Phát biểu
ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình hình
KTXH quý 1 có chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất trong 10
năm qua, cho thấy sự quyết liệt, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng
lưu ý, chính sách bảo hộ thương mại, nguy cơ chiến tranh thương mại trên thế
giới gia tăng, do đó Bộ Công thương, chủ trì cùng các bộ có biện pháp ứng phó
kịp thời hơn; chúng ta cũng phải có giải pháp phòng vệ thương mại; bài toán
chỉ đạo xuất nhập khẩu phải quyết liệt, kịp thời hơn.
Thủ tướng
cho biết, theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam
đứng trong nhóm nước chưa sẵn sàng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ
4, do đó việc xây dựng chiến lược kinh tế số là hết sức cần thiết và cấp bách.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ
Công thương... có lộ trình, bước đi rõ ràng hơn về vấn đề này để không tụt
hậu.
Thủ tướng
đặc biệt nhấn mạnh, việc bảo đảm tăng trưởng kinh tế là rất cấp bách; Chính
phủ quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao năm 2018, song chất lượng tăng trưởng
cũng là yêu cầu quan trọng. Tăng trưởng phải đi kèm với an toàn, chất lượng
cuộc sống của người dân. Chính phủ phấn đấu nâng cao chất lượng tăng trưởng
để người dân sống an toàn, hạnh phúc hơn.
Về kịch
bản tăng trưởng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đưa ra, Thủ tướng quán triệt
tất cả các cấp, ngành, địa phương phải lập kế hoạch tăng trưởng, coi đây là
yêu cầu chính trị. Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT tiếp thu ý kiến, rà soát kịch bản
tăng trưởng theo theo quý để làm căn cứ chỉ đạo điều hành, thấp nhất cũng
phải đạt 6,7%, thậm chí là tăng hơn để tạo đà cho cả giai đoạn 2016-2020.
Để làm
tốt điều này, Thủ tướng yêu cầu tập trung, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì
trệ yếu kém, quyết liệt hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ ở từng lĩnh vực,
từng vùng. Văn phòng Chính phủ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm
vụ các bộ, ngành, địa phương; tích cực đổi mới thể chế, tập trung cải cách
hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa. Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tập
trung chuẩn bị tốt số hội nghị chuyên ngành.
Thủ tướng
đặc biệt yêu cầu các bộ, ngành tăng cường kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế
vĩ mô; giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ
linh hoạt, phù hợp, chặt chẽ, kết hợp hài hoà chính sách tiền tệ với chính
sách tài khóa.
Đề nghị
Bộ Tài chính, NHNN, các bộ, ngành liên quan chú ý thay đổi động thái của các
nước lớn để có phản ứng chính sách kịp thời; kiểm soát chặt chẽ các giao lịch
liên quan tiền ảo, tiền điện tử; tiếp tục có các chính sách tín dụng hướng về
phát triển sản xuất; kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng, nhất là khu vực bất
động sản và chứng khoán. Đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử
lý nợ xấu với tinh thần cẩn trọng, chặt chẽ, ổn định hệ thống.
Bộ Tài
chính tiếp tục quản lý tốt thu chi ngân sách, chống chuyển giá, trốn thế,
buôn lậu; mở rộng việc áp dụng hóa đơn điện tử, tiết kiệm chi ngân sách; tính
đúng quy mô nền kinh tế.
Bộ Công
thương thúc đẩy xuất khẩu, tìm thị trường mới để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá.
Thúc đẩy thị trường bán lẻ trong nước, ngành Công thương phải có chỉ đạo các
ngành trong nước về thương mại điện tử, thương mại biên giới. Các bộ, ngành
tính toán điều chỉnh giá dịch vụ thận trọng, không ảnh hưởng chỉ số lạm phát,
tránh gây sốc cho nền kinh tế.
Thủ tướng
yêu cầu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các
công trình trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân các dự án. Tập trung đẩy mạnh tái
cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh
tranh. Tập trung ưu tiên, chú trọng thúc đẩy những công trình kết cấu hạ
tầng, năng lượng, sản xuất công nghiệp trọng điểm. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
để đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xúc
tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế; chú trọng công tác bảo vệ môi
trường, quan tâm công tác giảm nghèo, tạo việc làm thiết thực cho thanh niên
mới ra trường, thanh niên ở nông thôn; phòng chống dịch bệnh lúc giao mùa;
thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế. Đẩy mạnh quyết
liệt thực hiện an toàn thực phẩm, kiên quyết chống thực phẩm bẩn. Tăng cường
quản lý môi trường dạy và học, không để xảy ra bạo lực học đường.
Bộ Tài
nguyên và Môi trường thiết lập hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, quản
lý chặt các nhà máy có nguy cơ phát thải cao.
Bộ Ngoại
giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các động thái,
yêu sách của các nước.
Bộ Quốc
phòng làm tốt công tác tăng cường bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo.
Bộ Công
an ngăn chặn hiệu quả mọi âm mưu chống phá đất nước, trấn áp các loại tội
phạm, giữ vững trật tự an toàn xã hội, tăng cường phòng chống cháy nổ. Tăng
cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Đối với
một số vấn đề cụ thể, như việc phong chức danh giáo sư, phó giáo sư, Thủ
tướng yêu cầu, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước thực hiện đúng thẩm quyền,
đúng pháp luật.
Về việc
mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ tôn trọng ý kiến
của Bộ Giao thông vận tải, tư vấn độc lập, UBND TP Hồ Chí Minh; khẳng định
sân bay sẽ được mở rộng cả phía nam và phía bắc, nếu cần thiết thì thu hồi cả
sân golf để phục vụ công tác này.
Các chung
cư cao tầng phải có quy định rõ ràng hơn nữa về PCCC của Bộ Công an; Bộ Công
an cần điều tra, khởi tố một số vụ cháy nổ, phá rừng nổi cộm, bảo đảm kỷ
cương phép nước, an toàn cho người dân.
|