Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thủy Nguyên.
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Nội vụ; Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch – Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; cùng các đồng chí trong Đoàn kiểm tra, các đồng chí Ủy viên Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, các đồng chí là lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc Hội Nhà báo Việt Nam cùng các thành viên Tổ Biên tập Sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 102 của Bộ Chính trị, và đông đảo phóng viên báo chí tới dự và đưa tin.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, thay mặt Đoàn kiểm tra, đồng chí Trương Thị Mai cho biết luôn có sự tin tưởng cao đối với sự lãnh đạo của Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam trong các hoạt động của Hội; đồng thời đánh giá Hội Nhà báo Việt Nam là một hội có nhiều thành viên, hoạt động sôi động, tích cực gắn liền với quá trình phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm làm rõ để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, cũng như bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đoàn đối với Hội Nhà báo Việt Nam. Thông qua buổi làm việc, Đoàn kiểm tra muốn nghe báo cáo toàn diện về tình hình hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, cũng như các ý kiến đề xuất, kiến nghị của Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam về cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm khả năng thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Hội trong tình hình mới.
Tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Bí thư Đảng đoàn đã trình bày báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 102-KL/TW ngày 22-9-2014 (Kết luận) của Bộ Chính trị về hội quần chúng.
Nhìn chung, trong công tác chỉ đạo, điều hành 5 năm qua, Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam luôn bám sát Kết luận 102 của Bộ Chính trị về hội quần chúng và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước về công tác báo chí, về hoạt động Hội và Điều lệ Hội, để chủ động đề ra Chương trình công tác sát đúng, kịp thời, các cấp hội tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.
Các cấp hội tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động và sáng tạo, phát huy vai trò người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tạo bước chuyển tích cực trong hoạt động của tổ chức Hội. Nhờ đó, nhiều sự kiện trọng tâm và nổi bật đã được tổ chức thành công tốt đẹp, hoạt động Hội ở các cấp hội ngày càng đi vào chiều sâu, vai trò và uy tín của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng được tăng cường trong đời sống báo chí nói riêng và đời sống xã hội nói chung.
Bên cạnh những mặt được, hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế, cần sớm được khắc phục, như: nhiều nội dung hoạt động chưa đạt kết quả cao; trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, hội viên còn chưa cao trong thực hiện các phong trào do Trung ương Hội phát động; vẫn còn xảy ra hiện tượng vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo đến mức phải xử lý kỷ luật tại một số cấp hội và cơ quan báo chí; một số cơ quan, đơn vị chủ quản còn chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ các cấp hội trong hoạt động; hoạt động của cơ quan Trung ương Hội đôi lúc vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, mặt bằng chất lượng nhân sự không cao, sự phối hợp chưa chặt chẽ, ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả công tác.
Cũng tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn kiểm tra cũng trao đổi thêm để làm rõ một số vấn đề, cũng như nghe một số kiến nghị, đề xuất của Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam về cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm hoạt động của Hội trong thời gian tới đạt hiệu quả tích cực.
TheoNhanDan