Cán bộ, công chức Văn phòng Tỉnh ủy và huyện Lạc Sơn chụp ảnh lưu niệm tại Bia di tích lịch sử cách mạng nơi thành lập Văn phòng Tỉnh ủy tại xóm Khị, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn). ảnh: Đ.P
Với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp ủy; phối hợp, điều hòa hoạt động của các cơ quan tham mưu của Đảng; là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo, từ khi ra đời đến nay, tổ chức bộ máy và hoạt động của Văn phòng cấp ủy không ngừng được củng cố, kiện toàn, phát triển về mọi mặt.
Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình được thành lập ngày 1/11/1947 tại xóm Khị - Mường Vang (nay thuộc xã Nhân Nghĩa - huyện Lạc Sơn). Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình từng bước lớn mạnh và trưởng thành. Từ nhiệm vụ chính là phục vụ, giúp việc đã dần hoàn thiện, thực hiện tốt công tác tham mưu, tổng hợp, giúp Tỉnh ủy mà trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy trong tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo, chỉ đạo; phối hợp hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực xây dựng Đảng, kinh tế - xã hội, đối ngoại của cấp ủy. Trực tiếp quản lý tài sản, tài chính của Tỉnh ủy và các cơ quan, tổ chức Đảng thuộc Tỉnh ủy, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của cấp ủy. Là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo của cấp ủy. Tổ chức bộ máy Văn phòng Tỉnh ủy tiếp tục được sắp xếp tinh gọn; hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ được giao.
ở bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử, các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy luôn tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, đoàn kết, sáng tạo, tận tụy, tâm huyết, chu đáo, đảm bảo cho các hoạt động cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy được triển khai, thực hiện một cách có hiệu quả. Nhiều cán bộ, công chức công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy đã trưởng thành, giữ các cương vị chủ chốt của tỉnh. Điều đó thể hiện sự đánh giá cao của cấp ủy tỉnh đối với Văn phòng Tỉnh ủy nói riêng và những người làm công tác Văn phòng cấp ủy nói chung. Với những nỗ lực, cố gắng đó, trong những năm qua, tập thể cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Tỉnh ủy đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen và những phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, năm 2010, tập thể cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình đã vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.
Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành của Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình, chúng ta có quyền tự hào về những cống hiến của các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy. Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào những thắng lợi của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Thời gian tới, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao bản lĩnh chính trị. Các cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, trong đó có Văn phòng Tỉnh ủy cần phải chủ động, thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động về mọi mặt để đáp ứng tốt hơn yêu cầu lãnh đạo của cấp ủy với những nhiệm vụ cụ thể sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt Quy chế và Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy. Tăng cường phối hợp giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động… của Trung ương và của tỉnh. Tiến hành kiểm tra việc thực hiện các kết luận, ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đối với các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, phối hợp với các đơn vị tham mưu, chuẩn bị nội dung và các điều kiện phục vụ các cuộc họp, hội nghị của cấp ủy. Thường xuyên nắm tình hình, tiến độ việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong tỉnh để chủ động tham mưu Thường trực Tỉnh ủy sắp xếp nội dung, chương trình công tác.
Thứ tư, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, gắn với đào tạo, bồi dưỡng, từng bước tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ theo vị trí việc làm. Tham mưu giúp cấp ủy đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, trước hết là trong hoạt động của Văn phòng cấp ủy. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và quy chế dân chủ trong cơ quan, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thứ năm, tham mưu thực hiện toàn diện các hoạt động đối ngoại của cấp ủy. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm không để lộ, lọt thông tin, tài liệu mật của Đảng. Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ văn thư, lưu trữ, tiếp công dân, quản lý tài chính, tài sản của Đảng.
Với niềm vinh dự, tự hào về truyền thống cách mạng trong suốt 70 năm qua, nhận thức rõ nhiệm vụ và trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và cơ quan, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình tiếp tục ra sức rèn luyện, học tập, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống "Trung thành, đoàn kết, tận tụy, sáng tạo” và sự chăm lo, tin cậy của cấp ủy, góp phần xây dựng quê hương Hòa Bình ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Nguyễn Đồng