Tại phiên làm việc, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Tiếp đó, đồng chí Hoàng Thanh Tùng, UVTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sug một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 8, các phiên họp 42 và 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội trình Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý 8 nội dung tại 10 điều, tập trung vào các nội dung về tiêu chuẩn một quốc tịch đối với ĐBQH; việc quyết định số lượng và phê chuẩn ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH và bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH; việc tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách...
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, các đại biểu cho rằng, so với dự thảo trình trong Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật có nhiều điểm mới phù hợp chủ trương đổi mới của Đảng, phù hợp với hiến pháp tuy nhiên phạm vi điều chỉnh ở mức hẹp, cần tiệp tục điều chỉnh. Trong đó, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy định đại biểu chuyên trách của Quốc hội; quy định chức năng nhiệm vụ, hoạt động của Đoàn ĐBQH; chế độ phụ cấp cho các đại biểu, đoàn ĐBQH; hoạt động các Ban của Quốc hội; việc chuyển Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu thành cơ quan của Quốc hội; việc sáp nhập văn phòng ĐBQH, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố.
Các ý kiến thảo luận tại Quốc hội đã được cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra báo cáo giải trình làm rõ.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã tổng hợp lại các ý kiến thảo luận, giao cơ quan soạn thảo tiếp tục tổng hợp, điều chỉnh trước khi trình Quốc hội thông qua. |