Trên công trường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, tiếng máy xúc ỳ ầm từ sớm tinh mơ. Những cuốc đào, xe ủi nối nhau vun bồi cho giấc mơ lớn: giấc mơ vươn mình mạnh mẽ của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Sau ngày khởi công tròn 6 tháng, hơn 80% mặt bằng đã sạch, 6 mũi thi công đồng loạt triển khai - đó không chỉ là không khí lao động của công trình giao thông trọng điểm, mà là hình ảnh của một Hòa Bình nỗ lực bứt phá.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh chọn phát triển kết cấu hạ tầng là một trong bốn đột phá chiến lược; từng bước kiên cố hóa, đồng bộ hóa, hiện đại hóa bộ mặt tỉnh Mường. Từ những viên gạch hạ tầng ấy, một nền kinh tế - xã hội (KT-XH) hiện đại dần được kiến tạo, bằng bàn tay, ý chí, nỗ lực của con người Hòa Bình.
Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ
Đầu tháng Tư này, chúng tôi đến xóm Xèo, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc. Với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, dự án Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình) là dự án giao thông lớn nhất của tỉnh cho đến nay. Đây cũng là dấu ấn đặc biệt trong phát triển hạ tầng giao thông đường bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ông Nguyễn Tiến Tường, Chỉ huy trưởng công trường - Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C cho biết: Hiện nay, hơn 80% chiều dài tuyến đã được giải phóng mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thi công huy động phương tiện, nhân lực vào công trường. Tại địa bàn tỉnh, huyện Mai Châu đã bàn giao 100% mặt bằng (10,15 km), huyện Đà Bắc đạt khoảng 78% chiều dài tuyến (17/21,75 km). Sau khi có mặt bằng sạch, các nhà thầu đồng loạt triển khai nhiều mũi thi công trên toàn tuyến. Hiện nay, 6 mũi thi công được huy động, tập trung vào các công việc ưu tiên như đào đắp nền đường, xây dựng đường công vụ và bãi tập kết vật liệu. Sau khi các gói thầu xây lắp và tư vấn cuối cùng của dự án hoàn tất quá trình đấu thầu, ký hợp đồng, toàn bộ tuyến cao tốc sẽ bước vào giai đoạn thi công đồng loạt, tận dụng tối đa thời gian thi công trước mùa mưa. Với khí thế làm việc khẩn trương, quyết tâm, mục tiêu đặt ra là hoàn thành tuyến cao tốc vào năm 2027, rút ngắn một năm so với kế hoạch ban đầu là năm 2028, nhằm sớm đưa công trình vào khai thác.
Cùng với cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, trong nhiệm kỳ này, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số dự án công trình giao thông trọng điểm để từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch, như đường nối thành phố Hòa Bình - Kim Bôi, đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội, đường 433, đường 450, đường 436, đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1)... Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 10.988 km đường bộ (tăng 241 km so với năm 2020). Trong đó tỷ lệ bê tông hóa, nhựa hóa của các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị đạt 100%; đường nội thị đạt 88%; đường trục thôn, bản và đường liên thôn, bản đạt 73%. Các địa phương đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư hạ tầng giao thông; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động sức dân, hiến đất mở đường để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn tạo thuận lợi đi lại. Nhờ sự đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng sâu, vùng xa, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh có chuyển biến mạnh mẽ, năng lực vận tải đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá của người dân. Hiện toàn tỉnh có 96/129 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. Đây là tiền đề thúc đẩy phát triển KT-XH, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.
Khởi sắc diện mạo những miền quê
Giao thông đi trước mở đường để cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung nguồn lực phát triển KT-XH - thay "chiếc áo mới” cho diện mạo các thôn xóm, bản làng. Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nông nghiệp theo hướng chuyên canh, hiện đại, hạ tầng thủy lợi được đầu tư theo hướng liên thông và đa mục tiêu vừa bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp để chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Toàn tỉnh hiện có 1.917 công trình và hệ thống công trình thủy lợi, 544 hồ chứa được đầu tư xây dựng kiên cố và bán kiên cố phục vụ tưới tiêu. Tính đến năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 3.720 km kênh mương tưới các loại, đã kiên cố hoá được 58%, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hạ tầng cung cấp điện cũng được đầu tư, tăng thêm năng lực cho hệ thống năng lượng của tỉnh. Ngoài Nhà máy thủy điện Hòa Bình công suất 1.920 MW, trong tỉnh có 11 dự án thủy điện nhỏ đã hoàn thành phát điện thương mại với tổng công suất 39,75 MW; hiện đang thi công xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng công suất 480MW, dự kiến hoàn thành và đi vào sản xuất trong quý IV/2025.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng ghi dấu những đột phá mạnh mẽ trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng các đô thị trên địa bàn. Toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện với 12 đô thị đã được lập và điều chỉnh quy hoạch, đang triển khai thực hiện đầu tư nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật. Thành phố Hòa Bình được công nhận là đô thị loại II vào tháng 1/2025. Nhiều khu dân cư mới, trung tâm thương mại đã được đầu tư và đưa vào sử dụng. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 28,69% năm 2020 lên 36% năm 2024; dự kiến đến năm 2025 đạt 38%, đạt chỉ tiêu kế hoạch giao. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư xây dựng. Toàn tỉnh có 16 khu công nghiệp được quy hoạch. Đến nay đã cơ bản đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật của 3 khu công nghiệp. Tỉnh cũng quy hoạch 38 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất 2.207 ha; có 16 cụm công nghiệp đã được thành lập với diện tích 722 ha. Hạ tầng cấp nước sạch đảm bảo cung cấp nước sạch cho 96% dân số thành thị, tăng 6% so với năm 2020. Hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư nâng cấp; tỷ lệ phủ sóng di động theo khu dân cư đạt 96%.
Đáng phấn khởi là hệ thống hạ tầng thương mại phát triển nhanh, đa dạng, phù hợp với phát triển KT-XH và hội nhập, mở cửa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 95 chợ, 3 trung tâm thương mại, 7 siêu thị và 1 trung tâm hội chợ, triển lãm thương mại. Sự phát triển của mạng lưới siêu thị và trung tâm thương mại đã góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm hàng hóa của dân cư, làm gia tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa, thay đổi tích cực diện mạo ngành thương mại của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại.
Cùng với đó là hạ tầng lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân
Ở một tỉnh miền núi như Hòa Bình, mỗi km đường được mở, mỗi cánh đồng có đủ nước tưới, mỗi vùng sâu có sóng 4G, mỗi bản làng có trường học vững chãi... đều là những bước tiến dài cho tương lai. Những con đường đang mở ra không chỉ nối liền các vùng đất, mà còn nối liền các ước mơ. Và trong bước chuyển mình về hạ tầng hôm nay, người ta có thể nhìn thấy bóng dáng của một Hòa Bình mới: hiện đại hơn, rộng mở hơn, tự tin hơn trên bản đồ phát triển quốc gia. Khi không gian phát triển đã được khai mở, thể chế được hoàn thiện, nguồn nhân lực chất lượng cao đã sẵn sàng, nền tảng vật chất đã được chuẩn bị vững chắc, Hòa Bình đã sẵn sàng bước vào một giai đoạn phát triển mới, nhanh hơn và bền vững hơn.
(Còn nữa)
Dương Liễu