Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, trên địa bàn TP Hoà Bình có tổng số 38 điểm sạt lở, với khối lượng đất đá ước khoảng 15.000m3. Trong tổng số 70 nhà bị ảnh thuộc 10/14 xã, phường, có 11 nhà bị sập hoàn toàn, 59 nhà bị sập một phần và rạn nứt. Ngập úng và tràn đất đá trên 200 ha lúa và hoa màu, 110 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 39 tấn cá. Đã tiến hành di dời 79 hộ, 268 nhân khẩu . Đặc biệt, tại khu vực tổ 22 và tổ 26 phường Đồng Tiến có 9 nhà bị sập hoàn toàn, 10 nhà bị sập một phần, 9 nhà bị nứt và có nguy cơ sạt lở cao…Thực hiện phương châm "Bốn tại chỗ”, TP Hòa Bình đã huy động 1.350 lượt người, 15 xe, 1 thuyền tham gia nạo vét đất đá, khơi thông cống rãnh và hỗ trợ các hộ dân đến nơi ở mới an toàn. Trích kinh phí 62 triệu đồng thăm hỏi, động viên các hộ bị ảnh hưởng do thiên tai. Cùng các nội dung trên, TP Hòa Bình đề xuất kiến nghị với lãnh đạo tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí để mở rộng khu tái định cư Trung Minh, xây dựng khu tái định cư xã Thái Thịnh, hỗ trợ các hộ dân phải di dời đến khu tái định cư mới; bổ sung máy bơm tại trạm bơm Quỳnh Lâm.
Bí thư Tỉnh uỷ Bùi Văn Tỉnh chủ trì hội nghị.
Đối với khu vực phía đông đồi ông Tượng và tổ 4,5,6 phường Chăm Mát, tổ 4 phường Thái Bình, do ảnh hưởng của cơn bão số 10 năm 2017 và hoàn lưu cơ bão số 3 năm 2018, khu vực trụ sở các cơ quan tỉnh nằm bên sườn đồi phía đông đồi ông Tượng trên mái dốc đã xuất hiện 18 vết nứt có chiều rộng từ 2 đến 15 cm, dài từ 10 đến 90 m và hình thành cung sạt trượt kéo dài hơn 300m, rộng 200m, chiều sâu cung trượt dự kiến khoảng 30m, hình thành khối trượt ước tính khoảng 1,8 triệu mét khối đất đá và đã bị dịch chuyển xuống dưới với biên độ dịch chuyển từ 5 đến 80cm. Khối lượng trượt cũng làm nghiêng cột điện 110Kv và hệ thống tường chắn phía sau công trình Trụ sở Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh đang xây dựng bị biến dạng mạnh, nứt vỡ. Các công trình khác của các Ban xây dựng Đảng tỉnh, nhà làm việc của Tỉnh ủy, hội trường Tỉnh ủy cũng bị ảnh hưởng...Từ tháng 10/2017 đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với tổ chuyên gia, các sở, ban, ngành để xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt, trượt và đưa ra giải pháp khắc phục, xử lý. Dự án xử lý cấp bách khối lượng sạt trượt khu vực phía đông đồi ông Tượng và các tổ 4,5,6 phường Chăm Mát, tổ 4 phường Thái Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Các biện pháp thi công như đào bạt mái giảm tải; gia cố mái dốc; xử lý nước mặt, nước ngầm, khoan nhồi cọc đang được triển khai, giá trị khối lượng hoàn thành ước khoảng 30 tỷ đồng. Do vừa thiết kế, vừa thi công, thời tiết mưa nhiều, kinh phí cấp chưa kịp thời…đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Bùi Văn Tỉnh nhấn mạnh: đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, tài sản của Nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm và hết sức cấp bách. Theo đó, TP Hoà Bình tập trung đảm bảo về nhà ở, đất ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Kiểm tra xác định rõ nguy cơ sạt trượt trên địa bàn, nhất là khu vực tổ 25-26 phường Đồng Tiến và kịp thời cảnh báo để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Những hộ dân nhà ở đã bị sập hoàn toàn di chuyển ngay về khu tái định cư Trung Minh và các khu tái định cư khác trên địa bàn. Nghiên cứu thêm quỹ đất tại các dự án bất động sản, khu tái định cư Trung Minh ngoài diện tích 0,85 ha hiện có tiếp tục nghiên cứu xây dựng 17 ha và bố trí ngân sách để hoàn thiện khu tái định cư cầu Hoà Bình 3 để đảm bảo chủ động di dân tái định cư trước mắt và lâu dài. Tập trung xử lý bãi bồi khu vực hạ lưu bờ trái sông Đà, đến 15/8 phải hoàn thành việc di dời các điểm tập kết vật liệu xây dựng hai bên bờ sông Đà. Xử lý hoạt động khai thác các mỏ đất để vừa đảm bảo cảnh quan, môi trường vừa hướng tới xây dựng khu tái định cư trong tương lai. Lắp đặt thêm 2 máy bơm tại trạm bơm Quỳnh Lâm để đảm bảo tiêu úng cho khu vực bờ phải TP Hoà Bình.
Đối với khu vực đồi ông Tượng, nhiệm vụ hàng đầu là đảm bảo an toàn các công trình hiện có trong khu vực. Theo đó, ứng ngay vốn để thanh toán cho các phần việc đã hoàn thành. Trên tinh thần hiệu quả, an toàn, chống lãng phí, tập trung triển khai các biện pháp để giải quyết kịp thời tình trạng sạt trượt và và có biện pháp hữu hiệu để giải quyết đồng bộ việc thoát nước mặt, nước ngầm. Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền để cảnh báo và nâng cao nhận thức, ý thức người dân trong phòng chống thiên tai, nhất là các khu vực có nguy cơ và đang xảy ra sạt trượt. UBND tỉnh, Sở Tài chính đăng ký với Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính để lãnh đạo tỉnh làm việc với Thủ tướng Chính phủ xin ứng vốn để giải quyết ngay những tình huống cấp bách trong xây dựng các khu tái định cư, hỗ trợ chuyển dân và triển khai dự án xử lý cấp bách khối lượng sạt trượt khu vực phía đông đồi ông Tượng và các tổ 4,5,6 phường Chăm Mát, tổ 4 phường Thái Bình.
Đức Phượng