Các tác giả
đoạt giải A Giải Báo chí quốc gia lần thứ 12. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tham dự buổi lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí
thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc
Vượng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính
phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng lãnh đạo, nguyên
lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo
Việt Nam…
Số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất
105 tác phẩm xuất sắc đã được lựa chọn trao giải (trong đó có 8 giải A, 25 giải
B, 43 giải C và 29 giải Khuyến khích). Theo đánh giá của hội đồng giải thưởng,
đây là những tác phẩm đảm bảo đúng đắn về nội dung, có tính phát hiện, tính định
hướng tư tưởng, chính trị, tiêu biểu về mặt nghiệp vụ, nêu cao được tính cách mạng
và tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí.
Bên cạnh đó, những tác phẩm được vinh danh tại Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần
thứ 12 (năm 2017) đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, phản ánh kịp thời,
sinh động, đa dạng tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, những chủ
trương, quyết sách của Chính phủ.
Giải Báo chí
quốc gia lần thứ 12 thu hút số lượng bài dự thi lớn nhất từ trước tới nay. (Ảnh:
Minh Sơn/Vietnam+)
Tại Giải Báo chí quốc gia lần thứ 12, Liên chi hội nhà báo Thông tấn xã Việt
Nam đã giành tám thưởng (trong đó có một giải A, bốn giải B và ba giải C).
Tại lễ trao giải, nhà báo Thuận Hữu - Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội
Nhà báo Việt Nam khẳng định, Giải Báo chí quốc gia được tổ chức nghiêm túc, chất
lượng và ngày càng chuyên nghiệp
Đây là mùa giải có số lượng tác phẩm dự thi lớn nhất từ trước đến nay (với
1.846 tác phẩm, trong đó có 1.735 tác phẩm đủ điều kiện theo quy định). Giải
Báo chí quốc gia lần thứ 12 thu hút sự tham gia của 118 đơn vị cấp hội. Đặc biệt,
đây là lần đầu tiên 63/63 hội nhà báo tỉnh/thành phố trong cả nước đều có tác
phẩm tham dự giải thưởng, khẳng định sức hút của giải thưởng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, các tác phẩm dự
thi tương đối đồng đều về chất lượng, tuy không có tác phẩm yếu kém nhưng cũng
chưa có nhiều tác phẩm thật xuất sắc, nổi trội.
Các tác phẩm đều đáp ứng được các tiêu chí xét chọn: bám sát nhiệm vụ chính trị
của đất nước, ngành, địa phương năm 2017; phản ánh kịp thời, sinh động tình
hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước…
Nhiều tác phẩm đi sâu phân tích những vấn đề thời sự, giới thiệu những nhân tố
mới, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, những vấn đề kinh tế, văn
hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác khắc phục hậu
quả thiên tai, lũ lụt; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đấu
tranh với các thế lực thù địch, các hoạt động sai trái chống phá Đảng, Nhà nước;
vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; về nông nghiệp, nông dân,
nông thôn; về cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tác động tới các mặt của đời sống
xã hội…
Không ngừng lớn mạnh
Chúc mừng những tác giả đã được vinh danh tối 21/6, Phó Thủ tướng Thường trực
Chính phủTrương Hòa Bình cũng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của
đội ngũ người làm báo cả nước.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trong năm 2017, các cơ quan báo chí đã luôn
bám sát, phản ánh kịp thời sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng
cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Các cơ quan báo
chí cũng đã kịp thời cổ vũ nhân tố mới, gương người tốt việc tốt và phản ánh
trung thực, sinh động tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Đảng, Nhà nước
và người dân luôn trân trọng, đánh giá cao vai trò xung kích của báo chí, góp
phần tăng cường sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân và thực hiện
thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
"Trong suốt 93 năm qua, dưới sự lãnh đạo, dìu dắt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí
Minh, sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân, báo chí cả nước đã ngày càng lớn mạnh,
đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Báo chí đã thực sự
trở thành vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa,
là diễn đàn tin cậy của nhân dân, luôn đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động
nhân dân thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà
nước,” Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các đơn vị báo chí cần không ngừng sáng tạo,
đổi mới nội dung, phương thức thể hiện, cập nhật những thành tựu khoa học công
nghệ, để bắt kịp xu thế để chủ động hội nhập quốc tế và khu vực.
Trước đó, tại buổi gặp mặt với các lãnh đạo cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 93 năm
Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (diễn ra sáng 20/6 tại Hà Nội), Thủ tướng Chính
phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao đóng góp của đội ngũ người làm báo và các
cơ quan báo chí trong tuyên truyền đưa các đường lối của Đảng, chính sách của
nhà nước vào cuộc sống.
Trong thời gian qua, với sự lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, báo chí đã
đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Nhiều nhà báo đã dũng cảm dấn
thân khi đưa tin về những sự kiện nóng, thiên tai bão lũ, đi tiên phong trong
việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Gửi lời chúc đến hơn 36.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí, đồng thời
biểu dương nỗ lực của các cơ quan báo chí thời gian qua, Thủ tướng mong muốn,
trong thời gian tới, báo chí cần hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin và định dướng
dư luận xã hội, chủ động tuyên truyền nhiều hơn nữa về những tấm gương người tốt,
việc tốt để lan toả những giá trị tốt đẹp trong xã hội.
Thủ tướng lưu ý, báo chí khi góp ý, phản biện phải trên tinh thần xây dựng, tạo
đồng thuận xã hội, tránh thông tin giật gân, kích động; tích cực đấu tranh với
các thông tin sai trái, bôi nhọ, bịa đặt; đồng thời phản bác kịp thời các thông
tin xấu trên mạng xã hội gây mất đoàn kết trong Đảng và trong xã hội.
Chia sẻ với những khó khăn của báo chí trước áp lực cạnh tranh, Thủ tướng cũng
yêu cầu báo chí cần khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, đặc biệt là tình trạng
thương mại hoá, lợi ích nhóm, đưa tin giật gân câu khách thậm chí có cả những
nhà báo vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ
quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí quản lý tốt hơn người làm báo, xử lý
nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, không để tình
trạng "con sâu làm rầu nồi canh,” ảnh hưởng tới uy tín của báo chí cách mạng Việt
Nam./.
TheoVietnamplus