(HBĐT) - Lương Sơn là huyện cửa ngõ, vùng động lực kinh tế của tỉnh. Bởi vậy, trong lộ trình phát triển KT-XH, công tác giảm nghèo bền vững luôn được ưu tiên thực hiện.
Hộ nông dân xã Liên Sơn (Lương Sơn) mở rộng diện tích rau hữu cơ, tạo thu nhập ổn định.
Đồng chí Nguyễn Phương Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 80, ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020, Huyện ủy, UBND huyện đã cụ thể hóa, đưa mục tiêu giảm nghèo vào chương trình thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp. Theo đó, phấn đấu phát triển KT-XH giai đoạn 2016- 2020 ở mức cao hơn, tạo nhiều việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập, giảm hộ nghèo, cải thiện đời sống Nhân dân.
Để đạt được kết quả, huyện đặc biệt chú trọng tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, ngành, các tầng lớp Nhân dân. Tuyên truyền, vận động, động viên để Nhân dân, hội viên, đoàn viên, hộ nghèo, hộ cận nghèo hiểu về chủ trương giảm nghèo bền vững nhằm thay đổi, chuyển biến về nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của hộ nghèo. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách, nhất là thủ tục vay vốn giảm nghèo, hỗ trợ việc làm, lao động xuất khẩu. Tuyên truyền kinh nghiệm làm ăn, kiến thức KHKT về sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển ngành tiểu - thủ công nghiệp. Vận động, động viên Nhân dân phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân, tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng, dòng họ nhằm giúp nhau khắc phục khó khăn, giảm nghèo gắn với phong trào thi đua "Huyện Lương Sơn chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thực hiện chính sách tín dụng cho hộ nghèo, giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng CSXH đã cho 9.394 lượt khách hàng vay 260.562 triệu đồng (trong đó, cho vay hộ mới thoát nghèo 879 hộ, tổng số tiền 39.751 triệu đồng; cho vay hộ cận nghèo 933 hộ, tổng số tiền 40.100 triệu đồng; cho vay hộ nghèo 1.267 hộ, tổng số tiền 51.832 triệu đồng, còn lại là các đối tượng khác). Nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH đã góp phần giúp hộ nghèo, hộ chính sách được tiếp cận với kênh tín dụng ưu đãi của Chính phủ, giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, ổn định, nâng cao đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Bên cạnh đó, huyện cũng đặc biệt quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động. Từ năm 2016-2019 đã thẩm định, giải ngân 310 dự án Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, giải quyết việc làm mới cho 10.583 lao động. Đào tạo dạy nghề cho 9.308 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 55% (năm 2016) lên 63% (năm 2019).
Nhằm tạo lực đẩy cho phát triển kinh tế, việc hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế được quan tâm sâu sát. Từ năm 2016-2019, huyện đã hỗ trợ 4.349 triệu đồng (từ nguồn hỗ trợ sản xuất) cho 694 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng bò giống lai Sind sinh sản, lợn giống và gia cầm. Năm 2018, huyện đã nhân rộng mô hình giảm nghèo tại xóm Cáp, xã Hợp Thanh (cũ) với mô hình chăn nuôi bò lai Sind sinh sản, 16 con bò giống cho 16 hộ nghèo. Tổng số tiền thực hiện mô hình 283,68 triệu đồng, trong đó, 240 triệu đồng ngân sách T.Ư, 43,68 triệu đồng nguồn Nhân dân đóng góp. Năm 2019, thực hiện nhân rộng mô hình giảm nghèo nghèo tại thôn Yên Lịch, xã Long Sơn (cũ), 14 con bò giống cho 17 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo. Tổng số tiền thực hiện mô hình 368,26 triệu đồng, trong đó, 304 triệu đồng ngân sách T.Ư, 64,26 triệu đồng nguồn Nhân dân đóng góp.
Huy động các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,73% (năm 2016) còn 2,92% (năm 2020), tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 4,26% (năm 2016) còn 2,8% (năm 2020). Kết quả đó là nền tảng để huyện Lương Sơn vững bước trên con đường xây dựng huyện nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.