Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội trường.
Trước hết, tôi đồng tình với các báo cáo, tờ trình của Chính phủ về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước 2019. Các báo cáo, tờ trình số 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45 của Chính phủ cho thấy sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng của Chính phủ. Qua các năm qua, có một số khó khăn trong quản lý thu chi ngân sách nhà nước như lần đầu tiên thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, những khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, sự cố gắng cao, trực tiếp của ngành tài chính, công tác quản lý thu chi ngân sách nhà nước cơ bản đảm bảo được các cân đối lớn, các chỉ số tài chính tiền tệ vĩ mô được bảo đảm và độ tin cậy cao như các chỉ số về nợ công, chỉ số về lạm phát, dự trữ ngoại hối, chính sách lãi suất, điều hành tỷ giá ổn định đồng tiền Việt Nam cho thấy sự điều hành khá chắc chắn và có kinh nghiệm của Chính phủ.
Tôi góp ý vào đánh giá giữa kỳ thực hiện đầu tư công trung hạn. Khi lập kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, khi bố trí vốn ODA trong kế hoạch thì không tích hợp đầy đủ các dự án trong hiệp định đã ký kết dẫn đến giao kế hoạch vốn trung hạn ODA không đủ vốn cho các dự án trong hiệp định đã ký. Nhiều dự án trong hiệp định dự kiến hết hạn vào năm 2020 nhưng không đủ vốn trong kế hoạch trung hạn. Kế hoạch hàng năm không theo tiến độ dự án được ký kết dẫn đến nhiều dự án đạt tiến độ ký kết nhưng không có vốn để thực hiện kế hoạch giải ngân. Trong điều hành thì cơ quan cấp tỉnh, cấp bộ không được quyền cân đối điều chỉnh trong nội bộ nguồn vốn được giao, điều chỉnh từ dự án có giải ngân thấp sang, các dự án có giải ngân cao dẫn đến nhiều dự án có khối lượng nhưng không có vốn đê giải ngân.
Tôi đồng tình với kiến nghị của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép Chính phủ trong điều hành ngân sách được điều hòa, điều chỉnh lẫn nhau giữa nguồn vốn ODA và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đảm bảo cho thực hiện dự án, đồng thời, tổng mức vốn không vượt quá 2 triệu tỷ và đảm bảo chỉ tiêu nợ công và bội chi.
Về dự phòng trong kế hoạch đầu tư công. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã thực hiện được 3 năm, đến thời điểm để chúng ta thực hiện vốn dự phòng trong kế hoạch. Tôi đồng tình với những nguyên tắc, tiêu chí sử dụng vốn dự phòng trong việc giao vốn. Cụ thể, trong báo cáo 3 năm thực hiện chính sách cho người dân tộc thiểu số và miền núi đã được thảo luận 2 ngày trong tuần trước thì thấy nhiều nguồn vốn trong chính sách chưa bố trí đủ cho khu vực này. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm khi triển khai sử dụng nguồn vốn dự phòng để các chính sách, cơ chế cho dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện đầy đủ. Trong bố trí vốn cho các dự án tái định cư, các dự án thủy điện, tôi đề nghị Chính phủ xem xét, bố trí nguồn kinh phí từ lợi nhuận và khấu hao của các nhà máy thủy điện để bố trí cho các dự án này.
Về thực hiện vốn đầu tư công, tôi đồng tình với Báo cáo thẩm tra số 1272 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách đánh giá giữa kỳ đầu tư công trung hạn, giải ngân năm 2016 - 2017 đạt thấp, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ đạt rất thấp. Khả năng giải ngân vốn đầu tư phát triển trung ương khó đạt nếu không có sự quyết liệt và phối hợp tốt. Theo tôi, một phần chậm giải ngân là do sự chuẩn bị dự án để đưa vào kế hoạch chưa được tốt, hầu hết các dự án khi được phê duyệt chưa xác định rõ nguồn vốn, đến khi có nguồn vốn được giao thì dự án này lại phải xem xét lại để chuẩn bị được kỹ càng hơn.
Thứ hai, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn được thực hiện trong khuôn khổ pháp lý của các luật như Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Đất đai năm 2013 và nhiều luật khác. Về thủ tục hành chính, thực hiện rất phức tạp, mất nhiều thời gian làm thủ tục dẫn dến chậm triển khai dự án. Trong kỳ họp này, Quốc hội mới thảo luận về Luật Đầu tư công (sửa đổi). Khả năng kỳ sau mới được thông qua. Tôi đề nghị sớm sửa các luật khác để thúc đẩy thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công để nguồn vốn sớm phát huy được hiệu quả.
Về các dự án BT, đây là các dự án thực hiện hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư, doanh nghiệp để thực hiện công trình hạ tầng. Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản và kết cấu hạ tầng hoặc nguồn, quyền kinh doanh, khai thác công trình. Vướng mắc hiện nay của các dự án hợp đồng BT là đang dừng thanh toán từ quỹ đất, chờ khi có hướng dẫn mới. Đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo việc này để các nhà đầu tư đã xây dựng các công trình bỏ vốn ra được thanh toán bằng quỹ đất theo hợp đồng đã ký. Ngoài ra, khi có hướng dẫn thanh toán thì các dự án BT đang nghiên cứu hoặc đang thẩm định mới có căn cứ để triển khai các bước thủ tục trong quy trình phê duyệt dự án và lập hợp đồng dự án.
Trong dự thảo nghị quyết, tôi đồng tình với Quốc hội sẽ ra Nghị quyết về sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp để đảm bảo khoản thu này minh bạch, rõ ràng và có hiệu quả. Hiện nay, trong báo cáo mới chỉ nêu là nộp vào ngân sách nhà nước mà chưa rõ báo cáo hiệu quả sử dụng nguồn vốn này. Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.