(HBĐT) - Những năm gần đây, công tác thi đua khen thưởng không ngừng được đổi mới, đi sâu vào chất lượng, phong trào thi đua yêu nước được triển khai rộng khắp, tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của của các cấp, ngành, hệ thống chính trị, cộng động doanh nghiệp, tạo động lực to tới để hoàn thành các mục tiêu KT-XH.
Trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện những tập thể, cá nhân điển trong phong trào thi đua lao động, sản xuất trên tất cả các lĩnh vực, góp phần phát triển KT-XH mạnh mẽ. Ông Trần Văn Minh, xóm Điếm Tổng, xã Liên Sơn (Lương Sơn) là một trong những điển hình trong phong trào thi đua lao động sản xuất - kinh doanh giỏi, cần cù, chịu khó, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương. Bắt đầu phát triển kinh tế từ năm 2004, đến nay, ông đã duy trì và sở hữu trang trại tổng hợp với khoảng 45 ha, trồng rừng, các loại cây màu, phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt ổn định từ 45 - 60 con, kết hợp với làm dịch vụ đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Ông Minh vinh dự là đại diện duy nhất của tỉnh được vinh danh là 1/63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2018.
Đồng chí Bùi Duy Phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - khen thưởng tỉnh khẳng định: Thời gian qua, công tác thi đua của tỉnh đã được triển khai rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và đông đảo quần chúng nhân dân.
Trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, các phong trào thi đua: tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khai thác tiềm năng, lợi thế, trồng rừng giá trị kinh tế cao, trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến, xây dựng sản phẩm đặc thù, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị... Theo đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp có chuyển biến mạnh mẽ. Các tiềm năng về đất đai, lao động đang được khai thác hiệu quả, đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa với nhiều sản phẩm chủ lực như: cam, bưởi, nhãn, cá sông Đà... đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Cả tỉnh đã có 13 xã cán đích NTM, đạt 216,67% kế hoạch, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 63 xã, chiếm 32,98% xã.
Bên cạnh đó, từ phong trào thi đua "Cộng đồng doanh nghiệp, HTX thi đua sản xuất giỏi, chung sức xây dựng NTM”, thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, thi đua giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, bảo đảm môi trường lao động hài hòa, các chỉ số tăng trưởng, giá trị sản xuất, nộp ngân sách Nhà nước đều tăng trưởng khá... Các phong trào thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác… được duy trì đã tạo chuyển biến trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục; xây dựng hệ thống chính trị; củng cố khối đại đoàn kết các dân; giữ ổn định tình hình chính trị, QP-AN và TTATXH…
Các cơ quan khối Nhà nước, chính quyền các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, thiết thực hỗ trợ các hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế. Kết cấu hạ tầng đô thị nông thôn được đầu tư, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình được đưa vào khai thác, nhiều tuyến giao thông trọng điểm như đường 435, đường kết nối với đường Hồ Chí Minh với QL 12B đi QL1 đang được đẩy nhanh tiến độ mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ khu vực. Nhiều dự án mới được triển khai, nhiều nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai dự án vào các lĩnh vực là tiềm năng thế mạnh của tỉnh như du lịch, công nghiệp, dịch vụ...
Các phong trào thi đua yêu nước đã tạo động lực thực hiện thắng lợi và toàn diện các chỉ tiêu KT-XH của tỉnh. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 8,36%, đứng thứ 2 khu vực Tây Bắc, thứ 4 khu vực Trung du miền núi phía Bắc, thứ 19 cả nước. Trong đó, ngành nông- lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,3%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,7%; dịch vụ tăng 5,73%. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển biến tích cực. Tỷ trọng ngành nông - lâm, thủy sản 22,12%; công nghiệp - xây dựng 47,36%; dịch vụ 30,52%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 50,7 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn 14,73%... Quý I năm 2019, KT-XH của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, một số ngành có kết quả khá, bằng và vượt so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 8,63%. Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,2%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,8%; dịch vụ tăng 7,5%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 838 tỷ đồng, bằng 27% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 22% so với Nghị quyết HĐND tỉnh. Tình hình chính trị QP-AN và TTATXH được đảm bảo.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua phát triển kinh tế, tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực, tái cơ cấu gắn với xây dựng NTM, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với sắp xếp, nâng cao hiệu quả bộ máy. Quan tâm đổi mới công tác thi đua, bám vào những việc khó, chú trọng phát hiện và nhân rộng tập thể, cá nhân, mô hình tiêu biểu, khen thưởng bảo đảm chính sách, kịp thời đúng người, đúng thành tích, hướng tới người lao động trực tiếp là nông dân, công nhân và người lao động. Thực hiện có hiệu quả chủ đề "Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đoàn kết, kỷ cương, liêm chính, hành động sáng tạo bứt phá, hiệu quả” thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2019.
Hương Lan