Khu di tích lịch sử Chiến khu Mường Khói, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) là nơi lưu trữ nhiều tư liệu về những ngày tiền khởi nghĩa ở Hòa Bình. Ảnh: Đ.H
Để tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản vào Hòa Bình là cả một chặng đường lịch sử và người đầu tiên có công mang ánh sáng cách mạng của Đảng đến với tỉnh Hòa Bình là đồng chí Đào Gia Lựu, một cán bộ Đông dương Cộng sản Đảng ở Nam Định những năm 1929 - 1930. Và một điều đặc biệt là ngoài những thầy giáo người xuôi lên dạy học ở Hòa Bình thì những người đầu tiên được đồng chí Đào Gia Lựu tìm cách gây ảnh hưởng là những lang đạo có tinh thần dân tộc.
Trong cuốn Hồi ký cách mạng Hòa Bình do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình phát hành năm 2005, đồng chí Đào Gia Lựu viết: "Vào tháng 8 năm 1929, tôi đi Hòa Bình. Trước khi tôi đi, Ban Chấp hành Tỉnh bộ Nam Định có trao đổi với tôi: Muốn hoạt động cách mạng ở Hòa Bình trước hết phải vận động, thuyết phục một số nhà lang mới có điều kiện đi vào quần chúng được… Chúng tôi còn bàn đến một số nhà lang có thể vận động được ở Hòa Bình, một số anh em biết Quách Vị (tuần phủ Hòa Bình), Quách Điêu là những nhà lang có tinh thần dân tộc ít nhiều. Phan Bội Châu cũng đã về Hòa Bình liên lạc với họ. Quách Điêu là một trong hai người nhận chết thay Phan Bội Châu. Họ có quan hệ ủng hộ Việt Nam quốc dân Đảng Nguyễn Thái Học”.
Nhận định rằng, nhà lang đồng lòng ghét Tây, đồng chí Đào Gia Lựu đã chủ động tuyên truyền Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản, phân tích đường lối hạn chế của quốc dân Đảng, từ đó lôi kéo họ theo cộng sản, chỉ cần họ có cảm tình là ta có thể đi vào quần chúng được. Vì vậy, ngay khi đến Hòa Bình, đồng chí Đào Gia Lựu đã tạo thiện cảm với nhà lang Quách Vị. Một nhà lang nữa mà đồng chí Đào Gia Lựu chú ý vận động là Quách Điêu, được nhà lang giúp đỡ, đồng chí đã vận động được một số người thuộc tầng lớp khá giả có hiểu biết. Ngoài một số nhà lang, đồng chí cũng tuyên truyền cho các ông giáo dạy ở Vụ Bản và một số người khác. Tuy chưa hình thành được tổ chức, nhưng những người được tuyên truyền vận động đã bày tỏ tình cảm rõ rệt với cách mạng. Ánh sáng của chủ nghĩa cộng sản cũng đã đến được với họ ở chừng mực nhất định. Nhớ lại những năm tháng tuyên truyền, vận động ở Hòa Bình, trong hồi ký của mình, đồng chí Đào Gia Lựu chia sẻ: "Tôi có ấn tượng sâu sắc về dân tộc Mường, họ không chỉ yêu nước mà còn yêu cái chữ nữa”.
Cuối năm 1929, đồng chí Đào Gia Lựu bị bắt nhưng ngọn lửa của chủ nghĩa cộng sản do đồng chí nhen nhóm không bị dập tắt mà tiếp tục bùng cháy bởi những người con yêu nước ở Hòa Bình, trong đó có nhiều quan lang hết lòng ủng hộ cách mạng. Ngay sau khi thoát khỏi nhà tù Nghĩa Lộ đầu năm 1945, đồng chí Đào Gia Lựu đã đến ở nhờ nhà ông Đinh Công Huy, một lang đạo có danh vọng lớn trong tộc người Mường. Từ đây, đồng chí cùng với nhiều anh em có tinh thần yêu nước tiếp tục tuyên truyền cách mạng, đi sâu và mở rộng tuyên truyền cả vùng Vĩnh Đồng, Kim Bôi, Hạ Bì, Nật Sơn… phát triển phong trào, đến khi thời cơ đến thì tổ chức cướp chính quyền về tay nhân dân.
Ông Lê Văn Bàng, Hội viên Hội khoa học lịch sử Việt Nam, là một người đã có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử Hòa Bình khẳng định: Có thể nói, sự kiện đồng chí Đào Gia Lựu đến hoạt động ở vùng Mường Lạc Sơn là một dấu mốc quan trọng đánh dấu tư tưởng cách mạng đến đến với Hòa Bình. Với vị trí là một thầy giáo, được các lang ở đây gọi là quan giáo, đồng chí Đào Gia Lựu không chỉ mang cái chữ đến với Hòa Bình mà còn thắp lên lòng yêu nước, tinh thần dân tộc trong các tầng lớp nhân dân ở Hòa Bình mà đồng chí đã tiếp cận. Dù sau này đồng chí bị bắt nhưng những tư tưởng cách mạng vẫn âm thầm bền bỉ cháy, hun đúc lên ý chí khat khao giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức bóc lột.
P.L