Xe tăng quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. (Ảnh:
Trần Mai Hưởng/TTXVN)
Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đội quân cách mạng ấy
đã lập nên nhiều chiến công vang dội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc,
bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả tại Lào và
Campuchia.
Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
(22/12/1944-22/12/2018), Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết
"Quân đội nhân dân Việt Nam - Những chiến công mang tầm vóc thời đại” của Đại
tá Trần Tiến Hoạt (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng).
Sự ra đời và những chiến công vang dội trong đấu tranh giải phóng dân tộc
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam (chính đảng của giai cấp vô sản) thành lập, lấy
chủ nghĩa Marx-Lenin làm nền tảng tư tưởng. Với đường lối cách mạng đúng đắn,
sáng tạo (giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội), Đảng đã tập
hợp, lãnh đạo nhân dân đứng lên kiên cường đấu tranh chống ách đô hộ của thực
dân Pháp giành lại nền độc lập, tự do.
Để chuẩn bị trực tiếp cho cuộc vận động cách mạng tháng Tám 1945, ngày
22/12/1944, theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải
phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập tại khu rừng
Trần Hưng Đạo (châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ
huy.
Vừa mới ra đời, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã giành thắng lợi
trong hai trận đánh đồn Phai Khắt (ngày 25/12/1944) và Nà Ngần (ngày 26/12/1944),
gây tiếng vang lớn, mở đầu cho những trang sử hào hùng của quân đội ta.
Tháng 5/1945, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân cùng các tổ
chức vũ trang cách mạng khác hợp nhất thành Việt Nam Giải phóng quân.
Tháng Tám năm 1945, thời cơ xuất hiện, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đội
quân cách mạng làm nòng cốt cùng đồng bào tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa "long
trời, lở đất” giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc, lập nên nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới
độc lập, tự do cho dân tộc.
Nhưng không lâu sau, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Chúng hy vọng đội
quân xâm lược nhà nghề được trang bị vũ khí hiện đại sẽ nhanh chóng tiêu diệt
quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, nhanh chóng kết thúc chiến
tranh, lập lại chế độ cai trị như cũ.
Trước vận mệnh đất nước lâm nguy, toàn thể quân dân Việt Nam cùng nhau đoàn kết
dưới ngọn cờ của Đảng và Chính phủ kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu,
nêu cao quyết tâm chiến đấu "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước,
nhất định không chịu làm nô lệ.”
Trong cuộc đối đầu đầy cam go thử thách này, Quân đội nhân dân đóng vai trò
nòng cốt, không ngừng phát triển, càng đánh càng mạnh, thể hiện nổi bật qua tổng
số 44 chiến dịch khác nhau.
Đặc biệt, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến dịch
Điện Biên Phủ (1954) "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã kết thúc thắng lợi
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Lần đầu tiên trong lịch sử đương đại, một quân đội cách mạng trang bị thô sơ đã
đánh bại hoàn toàn đội quân nhà nghề của một cường quốc thực dân, cổ vũ mạnh mẽ
phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.
Sau khi thực dân Pháp thất bại, đế quốc Mỹ liền nhảy vào xâm lược, âm mưu biến
miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự, rồi dùng miền Nam
làm bàn đạp để tiến công miền Bắc, ngăn chặn làn sóng cách mạng tại khu vực
Đông Nam Á.
Đặc biệt, từ năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh, quân một số nước đồng minh
cùng nhiều loại vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại sang trực tiếp
tham chiến tại miền Nam, đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không
quân, hải quân ra miền Bắc Việt Nam.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam kéo dài hơn hai thập
niên (1954-1975) là cuộc chiến tranh dài ngày ác liệt nhất, quy mô lớn nhất thời
đại.
Trong cuộc đụng đầu lịch sử này, Quân đội nhân dân tiếp tục phát huy vai trò
nòng cốt, nêu cao tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do,” cùng toàn Đảng,
toàn dân không quản hy sinh, gian khổ, liên tiếp tiến công địch, đặc biệt là
qua 46 chiến dịch khác nhau.
Ngày 10/10/1954, Đoàn quân Giải phóng tiến về giải phóng Thủ đô,
chấm dứt cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân
ta. (Ảnh tư liệu TTXVN)
Chiến dịch Hồ Chí Minh (Xuân 1975) kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước, mở ra kỷ nguyên mới cho cách mạng Việt Nam: Kỷ nguyên đất nước độc lập,
thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời tác động sâu sắc đến phong trào
đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả trên đất bạn Lào và Campuchia
Việt Nam, Lào, Campuchia là ba quốc gia cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, có
nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử-văn hóa.
Do đó, những kẻ thù ngoại bang, chủ nghĩa thực dân hay đế quốc luôn tìm cách
xâm lược cả ba nước (tuy thời điểm có thể khác nhau). Suốt quá trình lãnh đạo
cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm vun đắp
cho tình đoàn kết giữa nhân dân ba nước Đông Dương, coi đây là một trong những
nhân tố có vai trò quyết định đến thắng lợi sự nghiệp cách mạng mỗi nước, cả
trong thời chiến cũng như thời bình.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng,
Nhà nước Việt Nam đã cử nhiều đơn vị Quân tình nguyện sang giúp đỡ cách mạng
Lào, cách mạng Campuchia theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "giúp bạn là tự
giúp mình”, thắng lợi của nhân dân mỗi nước cũng là thắng lợi chung của nhân
dân Đông Dương.
Dù phải đối diện với muôn vàn khó khăn gian khổ (hoạt động tại những chiến trường
rừng núi xa xôi, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, kẻ thù tàn
bạo...), nhưng quân tình nguyện Việt Nam luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường
lối đối ngoại của Đảng, nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, quyết tâm
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Cán bộ, chiến sỹ Việt Nam coi đất nước và nhân dân bạn như đất nước và nhân dân
mình, hết lòng đoàn kết, tôn trọng, tận tình giúp đỡ, kề vai sát cánh cùng phía
bạn đánh địch trên khắp các chiến trường, các nẻo đường chiến dịch... lập nên
những chiến thắng giòn giã, như các chiến dịch: Thượng Lào, Hạ Lào (1954), Đông
Bắc Campuchia (1970), Đường 9-Nam Lào (1971), Đông Bắc Campuchia (1971)... góp
phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng Lào, cách mạng Campuchia.
Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ba nước Việt Nam,
Lào, Campuchia kết thúc thắng lợi. Nhưng ngay sau đó, tập đoàn phản động Pol
Pot - Iêng Xari - Khiêu Xamphon cầm quyền ở Campuchia, được các thế lực bên
ngoài giúp đỡ, đã phản bội cách mạng, thực hiện chính sách diệt chủng tàn sát
hàng triệu người dân Campuchia vô tội, công khai chống phá cách mạng Việt Nam.
Nghiêm trọng hơn, ngày 22/12/1978, tập đoàn Pol Pot huy động 19 trên tổng số 23
sư đoàn bộ binh cùng nhiều binh chủng khác phát động chiến tranh xâm lược biên
giới Tây Nam Việt Nam.
Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức phản
công tiêu diệt đại bộ phận quân Pol Pot, bảo vệ vững chắc biên giới.
Đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia
(thành lập ngày 2/12/1978), thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả mà Đảng, Nhà nước
giao, quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh (ngày
7/1/1979) lật đổ chế độ Pol Pot, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa
diệt chủng và thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước kéo dài trong suốt 10 năm
(1979-1989).
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào và Campuchia, quân tình nguyện
Việt Nam đã để lại hình ảnh tốt đẹp trong lòng nhân dân, được nhân dân bạn tin
yêu, đùm bọc giúp đỡ. Hàng chục vạn cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện đã hy
sinh, góp phần vun đắp cho quan hệ hữu nghị đặc biệt trong sáng, gắn bó của
nhân dân ba nước Đông Dương.
Nhìn lại chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân
Việt Nam hơn 70 năm qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về những
chiến công mang tầm vóc thời đại. Những chiến công ấy không phải ngẫu nhiên, mà
được bắt nguồn, hợp thành từ nhiều nhân tố: Truyền thống yêu nước và chủ nghĩa
anh hùng cách mạng; sự đùm bọc, chở che của nhân dân; sự ủng hộ, giúp đỡ của bè
bạn quốc tế... nhưng bao trùm hơn tất cả là từ sự lãnh đạo, giáo dục rèn luyện
của Đảng.
Do đó, giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với
Quân đội nhân dân Việt Nam cũng chính là bảo đảm Quân đội có đủ sức mạnh, đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới./.
Theo Vietnamplus