Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến Quốc hội sẽ khai mạc vào 21/10 và bế mạc vào 20/11 và tại kỳ họp này xem xét, thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến tám dự án luật khác.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 35, sáng 16/7, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ 7, cho ý kiến bước đầu về việc
chuẩn bị Kỳ họp thứ 8
của Quốc hội.
Thu hút sự quan tâm của cử tri
Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 7, Tổng Thư ký
Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh kết quả Kỳ họp tiếp tục khẳng
định sự nhất trí, đoàn kết trong hoạt động của Quốc hội, đồng thời thể hiện sự
lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống
chính trị, sự quan tâm ủng hộ của cử tri và nhân dân.
Quốc hội đã xem xét, thông qua bảy luật, 10 nghị quyết, cho ý kiến
về chín dự án luật khác; phê chuẩn nhân sự, tiến hành giám sát chuyên đề, chất
vấn và trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà
nước và nhiều báo cáo quan trọng khác.
Đáng chú ý, nội dung Kỳ họp nhìn chung đã được chuẩn bị nghiêm
túc, công phu, bảo đảm chất lượng, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng.
Báo cáo về công tác chỉ đạo chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa
XIV, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Chính phủ
đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ các buổi thảo luận về kinh tế-xã
hội, các phiên trả lời chất vấn tại hội trường; chủ động trao đổi, phát biểu về
những vấn đề Quốc hội và cử tri quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành.
Tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 7 đã có 230 lượt đại biểu Quốc hội
tham gia chất vấn và tranh luận.
Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn giảm so với các kỳ họp trước,
nhưng số lượng đại biểu Quốc hội và câu hỏi chất vấn tăng lên. Hoạt động chất vấn
và trả lời chất vấn tại kỳ họp này được cử tri và nhân dân quan tâm đánh giá
cao, cho thấy các nhóm vấn đề được lựa chọn là xác đáng, bám sát thực tiễn đời
sống kinh tế-xã hội.
Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân
chủ, sôi nổi, thu hút sự quan tâm của cử tri...
Bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức Kỳ họp thứ 7 vẫn còn một số
hạn chế cần tiếp tục được rút kinh nghiệm. Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh
Phúc, chất lượng chuẩn bị một số nội dung còn hạn chế.
Hồ sơ, tài liệu của một số dự án luật, nghị quyết gửi đến đại biểu
Quốc hội quá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia ý kiến và quyết định của đại
biểu Quốc hội. Việc tổng kết, đánh giá tác động trong một số dự án luật chưa được
quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vẫn còn một số
ý kiến chất vấn mang tính bình luận, giải thích, trùng lắp. Có đại biểu nêu chất
vấn còn dài, chưa rõ ý, chất vấn quá thời gian quy định.
Một số nội dung trả lời chất vấn còn chung chung, chưa đúng trọng
tâm. Đặc biệt, một số kiến nghị của của cử tri chưa được Chính phủ, các bộ,
ngành trả lời rõ ràng, chưa xác định thời gian giải quyết cụ thể, nhất là các vấn
đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá,
Kỳ họp thứ 7 có nhiều cải tiến về mặt thời gian. Các đại biểu thảo luận sôi nổi,
nhất là các đại biểu nữ, đại biểu trẻ, thể hiện trách nhiệm của đại biểu. Tuy
nhiên, số lượng đại biểu vắng mặt quá đông, chưa nghiêm túc đối với các phiếu
thăm dò ý kiến.
"Có vấn đề rất lớn nhưng khi lấy ý kiến thì phiếu thu về quá ít. Gần
500 đại biểu mà thu về có hơn 300 phiếu là không ổn, vì ý kiến tham khảo rất
quan trọng, quyết định đến điều chỉnh trong quá trình diễn ra kỳ họp,” ông Nguyễn
Văn Giàu nêu rõ.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga
cho rằng các đại biểu Quốc hội vắng mặt quá nhiều. Theo báo cáo của Tổng Thư ký
Quốc hội, có những đoàn vắng đến 13 đại biểu.
Ngoài ra, chất lượng thảo luận tại một số tổ chưa tốt, nhiều tổ
nghỉ sớm. Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị không nên ghép quá nhiều nội dung vào một
buổi thảo luận tổ dẫn đến thảo luận không sâu, không nêu được hết vấn đề.
Cải tiến việc xin ý kiến bằng hệ thống điện tử
Liên quan đến việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Tổng
Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày
21/10 và bế mạc vào ngày 20/11. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật và
cho ý kiến tám dự án luật khác.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan sớm
khẳng định việc trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 về các nội dung gồm Phê
chuẩn các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu
tư Việt Nam-EU (EVIPA); sửa đổi, bổ sung các luật để thực hiện Hiệp định EVFTA
và EVIPA; thông qua các nghị quyết về xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt
chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn khả
năng sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; thí điểm
không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội để thực hiện từ năm
2021-2026 và một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hà Nội.
Tổng Thư ký cũng đề nghị nghiên cứu giảm hoặc bỏ thảo luận ở tổ do
hiệu quả chưa cao. Trước mắt, đối với nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà
nước, đề nghị không bố trí thảo luận ở tổ và tăng thời gian thảo luận ở hội trường
(từ 2,5 lên 3 ngày), đồng thời giảm thời gian phát biểu của đại biểu từ 7 phút
xuống còn 5 phút.
Tổng Thư ký Quốc hội kiến nghị giảm tối đa tài liệu bằng văn bản
giấy, đồng thời nâng cấp để tăng tiện ích của phần mềm cung cấp, thông tin tài
liệu kỳ họp trên thiết bị di động, bảo đảm tiến độ chuẩn bị và gửi tài liệu để
thuận tiện cho việc nghiên cứu, sử dụng tài liệu điện tử.
Bên cạnh đó, cải tiến việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống
điện tử theo hướng trên màn hình điện tử thể hiện đồng thời cả "phương án 1” và
"phương án 2” để đại biểu bấm nút chọn một trong hai phương án (thay vì bấm nút
chọn "đồng ý” hoặc "không đồng ý” đối với từng phương án).
Theo chương trình, trong phiên làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.
TheoVietnamplus