Trưa 13-3 (giờ địa phương), lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã diễn ra trọng thể tại Nhà Chính phủ, thành phố Oóc-len, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Niu Di-lân G.A-đơn.


Lễ đón diễn ra theo nghi thức chào đón truyền thống của người Ma-ô-ri, nghi thức cao nhất dành cho người đứng đầu Chính phủ. Ngay sau khi quân nhạc cử Quốc thiều Việt Nam lần đầu, lễ đón diễn ra trọng thể với 19 loạt đại bác chào mừng theo nghi thức đặc biệt. Lễ đón kết thúc với lần thứ hai đội quân nhạc cử Quốc thiều Việt Nam.

* Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Niu Di-lân G.A-đơn tiến hành hội đàm. Thủ tướng G.A-đơn bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng; bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ thành công tốt đẹp, tạo đột phá cho quan hệ hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng các thành tựu quan trọng của Niu Di-lân và Chính phủ Công đảng trong thời gian qua; bày tỏ tin tưởng Niu Di-lân sẽ phát triển mạnh mẽ và hiện đại, có vai trò ngày càng cao ở khu vực và quốc tế.

Hai bên bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị và đối tác toàn diện Việt Nam - Niu Di-lân, nhất là trong các lĩnh vực trụ cột như chính trị - đối ngoại, kinh tế - thương mại - viện trợ phát triển, giáo dục - đào tạo, lao động, giao lưu nhân dân…, hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2009-2019) và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2020). Hai bên đã trao đổi, thống nhất các phương hướng lớn thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thời gian tới, cụ thể:

Về chính trị, hai bên nhất trí duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tăng cường giao lưu nhân dân. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Thủ tướng G.A-đơn trở lại thăm chính thức Việt Nam vào thời gian thích hợp và chuyển lời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mời Bà Toàn quyền Niu Di-lân thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai tích cực và hiệu quả Chương trình hành động 2017-2020; sớm tổ chức họp Ủy ban hỗn hợp về kinh tế và thương mại lần thứ 6 tại Hà Nội và Tham khảo chính trị lần thứ 11 tại Niu Di-lân.

Về quốc phòng - an ninh, Thủ tướng G.A-đơn nhất trí hai bên cần tích cực triển khai các hợp tác cụ thể trong khuôn khổ Chương trình hành động về hợp tác quốc phòng 2018-2021 vừa ký kết; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và nghiên cứu quốc phòng; tăng cường hợp tác về chống tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố, buôn bán ma túy… trong bối cảnh an ninh khu vực ngày càng diễn biến phức tạp.


Thủ tướng Niu Di-lân G.A-đơn đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân.

Về kinh tế - thương mại, hai bên hài lòng với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng tích cực. Năm 2017, kim ngạch song phương đạt hơn 1,24 tỷ USD, kể cả hàng hóa và dịch vụ, tăng hơn 30% so năm 2016; nhất trí thúc đẩy nhiều biện pháp xúc tiến thương mại, trong đó có tạo điều kiện cho hàng nông thủy sản, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 1,7 tỷ đến 2 tỷ USD vào năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Niu Di-lân tiếp tục tạo điều kiện cho các mặt hàng hoa quả nhiệt đới của Việt Nam vào thị trường Niu Di-lân; tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Niu Di-lân có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như khai khoáng, năng lượng, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, tài chính…

Về viện trợ phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hài lòng về hiệu quả của các dự án ODA của Niu Di-lân dành cho Việt Nam; đề nghị Niu Di-lân xem xét nâng mức viện trợ phát triển cho Việt Nam, chú trọng các lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, phát triển nguồn nhân lực, quản lý rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu. Nhân dịp này, Thủ tướng Niu Di-lân đã công bố hai dự án ODA mới, bao gồm chương trình hợp tác ba năm trị giá 1,5 triệu đô-la Niu Di-lân, hỗ trợ nông dân Việt Nam hiện đại hóa sản xuất, sản xuất thực phẩm an toàn và nâng cao thu nhập; dự án thí điểm về năng lượng tái tạo trị giá 0,5 triệu đô-la Niu Di-lân, hỗ trợ Cục Điều tiết điện Việt Nam xây dựng thị trường điện bán buôn, giúp tăng cường hiệu quả và sử dụng năng lượng tái tạo.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng khác như giáo dục, lao động… Hai Thủ tướng ghi nhận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Niu Di-lân đang phát triển mạnh và là một trong những trụ cột của quan hệ song phương hiện nay cũng như đối tác chiến lược trong tương lai. Hai nhà lãnh đạo nhất trí đạt mục tiêu tăng số lượng sinh viên Việt Nam tại Niu Di-lân lên 30% vào năm 2020 thông qua khuyến khích trao đổi sinh viên và chương trình chung giữa các trường đại học và các lĩnh vực hợp tác khác ở hai nước.

Thủ tướng Niu Di-lân bày tỏ phấn khởi khi thấy du lịch hai chiều tăng tích cực, trong đó, riêng năm 2017, Niu Di-lân đã đón 17 nghìn lượt khách Việt Nam; nhất trí sẽ khuyến khích và tạo điều kiện cho thêm nhiều công dân Niu Di-lân tham gia chương trình Lao động kỳ nghỉ; khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực bằng các hình thức khác nhau; ủng hộ việc các hãng hàng không hai nước mở rộng đường bay thẳng, tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại và du lịch.

Hai Thủ tướng đánh giá cao và khẳng định tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Đông Á (EAS), APEC, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Niu Di-lân đã hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017, tái khẳng định cam kết ủng hộ Việt Nam làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Thủ tướng Niu Di-lân khẳng định sẽ ủng hộ, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN); Niu Di-lân và ASEAN kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác đối thoại và 5 năm đối tác chiến lược; mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm khi Niu Di-lân đăng cai tổ chức Năm APEC 2021. Hai bên nhất trí phối hợp triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); ủng hộ việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tiên tiến, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi.

Cuộc hội đàm diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và chân thành. Trên cơ sở các kết quả đạt được, hai Thủ tướng nhất trí giao các bộ, ngành liên quan thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển sâu rộng và thực chất trên các lĩnh vực, đồng thời xúc tiến trao đổi về lộ trình và nội hàm của đối tác chiến lược, sớm nâng cấp quan hệ theo thỏa thuận giữa hai bên.

* Nhân dịp này, hai bên đã ra Tuyên bố chung về thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện hướng tới đối tác chiến lược giữa nước CHXHCN Việt Nam và Niu Di-lân (Toàn văn đăng trên số báo hôm nay).

* Kết thúc hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký ba văn kiện quan trọng, gồm Thỏa thuận giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Niu Di-lân về hợp tác kinh tế và thương mại; Thỏa thuận giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Các ngành công nghiệp cơ bản Niu Di-lân về hợp tác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng; Kế hoạch hợp tác chiến lược giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Cơ quan Giáo dục Niu Di-lân về giáo dục - đào tạo giai đoạn 2018-2020.

* Cùng ngày, Thủ tướng G.A-đơn đã tổ chức chiêu đãi trọng thể chào mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao nước ta thăm chính thức Niu Di-lân.

* Tối 13-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội (QH) Niu Di-lân T.Man-lát. Thủ tướng chúc mừng ông T.Man-lát vừa được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch QH; bày tỏ tin tưởng, trên cơ sở các thành tựu đạt được trong thời gian qua, Niu Di-lân sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh, có vai trò và vị thế ngày càng cao ở khu vực và trên thế giới. Chủ tịch QH Niu Di-lân chia sẻ sự ngưỡng mộ trước các thành tựu quan trọng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội và triển khai chính sách đối ngoại thời gian gần đây; cho biết rất hài lòng về kết quả hội đàm giữa Thủ tướng Niu Di-lân và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam; tin tưởng các kết quả tích cực này sẽ là cơ sở quan trọng để đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Hai bên bày tỏ hài lòng về những bước phát triển tích cực trong quan hệ song phương, đặc biệt, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng tích cực; nhất trí phấn đấu sớm nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược. Hai bên cũng nhất trí hai QH cần tăng cường trao đổi các chuyến thăm cấp cao, duy trì truyền thống hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế, phối hợp giám sát thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước; đồng thời, xúc tiến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các nghị sĩ và nhân dân hai nước.

* Sau hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đã dự cuộc chiêu đãi thân mật do Chủ tịch QH T.Man-lát chủ trì.

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Toàn quyền Niu Di-lân, Bà P.Rét-đi. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Niu Di-lân; đánh giá cao sự ủng hộ và giúp đỡ hiệu quả của Niu Di-lân trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam. Thông báo kết quả tốt đẹp cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng Việt Nam và Niu Di-lân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hài lòng trước sự phát triển tích cực của quan hệ hai nước cả trong khuôn khổ song phương cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là từ khi hai bên nhất trí tăng cường quan hệ đối tác toàn diện, hướng tới xây dựng đối tác chiến lược.

Thủ tướng nhấn mạnh, sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau ngày càng được củng cố và tăng cường thông qua việc duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao; cảm ơn Niu Di-lân đã ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017 vừa qua tại Đà Nẵng và cam kết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Năm APEC khi Niu Di-lân đăng cai tổ chức vào năm 2021.

Toàn quyền Niu Di-lân hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Niu Di-lân; bày tỏ lấy làm tiếc do có lịch hoạt động từ trước tại địa phương cho nên đã không thể có mặt ở thành phố Oóc-len để hội kiến trực tiếp với Thủ tướng. Bà Toàn quyền đánh giá cao kết quả hội đàm tích cực giữa hai Thủ tướng, trong đó đã đề ra nhiều định hướng lớn cho quan hệ hai nước thời gian tới, sớm nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới. Bà nhất trí hai bên cần tập trung thúc đẩy hợp tác giáo dục, là lĩnh vực thế mạnh của hai bên, đồng thời là lĩnh vực góp phần tăng cường sự hiểu biết về văn hóa và con người hai nước, thúc đẩy giao lưu nhân dân.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chuyển lời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mời Bà Toàn quyền Niu Di-lân thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vào thời gian thích hợp. Bà Toàn quyền đã cảm ơn và vui vẻ nhận lời.

* Trước đó, sáng 13-3, tại thành phố Oóc-len, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Niu Di-lân. Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, lãnh đạo một số bộ, ngành của Việt Nam cùng hơn 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư của hai nước.

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, qua 43 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, sự hợp tác giữa hai bên là điều tự nhiên, là nhu cầu của hai nước, cùng có lợi, cùng phát triển. Thủ tướng mong muốn, qua diễn đàn này, doanh nghiệp hai nước sẽ trao đổi cụ thể về các cơ hội hợp tác. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, có quan hệ kinh tế và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hầu hết các trung tâm và các nền kinh tế lớn trên thế giới. Việt Nam đang quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo, triển khai nhiều biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó có Niu Di-lân.

Thủ tướng nhấn mạnh, với tính bổ trợ cao của hai nền kinh tế và việc hai bên đang cùng là thành viên của các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ô-xtrây-li-a - Niu Di-lân (AANZFTA) và CPTPP vừa được ký kết, tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất rộng mở. Thủ tướng đã trả lời câu hỏi của các nhà doanh nghiệp Niu Di-lân và Việt Nam.

* Tại Diễn đàn Doanh nghiệp, Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký một số thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai nước, trong đó có Thỏa thuận về tăng cường hợp tác giữa Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Công nghệ Oóc-len; Thỏa thuận về hợp tác giữa Trường đại học Hà Nội và Đại học Công; Thỏa thuận hợp tác về chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp giữa Hiệp hội Nông nghiệp công nghệ cao và Chương trình liên kết Chính phủ Niu Di-lân và Thỏa thuận hợp tác về phối hợp hỗ trợ xúc tiến kinh doanh giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội đồng Doanh nghiệp Niu Di-lân.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Giám đốc điều hành Tập đoàn Fonterra L.Pa-ra-vi-xi-ni. Đây là công ty sữa dinh dưỡng toàn cầu có sự kết nối của 10.500 hộ gia đình nông dân Niu Di-lân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao sự hợp tác của Fonterra với các đối tác Việt Nam. Nhấn mạnh đến những cơ hội rộng mở từ CPTPP, Thủ tướng tin tưởng Fonterra và các doanh nghiệp của Niu Di-lân sẽ tận dụng tốt những cơ hội này, gia tăng đầu tư vào Việt Nam, qua đó mở rộng thị trường sang các nước ASEAN.

* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kim Uyn-lúc-bi, Giám đốc Công ty Deosan và ông Vích-to Trương, Giám đốc Công ty Richmond, những công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp sữa của Niu Di-lân. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam ủng hộ hoạt động kinh doanh cũng như sự hợp tác giữa Deosan và các doanh nghiệp Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ, chăn nuôi bò sữa, cung cấp bò sữa giống cũng như sản xuất, chế biến sữa là lĩnh vực hai bên đều có tiềm năng, nhu cầu và có thể bổ trợ cho nhau. Việt Nam đang từng bước xây dựng ngành công nghiệp chế biến sữa phát triển bền vững theo hướng hiện đại, đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm, có khả năng cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân và xuất khẩu.

* Sáng cùng ngày, Thủ tướng đã đến thăm Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm. Đây là một trong những cơ sở nghiên cứu hiện đại nhất Niu Di-lân và khu vực về giống cây trồng, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản và công nghệ đánh bắt thủy hải sản tiên tiến. Thủ tướng đánh giá cao các dự án hợp tác của Viện với Việt Nam, nhất là dự án hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thanh long, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào Niu Di-lân. Nhân dịp này, Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển quả bơ tại tỉnh Đác Nông giữa bốn bên, gồm Cơ quan Hợp tác Chính phủ Niu Di-lân (G2G), Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm, tỉnh Đác Nông và Công ty nông nghiệp Công nghệ cao (Samagritech).

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo Ngân hàng Dự trữ Niu Di-lân. Thủ tướng đề nghị Ngân hàng thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong các lĩnh vực như điều tiết tỷ giá, xây dựng các chính sách kinh tế vĩ mô, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ ngân hàng.

* Tiếp lãnh đạo Trung tâm Thương mại Niu Di-lân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh việc ký hợp đồng hợp tác chiến lược giữa Công ty cổ phần SOVICO của Việt Nam và Trung tâm Thương mại Niu Di-lân, gồm nhiều lĩnh vực hợp tác từ thương mại, đầu tư, đến du lịch, kết nối hàng không... Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của việc tăng cường kết nối hàng không giữa hai nước, cho rằng hai bên cần mở thêm các tuyến bay thẳng để tạo thuận lợi hơn nữa cho hợp tác thương mại và du lịch giữa hai nước đang trên đà phát triển tích cực.

* Tiếp lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Zuru, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đề xuất dự án của Tập đoàn về xây dựng mô hình nhà lắp ghép sử dụng vật liệu mới tại Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam; sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ Tập đoàn tìm kiếm địa điểm phù hợp để phát triển dự án.

* Tiếp lãnh đạo Đại học Công nghệ Oóc-len (AUT), Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ của trường với Việt Nam trong 25 năm qua, nhất là đã triển khai các chương trình đào tạo liên kết với các trường đại học lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho cán bộ cao cấp các tỉnh Quảng Ninh, Cà Mau và TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng đề nghị trường tạo điều kiện cho gần 400 sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường.

* Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 13-3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Niu Di-lân U.Pi-tơ. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ và hợp tác tích cực của Bộ Ngoại giao Niu Di-lân trong việc thu xếp và chuẩn bị chu đáo cho chuyến thăm chính thức Niu Di-lân của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Niu Di-lân khẳng định việc ký CPTPP tại Chi-lê vừa qua có vai trò rất lớn của Việt Nam, nước chủ nhà Hội nghị cấp cao TPP nhân Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng tháng 11-2017. Hai bên nhất trí thúc đẩy thực hiện các nội dung trong Chương trình Hành động giai đoạn 2017-2020, góp phần đưa hợp tác song phương trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu thực chất, tạo tiền đề cho việc sớm nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược.

* Sáng 14-3 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam rời Niu Di-lân, lên đường thăm chính thức Ô-xtrây-li-a và dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Ô-xtrây-li-a.


Theo Nhandan

Các tin khác


Trung ương Đoàn triển khai quyết định về công tác cán bộ tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình

Sáng 26/4, tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị triển khai công tác cán bộ. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực BCH T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Bùi Thị Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy…

Huyện Kim Bôi gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 25/4, huyện Kim Bôi tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thành ủy Hòa Bình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết xây dựng văn hóa con người Việt Nam

Sáng 25/4, Thành ủy Hòa Bình tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; 15 năm thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU, ngày 13/4/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khoá X về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Đức Hinh thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên tại huyện Kim Bôi

Sáng 25/4, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn công tác đã thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi.

Huyện Lạc Thủy: Gắn lý luận với thực tiễn trong phát triển kinh tế - xã hội

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về "Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” trên địa bàn huyện Lạc Thủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã vận dụng có hiệu quả lý luận vào thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực: xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” tại Hòa Bình

Sáng 24/4, tại Tượng đài Bác Hồ trên công trình Thủy điện Hòa Bình, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng Hội LHTN tỉnh Hòa Bình tổ chức Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi” nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; Nguyễn Kim Quy, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam; lãnh đạo các ban, văn phòng, đơn vị trực thuộc T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh: Hòa Bình, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục