lở đất do ảnh hưởng mưa lớn gây ra. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá sạt lở, sụn lún đất tại các huyện, thành phố và chỉ đạo các cơ quan báo chí, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các lực lượng và người dân chủ động ứng phó. Ngày 11/10, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCH PCTT&TKCN tỉnh Nguyễn Văn Quang họp khẩn với các ngành, các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó với tình hình mưa lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh.

Trong mưa lớn, nước lũ cuồn cuộn ùa về, 2 xã Khoan Dụ, Yên Bồng (Lạc Thủy) có nơi ngập sâu hơn 3 m. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND và BCH PCTT&TKCNCH huyện Lạc Thuỷ, lực lượng công an, quân đội, dân quân không quản ngại khó khăn, kịp thời phối hợp với cấp uỷ, chính quyền cơ sở tổ chức cứu được 12 người dân đang tuyện vọng trong vùng nguy hiểm và tổ chức giúp đỡ 165 hộ dân sơ tán lên khu vực an toàn.

Những ngày mưa lớn kéo dài tạo thành lũ ống, lũ quét khiến 1 người dân ở xã Yên Hòa (Đà Bắc) bị thương và tử vong; tài sản 4 hộ gia đình bị lũ cuốn trôi và hư hỏng toàn bộ; 1 nhà ở bị sập hoàn toàn; 4 hộ phải di dời khẩn cấp...Trong khó khăn, hoạn nạn, người dân xã Yên Hòa đánh giá cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và CB, CS Công an huyện Đà Bắc trực tại trụ sở cụm Công an số 2.

Ông Nguyễn Văn Biền ở xóm Hòa Yên cho biết: "Nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của cấp ủy, chính quyền, lực lượng công an thì thiệt hại về người và tài sản còn nặng nề hơn nhiều. Giữa trời mưa rất to, nước lũ cuồn cuộn ập về, các lực lượng đã tổ chức sơ tán dân và hàng chục em học sinh đến vị trí an toàn. Đặc biệt, trong đêm tối, lãnh đạo xã đã nhanh chóng hội ý và quyết định đập tường bao trụ sở Đảng uỷ, UBND xã và hỗ trợ CB, CS Công an đu dây thép xuống trạm y tế cứu được 3 người bị mắc kẹt khi nước lũ đã dâng cao gần 2 m và đất, đá đang ùa về”.

Trong cơn nguy khốn, hàng chục người ở xóm Khem (xã Đoàn Kết - Đà Bắc) đã thoát chết khi nước và đất, đá từ đồi cao ùn ùn đổ xuống. Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết Lường Thị Hằng cho biết: Khi mưa lớn kéo dài, dự báo nguy cơ bất thường có thể xảy ra, Thực hiện phương châm "Bốn tại chỗ”, Đảng uỷ xã yêu cầu 100% CB, CC, VC trực tại trụ sở và thường xuyên liên lạc để nắm chắc tình hình ở các thôn, bản. Nhờ chủ động về lực lượng, nắm chắc tình hình, cấp uỷ, chính quyền cùng các lực lượng đã kịp thời sơ tán gần 40 nhân khẩu của 7 hộ ở xóm Khem đến nơi an toàn trước khi lũ làm sập toàn bộ 2 ngôi nhà và đất, đá tràn vào 5 hộ khác. Đặc biệt, tại điểm trường mầm non, khi bùn, đất đã ngập cao gần 2 m, nước cuốn trôi toàn bộ tài sản, lực lượng công an và dân quân đã kịp thời cứu 2 cô giáo trước khi tường nhà bị đá xô vỡ”.

Gần 2 giờ sáng ngày 11/10, lũ quét ào ào đổ xuống xóm Nhạp xã Đồng Ruộng (Đà Bắc). "Quá bất ngờ và quá khủng khiếp”, bí thư chi bộ xóm Nhạp, Quách Công Hung nhớ lại: "Nhà ở và toàn bộ tài sản của 4 hộ cùng chi trường tiểu học của xóm bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, 23 hộ khác cũng bị thiệt hại nặng về nhà cửa và tài sản. Mặc dù rất hoảng loạn nhưng chúng tôi cố trấn tĩnh vào cứu được 2 cô giáo và 1 cháu nhỏ đang ngủ say tại chi trường mầm non khi đất, đá đang tràn xuống.”

Mặc dù đã chủ động triển khai phương án phòng - chống thiên tai theo phương châm "Bốn tại chỗ”. Chủ động sơ tán, di dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm nhưng không khí tang thương vẫn bao trùm trên địa bàn xã Phúc Sạn. Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Phúc Sạn Đinh Công Hanh cho biết: "Rạng sáng ngày 11/10, nhà của gia đình chị Hà Thị Sinh ở xóm Xạ bất ngờ bị sạt lở đất gây đổ tường, có 5 người mắc kẹt trong đống đổ nát. Nhận được tin báo, chúng tôi đã huy động lực lượng đến ngay hiện trường. Dù đã nỗ lực nhưng chúng tôi chỉ cứu được 4 người bị thương, còn 1 người chết tại chỗ”.

Mưa lũ làm ngà ba Tòng Đậu (Mai Châu) ngập sâu trong nước khiến QL 6 ách tắc nhiều ngày. Dưới sự chỉ đạo của BCH PCTT&TKCN huyện, hơn 70 CB, CS công an, Ban CHQS huyện cùng công an, dân quân xã Tòng Đậu túc trực tại đây để đảm bảo ANTT và sử dụng thuyền, bè mảng vận chuyển miễn phí hàng nghìn lượt người, hàng hóa qua lại trên tuyến QL 6 đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đồng thời mở lối mòn ven sườn đồi để giúp mọi người đi lại thuận tiện hơn. Bên cạnh đó nhắc nhở lái xe khách và chủ nhà hàng ăn uống không nâng giá vé cùng các dịch vụ khác để mọi người yên tâm vượt qua khó khăn.

46 người chết, bị thương và mất tích, ước tính tổng thiệt hại đến ngày 20/10 trên toàn tỉnh khoảng trên 2.400 tỷ đồng. Bất cứ ai cũng choáng váng trước sự tàn phá và những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra nhưng mọi người đều ghi nhận và đánh giá cao vai trò của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, LLVT trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện phương châm "Bốn tại chỗ” để thực hiện có hiệu quả các biện pháp ứng phó thiên tai.

(Còn nữa)
                                                                                  Đức Phượng

Bài 2: Phương châm "Bốn tại chỗ” trong khắc phục hậu quả thiên tai

Các tin khác


Trao tặng Huy hiệu Đảng cho đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh

(HBĐT) - Sáng 30/10, BTV Tỉnh uỷ đã tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 7/11/2017 cho đồng chì Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh. Tham dự có các đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí trong BTV Tỉnh uỷ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Cho ý kiến một số vấn đề quan trọng của tỉnh

(HBĐT) - Ngày 30/10, các đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị BTV Tỉnh ủy cho kiến một số vấn đề quan trọng của tỉnh. Dự hội nghị có các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; đại diện các Ban xây dựng Đảng T.Ư; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Chủ động chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa

(HBĐT) - Lạc Sơn là huyện có nhiều đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn, tập trung đông dân cư, có đồng bào tôn giáo sinh sống tạo điều kiện cho các thế lực bên ngoài chống phá nền hòa bình. Đấu tranh chống diễn biến hòa bình (DBHB) trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa được Huyện ủy Lạc Sơn xác định là nhiệm vụ quan trọng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo đó, Huyện ủy đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp góp phần ổn định tình hình xã hội.

Cải cách bộ máy hành chính Nhà nước không làm ngay sẽ có lỗi với dân

Đại biểu Quốc hội kiến nghị việc cải cách bộ máy hành chính Nhà nước cần được thực hiện quyết liệt, nếu không sẽ có lỗi với dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại Nghệ An và Quân khu 4

Ngày 29-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại tỉnh Nghệ An và Quân khu 4. Cùng tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng T.Ư; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành T.Ư.

Đại hội đại biểu công đoàn các khu công nghiệp tỉnh lần thứ II nhiệm kỳ (2017 – 2022).

(HBĐT) - Ngày 28/10, Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu  lần thứ II, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Lãnh đạo LĐLĐ, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh và 97 đại biểu đã tham dự đại hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục