Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 1084 tỉnh kiểm tra và chỉ đạo công tác thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố tại huyện Mai Châu.
Xóm 13 hay 17 hộ cũng cơ bản đủ "ban bệ”
Tỉnh Hòa Bình có 2.059 xóm, tổ dân phố (297 tổ dân phố, 1.762 xóm). Thời điểm thực hiện chủ trương sáp nhập, tỉnh căn cứ theo Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ về "tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố”: Xóm thuộc vùng miền núi phải có từ 100 hộ trở lên; tổ dân phố phải có từ 150 hộ trở lên. Tuy nhiên, toàn tỉnh còn 253 tổ dân phố quy mô dưới 150 hộ (chiếm 85,19%); 1.164 xóm quy mô dưới 100 hộ (chiếm 66,06%). Đáng chú ý có những xóm dưới 20 hộ, đặc biệt xóm Thung Vòng, xã Do Nhân (Tân Lạc) chỉ có 13 hộ; xóm Công Tiến, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) có 17 hộ…
Các xóm, tổ dân phố chủ yếu được hình thành do lịch sử để lại, quy mô nhỏ, không đồng đều, chưa đảm bảo các tiêu chí phân loại. Trong khi đó, xóm quy mô quá nhỏ vẫn cơ bản có đủ "ban bệ” như các xóm quy mô lớn. Có nơi đến 50% gia đình có người làm cán bộ xóm, 2 anh em ruột thì người làm trưởng xóm, người làm phó xóm...
Xóm Công Tiến, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) chỉ có 17 hộ, 57 nhân khẩu, 100% đồng bào theo đạo Công giáo. Do ít người nên đảng viên, hội viên chi Hội CCB, chi Hội NCT, ĐV-TN phải sinh hoạt ghép với xóm Liên Tiến. Song, xóm vẫn có trưởng xóm, phó xóm, chi Hội Phụ nữ, chi Hội Nông dân, công an viên… và được hưởng phụ cấp. Quá ít hộ nên việc huy động nguồn lực để xây dựng nhà văn hóa, đường GTNT… khó khăn và chưa đảm bảo. Cả xã Ngọc Lương có 23 xóm, 21 chi bộ, 108 tổ chức đoàn thể, 94 cán bộ không chuyên trách. Kinh phí từ ngân sách chi trả cho những cán bộ này và hoạt động của các tổ chức đoàn thể là 1.267.480 đồng /năm.
Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lương Nguyễn Xuân Thủy đúc rút: Xóm quá nhỏ, quy hoạch sử dụng đất kém hiệu quả, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng KT -XH, xây dựng NTM… rất khó. Số lượng đảng viên, hội viên, đoàn viên mỗi xóm ít cũng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của chi bộ, chi hội, chi đoàn. Sáp nhập xóm thực sự phù hợp, cả bộ máy ở một nhóm dân cư nhỏ rất tốn kém.
Câu chuyện ở xã Ngọc Lương cũng là vấn đề đang diễn ra tại nhiều nơi trong tỉnh. Trung bình 1 xóm, tổ dân phố sử dụng 5, 0212 hệ số lương/tháng, mức lương cơ sở là 1, 3 triệu đồng, tương ứng 78, 33 triệu đồng/năm. Từ thực tế, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc sáp nhập xóm, tổ dân phố rất cần thiết nhằm sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, giảm chi phí hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động đội ngũ cán bộ cơ sở, huy động tập trung nguồn lực.
Mạnh dạn, quyết tâm làm điểm
Việc nhập xóm, tổ dân phố là cần thiết và được khuyến khích từ lâu nhưng bấy lâu nay rất ít địa phương trong cả nước thực hiện bởi vô vàn lý do được đưa ra như: lịch sử để lại, sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, địa hình, tâm lý ngại thay đổi… Tuy nhiên, trước yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã mạnh dạn, quyết tâm chủ trương thực hiện, trước hết ở quy mô nhỏ để rút kinh nghiệm. Ngày 16/5/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có kết luận tại Thông báo số 898-TB/VPTU về thực hiện thí điểm việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình. Ngày 27/6/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1084/QĐ-UBND, kèm theo Đề án sáp nhập. Đây là chủ trương lớn, phù hợp nhưng tác động lớn đến tổ chức, hoạt động, tâm lý cán bộ ở cơ sở và toàn thể nhân dân. Vì vậy, các bước thực hiện cần tuần tự, cẩn trọng.
Theo Đề án, mỗi huyện, thành phố chọn 2 đơn vị cấp xã làm điểm, toàn tỉnh có 22 xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở "chung tay” vào cuộc. UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ), ban hành các kế hoạch, thông báo, công văn, quyết định. BCĐ đã kiểm tra tại một số huyện; chỉ đạo các thành viên, sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, chuyên môn nắm tiến độ và giải quyết các vướng mắc, phát sinh tại cơ sở. Dù còn khó khăn nhưng tỉnh đã vận dụng để hỗ trợ tiền cho những người hoạt động không chuyên trách nghỉ sau sáp nhập nhằm động viên họ. BCĐ tỉnh thường xuyên giao ban với BCĐ các huyện, thành phố nắm tình hình triển khai và thống nhất thực hiện, giải quyết những khó khăn.
Huyện Lạc Thủy có 15 xã, thị trấn, 142 thôn, trong đó 55 thôn dưới 100 hộ. Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện đăng ký 2 xã Đồng Tâm và Yên Bồng làm điểm. Trong đó, xã Đồng Tâm từ 18 thôn, giảm còn 16 thôn; xã Yên Bồng từ 11 thôn, giảm còn 9 thôn. Đồng chí Dương Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo và quyết tâm tổ chức thực hiện đúng kế hoạch. Các xã đã tiến hành các bước: Thành lập BCĐ để triển khai thực hiện Đề án. Rà soát, xác định thôn thuộc diện sáp nhập và xây dựng đề án sáp nhập. Quán triệt, tuyên truyền, lấy ý kiến nhân dân. Kiện toàn tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, chức danh những người hoạt động không chuyên trách. Kiểm đếm tài sản, đất đai, trang thiết bị của các nhà văn hóa thôn cũ và bàn giao theo quy định...
Xã Xuân Phong là đơn vị được chọn làm điểm sáp nhập xóm của huyện Cao Phong. Toàn xã có 14 xóm, có xóm chỉ từ 35 - 40 hộ. Xóm ít nhất là Rú 2 với 35 hộ. Sau khi nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của cấp trên và các điều kiện, tiêu chí theo phương án sáp nhập của tỉnh, Đảng ủy, UBND xã đã thống nhất tổ chức sáp nhập ba xóm Rú 1, Rú 2, Rú 3 để thành lập xóm Rú Giữa với 145 hộ. Sau sáp nhập, từ 12 xóm, xã giảm còn 10 xóm, giảm gần 300 triệu đồng kinh phí chi trả hoạt động của xóm.
Trong quá trình triển khai làm điểm, toàn tỉnh có 20 đơn vị đủ điều kiện hồ sơ, trình tự, thủ tục theo quy định. Hai đơn vị chưa thực hiện là xã Giáp Đắt (Đà Bắc) do tập trung khắc phục hậu quả đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2017; xã Vạn Mai (Mai Châu) chưa đạt 50% cử tri tán thành. Những đơn vị tỷ lệ cử tri tán thành đạt 50% trở lên, UBND các xã, phường, thị trấn hoàn thiện Đề án trình HĐND cùng cấp tại kỳ họp bất thường thông qua và ban hành Nghị quyết. Sau đó, hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện, thành phố để trình UBND tỉnh theo quy định. Sở Nội vụ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ do UBND các huyện, thành phố chuyển đến đảm bảo trình tự, thủ tục, điều kiện và đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên, thành lập mới các xóm, tổ dân phố đảm bảo tiến độ, yêu cầu.
Đồng chí Nguyễn Viết Trọng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 66, ngày 8/12/2017 về nội dung này. Theo đó, ngày 5/1/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên và thành lập mới thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn. Cụ thể: Sáp nhập 82 thôn, xóm để thành lập, đặt tên 41 thôn, xóm; sáp nhập 39 tổ dân phố để thành lập, đặt tên 19 tổ dân phố; đổi tên 2 tổ dân phố và thành lập mới 1 xóm. Một số huyện, thành phố đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị làm điểm kiện toàn tổ chức Đảng, chính quyền, Ban công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể theo đúng quy định.
Những kết quả tích cực
Đề án "Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình” đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra vào tháng 1/2018. Xã Ngọc Lương (Yên Thủy) đã sáp nhập xóm Công Tiến với xóm Liên Tiến đặt tên là xóm Liên Tiến với số phiếu 97,1%; nhập xóm Hổ 3 với xóm Hổ 2 đặt tên là xóm Hổ 2. Sau sáp nhập, xã giảm được 2 xóm, giảm 4 người hoạt động không chuyên trách, giảm chi cho ngân sách trên 120 triệu đồng /năm. Bà Bùi Thị Hà, Trưởng xóm Liên Tiến mới cho biết: Sau sáp nhập, xóm có 178 hộ. Tôi kiêm nhiệm thêm thôn đội trưởng, được phụ cấp gần 2, 1 triệu đồng/tháng. Số hộ đông hơn, cán bộ vất vả hơn nhưng nhiều lợi ích chung nên phải cố gắng. Xóm Công Tiến cũ chưa có nhà văn hóa, còn nhà văn hóa của xóm Liên Tiến cũ đã xuống cấp, đến lúc phải xây mới. Hai xóm giờ là một, sức mạnh tăng lên, đóng góp giảm đi. Hiện nay, công việc của xóm đã ổn định, bên lương - bên giáo cùng đoàn kết xây dựng nông thôn mới.
Đối với huyện Tân Lạc, 2 xã làm điểm là Lũng Vân và Địch Giáo đã giảm được 10 xóm, vượt mục tiêu Đề án đề ra. Trong đó, sau sáp nhập, xã Địch Giáo giảm được khoảng 500 triệu đồng kinh phí chi trả cho cán bộ không chuyên trách. Cái lớn hơn là huy động tập trung được nguồn lực đầu tư hay việc triển khai các dự án không bị xé lẻ, manh mún; hình thành các vùng sản xuất quy mô hơn… Sau sáp nhập, toàn tỉnh giảm 60 xóm, tổ dân phố, hiện còn 1.999 xóm, tổ dân phố. Kinh phí giảm từ việc chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức đoàn thể khoảng 4, 7 tỷ đồng/năm. Một số xã, phường nhận thấy chủ trương đúng đã tiến hành sáp nhập luôn các xóm, tổ dân phố chưa đủ điều kiện.
Kết thúc quá trình làm điểm, UBND tỉnh đánh giá: Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có sự quyết tâm cao, nhất quán trong nhận thức về mục đích, tầm quan trọng, lợi ích của việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố. Các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo việc nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Công tác tuyên truyền được các cấp, ngành, địa phương triển khai đều khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở và các buổi sinh hoạt. Đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân có sự đồng thuận cao.
Việc thí điểm cho thấy, xóm được tổ chức theo hướng tinh gọn, đảm bảo hoạt động ổn định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cấp xã. Giảm chi cho ngân sách, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của những người hoạt động không chuyên trách. Huy động tập trung nguồn lực, đóng góp xây dựng cơ sở của cộng đồng dân cư.
(Còn nữa)