Những năm qua, tỉnh ta đã xây dựng được thương hiệu cho một số sản phẩm đặc sản nổi bật mang giá trị cao, hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung cung cấp cho thị trường và phục vụ chế biến nông sản. Sản phẩm đặc sản được bảo hộ, giúp người SX-KD có đầu ra ổn định, hạn chế rủi ro về biến động giá cả và mở rộng thi trường tiêu thụ. Từ đó, góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập, tác động để quy hoạch lại KT-XH nông thôn tại nơi có các sản phẩm nông sản đã được đăng ký bảo hộ. Vị thế của tỉnh được nâng lên thông qua các sản phẩm mang tên địa danh như Cam Cao Phong, Bưởi đỏ Tân Lạc. Bước đầu định hình được tầm quan trọng của việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát triển bền vững KT-XH, định hướng cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng. Những sản phẩm đặc sản của tỉnh được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đã khẳng định giá trị pháp lý về quyền và lợi ích của người SX-KD sản phẩm.
Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận hội nghị.
Về kết quả tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với thu hút đầu tư, toàn tỉnh hiện có 104 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, 75 HTX tham gia đầu tư liên kết, hợp tác sản xuất, 35 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, đã hình thành nhiều liên kết sản xuất giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp theo chuỗi giá trị đem lại hiệu quả cao như: Chuỗi sản xuất hạt giống tại các huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy; chuỗi sản xuất ngô ngọt tại Mỵ Hòa; chuỗi sản xuất ớt tại Lạc Thủy, Kim Bôi; chuỗi sản xuất cá sông Đà tại vùng hồ...
Quá trình thảo luận, đại biểu dự hội nghị cho rằng: số lượng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản được đăng ký nhãn hiệu của tỉnh còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Tính liên kết theo chuỗi còn hạn chế. Việc quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức. Có nguy cơ mất thương hiệu do tổ chức thương mại còn yếu. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều, ít ứng dụng công nghệ cao. Liên kết sản xuất mang tính manh mún, chủ yếu sản xuất sản phẩm nông nghiệp thô. Vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm chính trị cao nhất để chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, chậm nhất đến năm 2025 chuyển đổi hiệu quả việc trồng lúa năng suất thấp sang trồng cây khác cho hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch vùng phù hợp với cây trồng, khí hậu, thổ nhưỡng; phấn đấu đến năm 2020, ít nhất mỗi huyện xây dựng được một khu ứng dụng công nghệ cao; chủ động liên kết với các doanh nghiệp lớn có uy tín trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng cơ chế tích tụ ruộng đất để kêu gọi nhà đầu tư; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về giá trị của các đặc sản địa phương đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng kế hoạch dài hạn trong việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh; làm tốt công tác chuẩn bị cho hội nghị xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, dự kiến tổ chức trong tháng 8/2018. Đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư vào chế biến một số sản phẩm chính của tỉnh như cam, mía. Tăng cường liên kết sản xuất, phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa theo chuỗi; hỗ trợ đưa các sản phẩm có thế mạnh vào hệ thống kinh doanh lớn, siêu thị với các chính sách nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả hệ thống nhận diện thương hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm. Quản lý chặt chẽ các khâu về giống, vật tư nông nghiệp; UBND các huyện, thành phố nơi có đặc sản xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ người dân trong việc lựa chọn, xây dựng, gìn giữ và phát triển sản phẩm gắn với phát triển thương hiệu.
Đức Phượng