Bài 2: Sát sao, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai

(HBĐT) - Những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lớn kéo dài và lũ ống, lũ quét gây ra làm đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn hộ dân và hoạt động SX-KD trên địa bàn tỉnh. Nhất là đối với những gia đình có người chết, mất tích, bị thương và mất hết nhà cửa, tài sản. Trong lúc này, phương châm "bốn tại chỗ” được cấp uỷ, chính quyền các cấp vận dụng có hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Đăng Ninh cho biết: Nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất sau đợt mưa lớn bất thường, Thường trực Tỉnh uỷ và UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành khẩn trương triển khai các biện pháp, giải pháp khắc phục hậu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Giao Sở NN&PTNT tổng hợp, xây dựng báo cáo đầy đủ thông tin, số liệu về tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả, việc tổ chức di dân tái định cư trên địa bàn toàn tỉnh; tham mưu đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành Trung ương giúp đỡ, hỗ trợ tỉnh khắc phục hậu quả thiên tai và di dân tái định cư. Sở TN&MT tham mưu, giúp các huyện, thành phố đo vẽ hiện trạng sử dụng đất các khu tái định cư. Sở Xây dựng tham mưu thực hiện giúp các huyện về công tác tư vấn đánh giá địa chất và quy hoạch các khu tái định cư. Sở GTVT tập trung đảm bảo thông đường trong thời gian sớm nhất, phân công cán bộ trực tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao để cảnh báo và có kế hoạch chủ động xử lý lâu dài; báo cáo Bộ GTVT hỗ trợ tỉnh khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra đối với đường sá, cầu cống. Sở Tài chính phối hợp với Sở KH&ĐT, các sở, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất kinh phí hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả. Đặc biệt, Thường trực Tỉnh uỷ đã chỉ đạo UBND tỉnh, các huyện, thành phố huy động tối đa lực lượng, phương tiện của địa phương, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia khắc phục hậu quả. Theo đó, Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS các huyện, thành phố, các đơn vị đóng quân trên địa bàn, Sở GTVT đã huy động gần 3.700 lượt CB,CS,CC,VC cùng nhiều ô tô, máy xúc, xe chuyên dụng, tàu, thuyền tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.

Rạng sáng 12/10, Bí thư Tỉnh uỷ Bùi Văn Tỉnh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Đăng Ninh; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nguyễn Văn Quang có mặt trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng tại xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc). Trong lúc các lực lượng tìm kiếm bằng biện pháp thủ công, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tiến hành khảo sát đánh giá kỹ lưỡng hiện trường và quyết định đưa máy xúc vào để đẩy nhanh tiến độ. Sở chỉ huy dã chiến được khẩn trương thành lập, các biện pháp tìm kiếm khác như sử dụng chó nghiệp vụ, máy khoan chuyên dụng, nổ mìn... tiếp tục được áp dụng. Sau 7 ngày ròng rã, dưới trời mưa tầm tã, địa hình nguy hiểm, phức tạp, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tìm được toàn bộ thi thể 18 nạn nhân trong "núi” đất, đá khổng lồ.


CB, CS Bộ CHQS tỉnh vận chuyển nhà bạt giúp các hộ dân xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) di chuyển khỏi vùng nguy hiểm.

Ở tất cả những "điểm nóng” do thiên tai, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn đều có mặt trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và động viên các lực lượng cùng người dân tập trung khắc phục hậu quả. Từ ngày 12 - 21/10, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Đăng Ninh đã có mặt tại các xã Phú Cường (Tân Lạc), Đồng Nghê, Trung Thành, Đoàn Kết, Yên Hòa, Vầy Nưa, Tiền Phong (Đà Bắc). Từ ngày 10 - 17/10/2017, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang, các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo tại các huyện: Đà Bắc, Kỳ Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi và TP Hoà Bình...

Làm việc với cấp ủy, chính quyền cơ sở và gặp gỡ những người dân vẫn còn đau đớn, choáng váng khi chồng mất vợ, con mất cha, cháu mất ông, bà, nhà cửa bị sập, tài sản tích cóp hàng chục năm trời bị lũ cuốn trôi, nhiều thôn, bản bị cô lập, học sinh phải nghỉ học, mùa màng thất bát và khả năng thiếu đói đang hiển hiện trước mắt... Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các huyện, thành phố đã chia sẻ với những đau thương, mất mát và thiệt hại to lớn mà người dân phải gánh chịu do mưa lớn và lũ lụt bất thường. Ghi nhận, biểu dương tinh thần chủ động, sâu sát, kịp thời của cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, LLVT và nhân dân trên địa bàn trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị quan tâm, động viên để ổn định tâm lý, tư tưởng người dân, nhất là các hộ có người tử vong, mất tích, bị thương và nhà cửa, tài sản bị ảnh hưởng do mưa, lũ. Tập trung khắc phục diện tích đất canh tác bị vùi lấp để sớm ổn định sản xuất. Có giải pháp đảm bảo giao thông, ổn định trường lớp cho trẻ em được đến trường. Tìm vị trí mới để di dời các hộ dân có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn trong thời gian sớm nhất, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống… Đến nay, 428 hộ ở các huyện: Đà Bắc, Kim Bôi, TP Hoà Bình bị mất hết nhà ở và phải di dời đã được bố trí chỗ ở tạm thời, cung cấp đầy đủ thuốc, lương thực, thực phẩm, quần áo và các nhu yếu phẩm khác theo đúng tinh thần chỉ đạo "đảm bảo người dân có chỗ ở, không bị đói, rét, không để xảy ra dịch bệnh”. Các ngành chức năng đã tổ chức khảo sát đánh giá lại hiện trạng các khu vực dân cư bị sạt lở và xem xét bố trí các khu tái định cư để có phương án tái định cư lâu dài, ổn định đời sống người dân.

Đối với các hộ dân phải di dời do ngập lụt, sau khi nước rút đã được hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, tiêu độc khử trùng để về nơi ở cũ.

Mưa lớn kéo dài, đường về các xã: Tân Dân, Tân Mai, Phúc Sạn và nhiều thôn, bản bị sạt lở nặng nề. Không thể đi bằng đường bộ, lãnh đạo huyện Mai Châu đã quyết định sử dụng thuyền để về với dân trong những ngày khốn khó. "Không được phép quan liêu và xa dân, phải trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt tình hình”, đó là yêu cầu của Huyện ủy Mai Châu trong thực hiện phương châm "bốn tại chỗ”. Không đi được đường bộ thì sử dụng tàu, thuyền, không đi được ô tô thì đi bằng mô tô, không còn đường nào khác thì rẽ cây, băng rừng mà đi, xa mấy, khó khăn mấy cũng phải đến tận nơi để mắt thấy, tai nghe mới có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện sát đúng và hiệu quả”, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu Hà Công Thẻ chia sẻ.

Để từng bước khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, UBND tỉnh đã hỗ trợ 5 triệu đồng/người chết và mất tích. Hỗ trợ 2 huyện Tân Lạc, Đà Bắc, mỗi huyện 1 tỷ đồng. Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính tạm ứng ngân sách tỉnh 4 tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục sạt lở các tuyến đường giao thông và 12 tỷ đồng hỗ trợ 180 hộ dân huyện Đà Bắc di dân tái định cư. UBMTTQ tỉnh ra quyết định hỗ trợ 2,3 tỷ đồng cho các huyện, thành phố khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ, cứu trợ người dân bị ảnh hưởng do thiên tai. Yêu cầu các địa phương tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ, cứu trợ. Đến nay, hệ thống đường giao thông trên toàn tỉnh cơ bản đã thông tuyến, các công trình thủy lợi đã được gia cố những vị trí bị hư hỏng và đảm bảo an toàn.

Để chuẩn bị cho bài viết này, việc đầu tiên là tôi xem lại bản tin dự báo thời tiết ngày 7/10/2017: "Do tác động của không khí lạnh yếu kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, dự báo trong 3 ngày tới, yếu tố gây mưa vẫn hoạt động mạnh nên các tỉnh Sơn La, Hoà Bình, khu vực ven biển và vùng đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to. Tổng lượng mưa phổ biến 50-150 mm, vùng ven biển có nơi trên 200 mm”. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh ta mưa rất to trên diện rộng và kéo dài từ ngày 9-12/10. Trong đó, huyện Mai Châu bình quân 394,6 mm, Kim Bôi 466,2 mm, Lạc Thuỷ 451,4 mm, Lạc Sơn 291,8 mm... Dự báo thiếu chính xác khiến không ít người chủ quan, xem nhẹ dẫn đến một số địa phương bất ngờ, bị động trong ứng phó và khi thiên tai gây thiệt hại nặng nề, việc khắc phục hậu quả cũng gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Phương châm "bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư và phương tiện, kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Vì vậy tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ, cứu trợ cũng là nhiệm vụ quan trọng để góp phần đảm bảo hậu cần trong khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Trong thực tế, những ngày qua, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều hoạt động thiện nguyện nhằm giúp đỡ các hộ bị thiệt hại và ảnh hưởng do mưa lũ sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, ở một vài xã, hàng cứu trợ được tiếp nhận và xếp đầy hội trường nhưng người dân ở các xóm, bản vẫn khó khăn, thiếu thốn. Do thiếu thông tin nên các nhà hảo tâm không biết ở xã A thiếu gì, xã B thừa gì nên một vài nơi mỳ tôm, lương khô chất cao như núi, các nhu yếu phẩm khác cần thiết lại không được đáp ứng. Đó là vấn đề cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm để hoạt động thiện nguyện, cứu trợ ngày càng đạt hiệu quả cao hơn và truyền thống đạo lý "Lá lành đùm lá rách” của dân tộc tiếp tục được phát huy.

Đức Phượng


Các tin khác


Chuyển biến trong cải cách hành chính tại huyện Lạc Sơn

(HBĐT) - Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Lạc Sơn có 11/13 cơ quan, chuyên môn thuộc UBND huyện, 29 xã, thị trấn và Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện thực hiện cơ chế "một cửa”, "một cửa liên thông” với tổng số 308 thủ tục hành chính (TTHC). Trong 6 tháng đầu năm 2017 đã tiếp nhận 115.097 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng hạn 114.929 hồ sơ, 9 hồ sơ trả quá hạn, 148 hồ sơ đang giải quyết và 12 hồ sơ giải quyết quá hạn.

Ý nghĩa lý luận đột phá từ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại

Cách mạng Tháng Mười đột phá được dẫn dắt bởi lý luận đột phá dựa trên quan sát khách quan chủ nghĩa đế quốc và tình hình nội tại của nước Nga khi ấy.

Xây dựng bộ máy hành chính nhà nước hiệu quả, hiệu lực

(HBĐT) - Ngày 30-10, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIV dành cả ngày để tiến hành thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016.

Toàn văn Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới

Nghị quyết nêu rõ, tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Trao tặng Huy hiệu Đảng cho đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh

(HBĐT) - Sáng 30/10, BTV Tỉnh uỷ đã tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 7/11/2017 cho đồng chì Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh. Tham dự có các đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí trong BTV Tỉnh uỷ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Cho ý kiến một số vấn đề quan trọng của tỉnh

(HBĐT) - Ngày 30/10, các đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị BTV Tỉnh ủy cho kiến một số vấn đề quan trọng của tỉnh. Dự hội nghị có các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; đại diện các Ban xây dựng Đảng T.Ư; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục