Sáng 9/4, tại
TP. Hải Dương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân với
chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”. Chương
trình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ,
UBND tỉnh Hải Dương phối hợp tổ chức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự buổi đối thoại.
|
Đã có khoảng
hơn 1.000 câu hỏi của nông dân và nhân dân cả nước gửi đến Thủ tướng và các bộ,
ngành, đối thoại về 4 nhóm vấn đề là phát triển thị trường nông sản; vốn và đất
đai; công nghệ và đầu vào cho sản xuất nông nghiệp; và dựng nông thôn mới.
Cùng dự có Ủy
viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương
Thị Mai; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; khoảng 600 đại biểu là lãnh đạo
các bộ, ban, ngành, đại diện 63 hội nông dân tỉnh, thành; các chuyên gia, nhà
khoa học; đại diện các doanh nghiệp…
Hoan nghênh
các đại biểu tham dự đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần làm
rõ vì sao 70% người dân sống ở nông thôn, trên 43% lao động ở khu vực này,
nhưng đóng góp cho GDP chỉ 16 - 17%.
Về nhóm vấn đề
thị trường đầu ra cho thị trường nông sản, nhiều câu hỏi nêu thực tế vẫn còn
tình trạng sản xuất được mùa thì mất giá; chưa có sự hỗ trợ của chính quyền
trong định hướng sản xuất gắn với thị trường.
Nông dân Tăng
Xuân Trường (Gia Lộc, Hải Dương) cho biết, qua theo dõi thông tin trên báo chí,
những ngày này hàng nông sản dư thừa xảy ra thường xuyên ở nơi này, nơi khác.
Người nông dân phải nhổ bỏ củ cải, xu hào, đốt mía. Điểm yếu lớn nhất chính là
khâu sản xuất cũng như thị trường, cung vượt quá cầu. Được biết Chính phủ đã có
chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng 1.500 ha nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao, đây là hướng đi rất đúng đắn. Ông Trường đặt câu hỏi việc
liên kiết và thành lập HTX được hô hào, vậy đến bao giờ mới thay đổi được?
Trả lời câu hỏi
này, Thủ tướng cho biết, chưa bao giờ nông nghiệp Việt Nam có thành quả lớn như
thế. Còn tình trạng nhỏ lẻ, mía ở chỗ này, xu hào ở chỗ kia, dưa hấu chỗ nọ…thì
việc đó vẫn còn nhưng không phải là phổ biến. Cái chính là nông nghiệp hiện nay
đã có thị trường rất ổn định, đời sống nông dân rất tốt. Từ nông thôn, miền núi
cho đến ở đồng bằng, tình trạng đầu ra sản phẩm đầu ra cho nông nghiệp là rất tốt,
nhất là xuất khẩu nhiều sản phẩm mới như hoa, trái, củ các loại. Nhưng vẫn còn
một số tình trạng được mùa rớt giá chúng ta phải tìm cách khắc phục.
Để giải quyết
vấn đề này, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật,
nhất là một số Nghị định và thông tư để tạo chính sách mới. Hiện nay, Chính phủ
đang sửa Nghị định 210, chính sách cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sắp
ban hành. Hy vọng chính sách mới này sẽ tạo điều kiện thu hút tốt hơn, nhất là
doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Vấn đề lớn thứ
hai rất quan trọng, đó là phải tìm thị trường mới tốt hơn. Các Hiệp định thương
mại tự do đều gắn với việc tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là nhiều loại rau, củ,
quả Việt Nam đã thâm nhập thị trường mới. Việc tìm thị trường này, Nhà nước,
người dân cũng phải làm. Tuy nhiên, khi sản xuất cái gì đó thì câu hỏi đặt là
thị trường ở đâu, chứ không phải chỉ sản xuất cái anh có mà phải là sản xuất
cái thị trường cần.
Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc sản xuất phải gắn với thị trường,
trong đó, không chỉ Nhà nước hỗ trợ tìm đầu ra mà chính nông dân và doanh nghiệp
phải tính toán đến việc tiêu thụ trước khi sản xuất.
Vừa qua Thủ
tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ và nhiều lãnh đạo nước ta đi làm việc ở đâu cũng
giới thiệu về sản phẩm hàng hóa của Việt Nam để thúc đẩy tiêu thụ. Nhiều loại
nông sản củ quả đã thâm nhập thị trường mới, từ xoài, nhãn, chôm chôm, cá, thịt
gà.
"Tìm thị trường
thì Nhà nước cũng phải làm, nhưng người dân và nhà sản xuất cũng phải làm. Khi
anh sản xuất thì phải xem thị trường cần gì. Điều này phải đến tận người nông
dân và Hợp tác xã. Do đó phải quy hoạch sản xuất bài bản. Vùng này sản xuất cái
này, vùng khác cái khác dựa trên lợi thế so sánh. Trước khi gieo hạt, trồng xuống
phải xem tiêu thụ ở đâu”- Thủ tướng cho biết.
Trong phần đối
thoại về đất đai, các câu hỏi đặt ra tập trung vào việc khó tiếp cận gói tín dụng
100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vấn đề thế chấp
vay vốn gặp khó khăn, vấn đề tích tụ ruộng đất; vấn đề tăng mức vay và mở rộng
đối tượng được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân; vấn đề lãi suất
vay vốn còn cao…
Ông Võ Quan
Huy, một nông của tỉnh Long An đặt câu hỏi: "Tôi là nông dân đầu tư rất nhiều về
cả chăn nuôi và trồng trọt. Về vốn thì cần rất nhiều. Ví dụ để đầu tư nhà màn sản
xuất tôm công nghệ cao thì cần từ 4 - 7 tỷ đồng. Nhưng hiện nay để thế chấp nhà
màn này vay vốn thì chưa tiếp cận được. Chính phủ có gói cho vay 100.000 tỷ
nhưng hiện nhiều nông dân chưa tiếp cận được, thì khi nào chúng tôi tiếp cận được
vấn đề này?"
Về các câu hỏi
tiếp cận vốn của gói 100.000 tỷ đồng còn khó khăn, vấn đề tín dụng đen mà các
các đại biểu nêu, Thủ tướng giao Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
trả lời.
Ông Đào Minh
Tú, cho biết, sau hơn 1 năm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, dư nợ tín dụng cho
vay trong lĩnh vực này đến nay khoảng 40.000 tỷ đồng trong gói 100.000 tỷ đồng
mà Thủ tướng yêu cầu. Nguồn thực hiện nội dung này của các ngân hàng thương mại,
đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn luôn luôn sẵn sàng.
Chỉ có điều kiện triển khai như thế nào, đối tượng như thế nào để thuộc lĩnh vực
ưu tiên của lĩnh vực này cho đúng quy định của Nhà nước. Đặc biệt là đối tượng
nào là doanh nghiệp, khu nào được xác định là khu ứng dụng công nghệ cao trong
nông nghiệp để được hưởng ưu đãi của chính sách này.
Ngoài ra
ngành ngân hàng còn có hàng chục chương trình cho vay khác đối với lĩnh vực
nông nghiệp, nông thôn. Hiện có 9 chương trình lớn của Chính phủ liên quan đến
vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trong đó có nhiều chương
trình của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn Việt Nam bao phủ các vùng miền, với nhiều đối tượng, có trọng
tâm, trọng điểm.
Đối với vấn đề
tín dụng đen, Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành và người
dân, nhưng trách nhiệm bao phủ là của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn đối với người dân. Và đặc biệt là việc thế chấp tài sản trên đất phải được
thực hiện nghiêm túc tạo thuận lợi cho nông nghiệp.
Thủ tướng đề
nghị trả lời vấn đề này rõ ràng hơn. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là Agribank, phải thay đổi phương thức
cách làm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa. Đặc biệt những trường hợp được nêu
ra về chuyện chậm trễ, khó khăn, Agribank phải khắc phục tốt hơn.
"Thống đốc
NHNN nói như vậy, còn Agribank - cơ quan tín dụng trực tiếp này phải trả lời
câu hỏi đó, chứ không phải nói toàn khó khăn về giấy tờ” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng
cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước ngay sau buổi đối thoại này phải cùng các ngân
hàng thương mại xử lý dứt điểm vấn đề thủ tục khiến khó tiếp cận vốn mà các
nông dân nêu ra.
Đối với việc ứng
dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nông dân Phạm Văn Hát ở huyện
Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương cho biết, là người có rất nhiều sáng chế và có nhiều sáng
chế đã được thị trường 14 nước trên thế giới và 63 tỉnh thành trong nước sử dụng,
nhưng ông vẫn gặp khó khăn về đăng ký sở hữu trí tuệ.
Về câu hỏi
này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời.
Phó Thủ tướng
cho hay, đăng ký sở hữu trị tuệ là vấn đề toàn cầu, có tổ chức sở hữu trí tuệ
thế giới, có quy định rất nghiêm ngặt, vì liên quan đến thương mại và tranh chấp
thương mại toàn cầu. Cho nên máy móc làm như thế nào đăng ký thì phải tuân thủ.
Chính là vai trò từ 2 phía, trong đó, bản thân những người sáng chế như anh Hát
cũng cần hiểu rằng những quy trình đăng ký rất nghiêm ngặt và chuyên môn rất
riêng.
Vì thế khi có
ý tưởng ban đầu mà thấy đó là hướng tốt, thì nên tiếp cận ngay hoặc với cơ quan
quản lý khoa học ở địa phương, tức Sở Khoa học và Công nghệ để được hướng dẫn
và trợ giúp; hoặc nếu có khả năng thì tiếp cận với những doanh nghiệp làm dịch
vụ về sở hữu trí tuệ. Hiện ở Việt Nam có gần 200 công ty làm dịch vụ này, và có
trên 300 cá nhân đăng ký để hỗ trợ vấn đề này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu tham dự buổi đối
thoại
|
Đối với vấn đề
phân bón giả vẫn hoành hành, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp Việt Nam, nông
dân Nguyễn Văn Thế, ở tỉnh Hưng Yên đặt câu hỏi, Chính phủ có biện pháp gì để dẹp
tình trạng này?
Được Thủ tướng
giao trả lời, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường,
cho biết, các quy định hiện nay đã khá chặt chẽ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch chỉ đạo công tác đấu
tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời chỉ đạo các Bộ,
ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tổng kiểm tra, rà soát tất cả
các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón;
xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.
Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết đã chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng sản xuất phân
bón giả, phân bón kém chất lượng.
Nói về phân
bón giả của Thuận Phong ở Đồng Nai, Thủ tướng cho biết đã giao Ban Chỉ đạo 389
và trực tiếp là Bộ Công an phải điều tra xử lý nghiêm minh theo pháp luật và
báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2018 một cách dứt điểm. Đây là vấn đề
Quốc hội cũng như nhiều đại biểu, dư luận xã hội quan tâm.
Theo người đứng
đầu Chính phủ, mọi người dân, cơ sở đều có trách nhiệm phát hiện cho các cơ
quan chức năng biết địa chỉ những cơ sở buôn bán, sản xuất, tiêu thụ giống giả,
phân bón giả và các vật tư nông nghiệp khác, để xử lý nghiêm.
Trong nhóm vấn
đề phát triển nông thôn mới, nhiều nông dân đặt vấn đề về bảo hiểm trong lĩnh vực
nông nghiệp, đưa tri thức trẻ về khu vực nông thôn. Nông dân Nguyễn Thị Thêu ở
huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đặt vấn đề giải pháp để thu hút lực lượng trí thức
là con em nông dân quay trở về địa phương công tác trong lĩnh vực nông nghiệp?
Về nội dung
này, cùng với việc giao các Bộ trưởng thuộc lĩnh vực theo dõi trả lời, Thủ tướng
đã mời Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai
cùng trao đổi với nông dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thăm mô hình sản xuất,
chế biến nông sản xuất khẩu.
|
Bày tỏ rất
thú vị khi dự buổi đối thoại này, bà Trương Thị Mai cho biết, đã làm đại biểu
Quốc hội đến nhiệm kỳ thứ 5, trong quá trình đó đã gặp nhiều câu hỏi để làm sao
đưa tri thức trẻ về nông thôn và nông thôn có gì để các bạn trẻ quay trở về. Bà
bày tỏ mong muốn các hộ nông dân Việt Nam hỗ trợ con em học tập tốt và mang kiến
thức để quay trở về thay đổi cuộc sống của chính cha mẹ mình.
Bà kể, cách
đây 2 năm có đọc một câu chuyện nói về một bạn trẻ học rất giỏi, sau đó thi tuyển
vào doanh nghiệp, lương tháng rất cao khoảng 20 triệu đồng/tháng. Nhưng chỉ làm
việc hơn 1 năm thì quyết định quay trở về quê hương. Quyết định này của bạn gặp
phải sự phản đối của cha mẹ, nhưng sau đó khoảng hơn 2 năm, họ cảm thấy con
mình quyết định quay trở về là đúng khi mang toàn bộ kiến thức đó về đầu tư và
thay đổi cây thanh long của gia đình và thu nhập rất cao. Theo bà Mai, không chỉ
bạn trẻ này mà còn rất nhiều các bạn trẻ quay trở về nông thôn làm ăn và trở
thành những người rất giỏi giang.
Kết luận buổi
đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao những ý
kiến tâm huyết, trí tuệ, rất thẳng thắn của bà con, thảo luận các vấn đề lớn của
phát triển nông nghiệp thông thôn, nông dân, nông thôn mới.
Để thúc đẩy
phát triển nông nghiệp, nông thôn, Thủ tướng đã nêu một số nhóm vấn đề lớn cần
thực hiện thời gian tới. Trong đó, về tầm nhìn phát triển nông nghiệp, nông
thôn, Thủ tướng nêu các nội hàm quan trọng là cần xây dựng nền nông nghiệp phát
triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng
suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Việt Nam đặt vấn đề đảm bảo
an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.
Về xây dựng
nông thôn, hướng tới nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại;
xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao,
môi trường sinh thái được bảo vệ./.
TheoVOV.VN