Sau khi ban hành Đề án, UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) để chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, BCĐ kiểm tra tại một số huyện; chỉ đạo các thành viên, sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, chuyên môn nắm tiến độ và kịp thời giải quyết các vướng mắc, phát sinh tại cơ sở. BCĐ thường xuyên giao ban với BCĐ các huyện, thành phố nghe phản ánh tình hình, tiến độ, kết quả triển khai và thống nhất giải quyết những khó khăn. Các đơn vị làm điểm đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri trong khu vực về phương án sáp nhập, đặt tên, đổi tên, thành lập mới thôn, xóm, tổ dân phố của địa phương.
Toàn tỉnh có 22 đơn vị cấp xã do các huyện, thành phố đăng ký thực hiện làm điểm (mỗi huyện, thành phố 2 đơn vị). Trong đó có 20 đơn vị đủ điều kiện về hồ sơ, trình tự, thủ tục theo quy định. Hai đơn vị chưa thực hiện là xã Giáp Đắt (Đà Bắc) do tập trung khắc phục hậu quả đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2017; xã Vạn Mai (Mai Châu) chưa đảm bảo tỷ lệ 50% cử tri tán thành. Những đơn vị tỷ lệ cử tri tán thành đạt 50% trở lên, UBND các xã, phường, thị trấn đã hoàn thiện Đề án trình HĐND cùng cấp tại kỳ họp bất thường thông qua và ban hành Nghị quyết. Sau đó, hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện, thành phố để trình UBND tỉnh theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Viết Trọng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Sở đã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ do UBND các huyện, thành phố chuyển đến đảm bảo trình tự, thủ tục, điều kiện theo quy định. Kịp thời đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên, thành lập mới các xóm, tổ dân phố đảm bảo tiến độ, yêu cầu. Tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 66, ngày 8/12/2017. Theo đó, ngày 5/1/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên và thành lập mới thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn. Cụ thể: Sáp nhập 82 thôn, xóm để thành lập, đặt tên 41 thôn, xóm; sáp nhập 39 tổ dân phố để thành lập, đặt tên 19 tổ dân phố; đổi tên 2 tổ dân phố và thành lập mới 1 xóm.
Sau khi nhập tổ 11 và 12, tổ dân phố số 8, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) được thành lập mới, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, triển khai tốt các nhiệm vụ ở cơ sở.
Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29, một số huyện, thành phố đã kịp thời chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn làm điểm kiện toàn tổ chức Đảng, chính quyền, ban công tác mặt trận, các tổ chức đoàn thể cấp xóm. Đến nay, toàn tỉnh còn 1.999 thôn, xóm, tổ dân phố (277 tổ dân phố và 1.722 xóm), giảm 60 xóm, tổ dân phố so với trước khi thực hiện Đề án. Kinh phí giảm chi từ việc chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức đoàn thể khoảng 4,7 tỷ đồng/năm.
Qua thực hiện làm điểm, UBND tỉnh đánh giá: Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có sự quyết tâm cao, nhất quán trong nhận thức về mục đích, tầm quan trọng, lợi ích của việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố. Cấp ủy Đảng các cấp đã chỉ đạo việc nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Công tác tuyên truyền được các cấp, ngành, địa phương triển khai đều khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở và các buổi sinh hoạt. Đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân có sự đồng thuận cao.
Tuy nhiên, có địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Nhận thức của một số ít cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa đầy đủ, chỉ lo nghĩ đến quyền lợi cá nhân, chưa vì chủ chương của Đảng, Nhà nước, chưa vì lợi ích chung của cộng đồng. Đặc biệt có biểu hiện vận động, lôi kéo không đồng thuận chấp hành chủ trương. Điều này dẫn đến việc lấy ý kiến cử tri trong quá trình làm điểm phải tổ chức nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ, thời gian thực hiện. Còn có khu vực lấy ý kiến cử tri không đáp ứng tỷ lệ đồng thuận theo quy định như xã Vạn Mai (Mai Châu). Một số xóm, tổ dân phố phải chia sáp nhập vào nhiều xóm, tổ dân phố khác nhau, khó khăn khi lấy ý kiến cử tri. Các văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ, kịp thời nên khi tuyên truyền người dân còn tâm lý ngại sáp nhập vì nghĩ rằng sẽ xáo trộn trong việc thay đổi giấy tờ, liên quan tới sinh hoạt, SX-KD. Đa số các xã, xóm nêu khó khăn sau sáp nhập về quản lý, kinh phí cải tạo, xây dựng mới, bố trí địa điểm quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa...
Sau khi làm điểm, UBND tỉnh đề xuất BTV Tỉnh ủy tiếp tục cho triển khai, thực hiện Đề án giai đoạn II trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị BCĐ 1084 tỉnh đánh giá kết quả thực hiện thí điểm. Rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc sau sáp nhập để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Tiếp tục quán triệt, chỉ đạo UBND, BCĐ các huyện, thành phố quyết tâm cao khi thực hiện trên diện rộng. Các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân hưởng ứng, thực hiện chủ trương. Hướng dẫn quy trình giải thể, sáp nhập, thành lập chi bộ Đảng, các đoàn thể theo quy định; hướng dẫn điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ, thủ tục hành chính liên quan đến công dân, tổ chức sau sáp nhập. Để thực hiện giai đoạn II đạt hiệu quả, cần quán triệt đến toàn thể đảng viên, CB, CC, VC chủ trương Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19, Hội nghị lần thứ 6, BCH T.ư Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” và Kế hoạch số 129 ngày 6/2/2018 của BTV Tỉnh uỷ về thực hiện 2 Nghị quyết quan trọng trên.
Cẩm Lệ