Rà soát kỹ, có nhiều phương án tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở
Đồng chí Mạc Thị Thảo, Trưởng phòng Nội vụ huyện Tân Lạc cho biết: Tiếp tục thực hiện Đề án 1084 trên địa bàn toàn huyện, BTV Huyện ủy, Ban chỉ đạo Đề án 1084 huyện, UBND huyện đã quyết liệt chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo, rà soát, xác định các xóm, khu thuộc diện phải sáp nhập. Sau đó xây dựng đề án, phương án sáp nhập đảm bảo đúng quy định của Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/ 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, huyện gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Việc sáp nhập, kiện toàn xóm có số hộ gia đình theo tiêu chí Thông tư số 09 của Bộ Nội vụ tăng lên gấp đôi so với Thông tư số 04, do vậy diện xóm, khu thực hiện sáp nhập cũng tăng lên. Bên cạnh đó, thời điểm huyện Tân Lạc triển khai giai đoạn 2 của Đề án 1084, các sở, ban, ngành của tỉnh chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Việc kiện toàn, lựa chọn, bố trí sắp xếp lại những người hoạt động không chuyên trách ở xóm có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sau khi thành lập xóm mới ở một số nơi còn gặp khó khăn. Việc bố trí quản lý, sử dụng có hiệu quả và giải quyết các vướng mắc, tồn tại về cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa để phù hợp với quy mô dân số tăng lên sau khi sáp nhập xóm mới…
Tổ công tác trao đổi thông tin, tham mưu đắc lực cho Ban chỉ đạo thực hiện nhập, đặt tên xóm trên địa bàn huyện Tân Lạc.
Anh Bùi Văn Thái, Trưởng xóm Bào 2, xã Thanh Hối cho biết: Khi chưa có chủ trương sáp nhập, xóm Bào 1 có 65 hộ, xóm Bào 2 có 80 hộ. Năm 2018, thực hiện chỉ đạo của cấp trên về sáp nhâp, kiện toàn xóm, tổ dân phố, 2 xóm sẽ sáp nhập đổi tên thành xóm Bào. Trong tháng 7, xóm đã tổ chức họp các hộ dân trên địa bàn để lấy ý kiến về phương án sáp nhập. Phần lớn người dân đồng tình với chủ trương của Nhà nước với số phiếu đã ghi trong biên bản đạt trên 70%. Trong thời gian tới, sau khi phương án được phê duyệt, bản thân tôi đã làm trưởng xóm đã được 11 năm, không biết có tiếp tục được làm trưởng xóm nữa hay không. Nhưng tâm tư chung của những người không làm nhiệm vụ đều mong muốn các cấp, ngành liên quan sớm giải quyết chính sách kịp thời, động viên họ sau khi sáp nhập. Đồng thời, đầu tư các công trình hạ tầng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng sau sáp nhập.
Để giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện, Huyện ủy, UBND huyện, Ban chỉ đạo 1084 huyện Tân Lạc đã chỉ đạo sát sao. Các cơ quan chuyên môn, ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch, sáng tạo, đổi mới cách làm để việc triển khai thực hiện đạt kết quả cao. Riêng tổ công tác gồm hơn 10 đồng chí là công chức, viên chức "nói được, làm được” thực hiện tốt nhiệm vụ trong đợt triển khai thực hiện điểm tiếp tục tham gia trực tiếp bám cơ sở, hướng dẫn các xã, thị trấn về phần nghiệp vụ. Đồng thời giúp các đồng chí lãnh đạo kịp thời nắm bắt thông tin, giải quyết các tình huống phát sinh (nếu có).
Đồng thuận cao trong quá trình thực hiện
Sau khi tiến hành thẩm định Đề án của các xã, thị trấn, UBND huyện Tân Lạc đã ban hành công văn chỉ đạo các xã, thị trấn nghiêm túc tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm tạo sự hưởng ứng, đồng thuận với Đề án, phương án sáp nhập đã xây dựng. Huyện cũng xây dựng và thực hiện lộ trình với thời gian cụ thể như tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình tại các xóm, khu sáp nhập xong trước ngày 15/4/2018; hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện xong trước ngày 10/5. Phòng Nội vụ huyện tổng hợp kết quả, hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND huyện, Ban chỉ đạo 1084 huyện trước ngày 5/5.
Tuy nhiên, đến hết tháng 4/2018, hồ sơ của huyện Tân Lạc đã hoàn thành trước kế hoạch đề ra. Theo đó, trong năm nay, toàn huyện có 21/22 xã, thị trấn thực hiện sáp nhập, kiện toàn xóm, khu (trừ Mỹ Hòa có quy mô số hộ của xóm không thuộc diện phải sáp nhập). Tổng số có 140 xóm, khu thực hiện sáp nhập và đặt tên thành 70 xóm (giảm 70 xóm, khu); có 2 xóm thực hiện đổi tên. Sau khi sáp nhập có tổng số 143 xóm, khu của 22 xã, thị trấn. 73 xóm, khu giữ nguyên không sáp nhập (trong đó có 29 xóm dưới 100 hộ, không có khu dưới 150 hộ). 14 xóm sau khi sáp nhập dưới 100 hộ.
Sau khi thực hiện sáp nhập, huyện Tân Lạc còn 43 xóm dưới 100 hộ, nguyên nhân là do các xóm cách nhau quá xa, địa hình chia cắt phức tạp bởi núi cao và suối sâu, giao thông đi lại khó khăn nên không thể thực hiện sáp nhập. Như vậy, trước khi thực hiện Đề án 1084, huyện Tân Lạc có tổng số 239 xóm, khu. Trong năm 2017 và 2018, huyện thực hiện sáp nhập 160 xóm, khu thành 80 xóm, khu, giảm 80 xóm so với ban đầu (giảm 33,5% số xóm, khu). Sau khi sáp nhập, toàn huyện có tổng số 159 xóm, khu. Trong quá trình triển khai, người dân tham gia lấy ý kiến và đồng tình ủng hộ đối với việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên xóm, khu trên địa bàn đạt tỷ lệ rất cao. 100% xóm, khu hoàn thành việc lấy ý kiến của cử tri ngay tại lần 1.
Hiện nay, Tân Lạc là huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thiện hồ sơ về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên và thành lập mới xóm đang chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong thời gian tới, ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh, huyện sẽ yêu cầu các xã, thị trấn khẩn trương chỉ đạo các xóm, khu kiện toàn các chi bộ, Ban quản lý, MTTQ và các đoàn thể, chức danh những người hoạt động không chuyên trách. Bố trí, sắp xếp quản lý sử dụng cơ sở vật chất các công trình phúc lợi công cộng và các lĩnh vực khác có liên quan. Kịp thời giải quyết chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc do bố trí sắp xếp lại theo quy định của tỉnh. Tuy vậy, huyện cũng kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng kịp thờiban hành các văn bản hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sáp nhập. Kịp thời cấp kinh phí cho các nội dung trong quá trình thực hiện Đề án.
Linh Trang