Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 2/11, các đại biểu Quốc hội đã nghe các Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPPcùng các văn kiện liên quan. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan.

Cụ thể, ngày 8/3/2018 tại Santiago, Chile, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan cùng với Bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mehico, New Zealand, Peru, Singapore.

Sau khi ký Hiệp định, các nước sẽ tiến hành thủ tục pháp lý trong nước, bao gồm việc phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình để Hiệp định có hiệu lực.

Hiệp định CPTPP gồm 7 Điều và 1 Phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước ký ngày 06/2/2016 tại New Zealand, cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập Hiệp định CPTPP.

Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ (gồm 11 nghĩa vụ liên quan đến Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ, 7 nghĩa vụ liên quan đến 7 Chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng) để bảo đảm cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.

Về Hiệp định TPP, Hiệp định này gồm 30 Chương và 9 Phụ lục điều chỉnh rất nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ. đầu tư, vốn phổ biến trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA); đến các vấn đề ít truyền thống hơn như mua sắm của các cơ quan Chính phủ, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước và mở rộng ra cả các vấn đề được coi là phi truyền thống trong đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do như lao động, môi trường, chống tham nhũng, thương mại và đầu tư.

Mặc dù các nước thành viên CPTPP đã quyết định tạm hoãn áp dụng một số nhóm nghĩa vụ được coi là có mức độ cam kết cao nhưng về tổng thể, Hiệp định CPTPP vẫn được đánh giá là một Hiệp định thương mại tự do chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.

Tờ trình của Chủ tịch nước nêu rõ: Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị-an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.


Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa ta với các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược với ta. Bên cạnh những thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế-xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thế chế...

Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng... đòi hỏi Việt Nam cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ốn định về chính trị-xã hội của ta.


(Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)


Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày mà ít nhất 6 nước ký kết hoặc ít nhất 50% số nước ký kết của Hiệp định thông báo bằng văn bản với Cơ quan lưu chiểu (New Zealand) về việc đã hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết của nước đó. Các thỏa thuận song phương cũng sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định CPTPP.

Đối với các nước đã ký Hiệp định nhưng chưa phê chuẩn vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực với 6 nước đầu tiên đã hoàn tất việc phê chuẩn, Hiệp định sẽ có hiệu lực với nước đó sau 60 ngày kể từ ngày thông báo bằng văn bản cho Cơ quan lưu chiểu về việc đã hoàn thành các thủ tục nội bộ.

Đối với Việt Nam, Chính phủ đề xuất Hiệp định CPTPP và các văn kiện kèm theo được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Chính phủ không có kiến nghị bảo lưu bất kỳ nội dung nào của Hiệp định.

Để bảo đảm thực hiện Hiệp định, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan rà soát, hoàn thiện Danh mục các luật, pháp lệnh, nghị định cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mục tiêu để phù hợp với các cam kết trong CPTPP.

Kết quả rà soát đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung 12 văn bản, gồm 08 luật, 04 nghị định của Chính phủ; kiến nghị ban hành mới 7 văn bản, gồm 6 nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị gia nhập 3 điều ước quốc tế. Trong quá trình thực hiện Hiệp định, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, nếu phát sinh văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung sẽ có kiến nghị để sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, căn cứ quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chủ tịch nước trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa VIV; đề nghị Chính phủ báo cáo, thuyết minh trước Quốc hội về nội dung cụ thể và những vấn đề liên quan đến việc phê chuẩn Hiệp định.

Phê chuẩn Hiệp định CPTPP là phù hợp với các quy định pháp luật

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan.

Đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan đến Việt Nam, báo cáo thuyết minh của Chính phủ nêu rõ: Về chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại, các nước thành viên CPTPP đều khẳng định tôn trọng thể chế chính trị và an ninh quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Tham gia CPTPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định vai trò và vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. 

Về mặt kinh tế, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.

Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo.

Báo cáo thuyết minh cũng chỉ ra các thách thức về kinh tế; thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế; thách thức về xã hội; thách thức về thu ngân sách; thách thức trong lĩnh vực lao động; thách thức trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin của nước ta khi gia nhập Hiệp định CPTPP.

Chính phủ đề xuất Hiệp định và các văn kiện kèm theo được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vì một số lý do sau: Việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là phù hợp với các quy định pháp luật, chủ trương của Đảng, Nhà nước, các tuyên bố của Lãnh đạo cấp cao, do vậy sẽ làm tăng uy tín của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại với các nước, đặc biệt là các nước thành viên CPTPP. Bên cạnh đó, việc Việt Nam chủ động thúc đẩy phê chuẩn sớm sẽ tiếp tục gia tăng sự tin cậy, làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương của ta với Nhật Bản, tạo tiền đề quan trọng để ta thúc đẩy các FTA khác như FTA Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

Việc phê chuẩn sẽ giúp Việt Nam sớm hiện thực hóa các lợi ích chiến lược mà Hiệp định CPTPP mang lại, từ đó giúp Việt Nam tiếp tục thúc đẩy chính sách đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, khó đoán định.

Việc phê chuẩn là cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành các văn bản luật, pháp lệnh có liên quan để thực thi Hiệp định CPTPP. Đồng thời, cũng thể hiện tinh thần chủ động hội nhập quốc tế và cơ sở để Chính phủ xây dựng các chương trình hành động, đẩy mạnh triển khai công tác chuẩn bị với cạnh tranh từ bên ngoài khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. 

Để có cơ sở đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP đối với hệ thống pháp luật Việt Nam, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan rà soát các luật, pháp lệnh, nghị định hiện hành và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với các cam kết trong CPTPP.

Sau khi Quốc hội quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP, các nội dung sửa đổi các luật kèm theo lộ trình cụ thể sẽ được đưa vào Nghị quyết để Quốc hội thông qua. Trên cơ sở Nghị quyết này, Chính phủ sẽ giao các Bộ, ngành triển khai việc dự thảo luật và trình Quốc hội thông qua để đảm bảo việc thực hiện theo đúng quy định của Hiệp định.

Đồng thời, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan; thảo luận tại tổ về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan./.

                    TheoVietnamplus

Các tin khác


Tập huấn chữ ký số, hệ thống điều hành tác nghiệp trên giao diện web có tích hợp chữ ký số

(HBĐT) - Trong 2 ngày 31/10 – 1/11, Văn phòng tỉnh ủy đã tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng chữ ký số và chứng thực điện tử; giới thiệu hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp trên giao diện web có tích hợp chữ ký số cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin (CNTT), văn thư của các Sở, Ban, ngành, hội đoàn thể của tỉnh.

Hoạt động chất vấn của Đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV ngày 31/10/2018

(HBĐT) - Ngày 31/10/2018, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Kiểm tra tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2018 tại huyện Kim Bôi

(HBĐT) - Ngày 31/10, Đoàn kiểm tra số 2- Ban chỉ đạo CCHC tỉnh do đồng chí Hoàng Minh Tuấn, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ CCHC tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tình hình thực hiện công tác CCHC năm 2018 tại huyện Kim Bôi.

Quốc hội tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn

(HBĐT) - Sáng 31/10, dưới sự điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, QH tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Ngày cuối tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội

Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường về chất vấn và trả lời chất vấn.

Họp Quốc hội: Chất vấn các thành viên Chính phủ về nhiều vấn đề nóng

Thực hiện Chương trình làm việc, ngày 31/10, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường về chất vấn và trả lời chất vấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục