Đồng chí Thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Ðảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QÐND) Việt Nam, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta! Trọn vẹn cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy tâm huyết, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình trước Ðảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân; luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, phẩm chất nhân cách "Bộ đội Cụ Hồ", hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Những đóng góp to lớn của đồng chí trong sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị đã được Ðảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao; thể hiện rõ tầm tư tưởng, tư duy chính trị, quân sự sắc bén, luôn mang tính thời sự, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.



Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gặp lại đồng đội cũ ngày 8-10-2010. Ảnh: TTXVN.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa, trên mảnh đất địa linh, nhân kiệt, cái nôi của người Việt cổ, với nền văn hóa Ðông Sơn rực rỡ, được hun đúc bởi truyền thống quật cường của quê hương và dân tộc, sớm giác ngộ cách mạng. Mới 15 tuổi, đồng chí đã tham gia phong trào Việt Minh, 18 tuổi được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Việt Nam rồi sau đó tham gia Quân đội. Từ một người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu, trở thành người chỉ huy, lãnh đạo dày dạn trận mạc, tham gia nhiều chiến dịch, đi qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Cam-pu-chia; kinh qua nhiều chức vụ, ở tất cả các cương vị từ cấp phân đội đến cấp trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn, mặt trận, quân khu tới khi đảm nhiệm chức vụ Bí thư T.Ư Ðảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí thật sự là người cán bộ mẫu mực, văn - võ song toàn, có nhiều kinh nghiệm tổ chức lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu và tổ chức tiến hành có hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị (CTÐ, CTCT) trong Quân đội.

Trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam (từ tháng 9-1991 đến tháng 12-1997), Bí thư T.Ư Ðảng (6-1992), Ủy viên Bộ Chính trị (1-1994) và Ủy viên Thường vụ Ðảng ủy Quân sự T.Ư (nay là Quân ủy T.Ư), đồng chí đã cùng tập thể Ðảng ủy Quân sự T.Ư, Bộ Quốc phòng, Lãnh đạo Tổng cục Chính trị đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng Ðảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Ðảng, Nhà nước hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả CTÐ, CTCT, xây dựng QÐND vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng đối với Quân đội.

Dấu ấn nổi bật của đồng chí Lê Khả Phiêu khi đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là gắn liền với một giai đoạn lịch sử đặc biệt: Ðất nước bước vào thời kỳ đổi mới với vô vàn khó khăn, thách thức; chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) theo mô hình xô viết ở Liên Xô và Ðông Âu sụp đổ; chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch triệt để lợi dụng cơ hội này đẩy mạnh chống phá và ra sức cô lập các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó có Việt Nam, bằng âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, "phi chính trị hóa" quân đội. Ðiều đó tác động trực tiếp đến công tác tư tưởng - văn hóa, trước hết là gây nghi ngờ, sự hoang mang, dao động; khủng hoảng niềm tin ở một bộ phận cán bộ, chiến sĩ về học thuyết khoa học, cách mạng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và mục tiêu, lý tưởng của Ðảng đứng trước sự phê phán gay gắt, bị tiến công từ nhiều phía. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động đã triệt để lợi dụng tình thế "hiểm nghèo" ấy phê phán cay độc sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH của Ðảng và Nhân dân ta. Cùng với đó, chúng ra sức phủ nhận nguyên tắc Ðảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội… Mặt trận tư tưởng - văn hóa trở thành tuyến đầu, nơi nóng bỏng, xung yếu nhất. Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động và những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường của thời mở cửa, từng phút, từng giờ tác động vào Quân đội, đồng chí đã suy nghĩ rất nhiều. Với tư duy sắc sảo, tầm nhìn chiến lược và sự trải nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí luôn bình tĩnh cùng với lãnh đạo Tổng cục Chính trị tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà thường xuyên trực tiếp là Ðảng ủy Quân sự T.Ư, đồng chí Bí thư và Phó Bí thư Ðảng ủy Quân sự T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng những chủ trương, giải pháp đột phá, kịp thời, hiệu quả về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng tư tưởng bộ đội, củng cố, tăng cường vai trò lãnh đạo của các tổ chức Ðảng, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, đảng viên; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, "phi chính trị hóa" quân đội; tiếp tục xây dựng QÐND Việt Nam vững mạnh về chính trị. Ðồng chí coi đó là nhân tố quyết định giữ vững bản chất cách mạng, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ"; bảo toàn thành quả cách mạng; chống "chệch hướng xã hội chủ nghĩa"; là biện pháp hữu hiệu để đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Vì vậy, tình hình chính trị, tư tưởng trong toàn quân giữ vững sự ổn định. Toàn quân kiên định vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Ðảng, vào thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới. Ðiều đó đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; đưa nước ta, Quân đội ta vượt qua cơn địa chấn chính trị dữ dội của sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình xô viết ở Liên Xô và Ðông Âu vào những năm 90 của thế kỷ trước; vững bước trên con đường đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ðồng chí Lê Khả Phiêu đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong Ðảng bộ Quân đội. Ðồng chí cho rằng, muốn xây dựng Ðảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, trước hết phải quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác Hồ lấy chính trị làm "gốc" trong xây dựng Quân đội về chính trị, coi CTÐ, CTCT là "linh hồn, mạch sống" của Quân đội ta. Cấp ủy đảng và người chỉ huy các cấp phải thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng Ðảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; củng cố vững chắc sự lãnh đạo của Ðảng đối với Quân đội; chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị, làm cho Quân đội luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu mà Ðảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Trong điều kiện mới, phải tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc cho Quân đội; nắm vững chiến lược đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, tập trung "xây dựng, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt là đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự trung thành, tin cậy, có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ và hoạt động thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có quan hệ mật thiết với quần chúng. Xem nhẹ một khâu nào trong các vấn đề cơ bản nói trên đều ảnh hưởng không tốt đến xây dựng và nâng cao chất lượng chính trị, đến bản chất cách mạng của Quân đội và tất yếu sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Quân đội"(1).

Với tinh thần và quyết tâm sắt đá gian khó không thể chuyển lay, thử thách không bao giờ lùi bước, đồng chí và các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Chính trị đã có nhiều biện pháp chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan chính trị toàn quân nghiêm túc triển khai; có nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy viên và cán bộ chủ trì. Các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng được chấp hành nghiêm. Nguyên tắc Ðảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội được giữ vững, tăng cường bằng các quy định, quy chế, quy trình cụ thể... nhằm bảo đảm sự lãnh đạo vững chắc của Ðảng trong mọi lĩnh vực hoạt động của Quân đội. Công tác kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên được tăng cường, góp phần giữ vững nguyên tắc và đoàn kết thống nhất trong Ðảng bộ Quân đội. Các tổ chức đảng đã chú trọng bồi dưỡng và phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên; coi trọng bồi dưỡng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, ý thức đấu tranh tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tác phong quan liêu, xa rời quần chúng, gắn chặt với tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện... Nhờ đó, trận địa tư tưởng của Ðảng trong Quân đội được giữ vững và ngày càng được củng cố vững chắc, góp phần quan trọng vào việc giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước trong giai đoạn đầu thực hiện công cuộc đổi mới...

Tập trung đổi mới và dồn hết tâm huyết cho công tác xây dựng Ðảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, đồng chí cũng để lại những dấu ấn trong chỉ đạo tiến hành công tác chính trị, tư tưởng - văn hóa trong Quân đội. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn cải tổ, cải cách và đổi mới trong những năm 90 của thế kỷ XX, đặt ra sự cần thiết phải nghiên cứu đổi mới toàn diện, đồng bộ, vững chắc để đưa đất nước tiếp tục ổn định, vững bước trên con đường đổi mới và phát triển theo con đường XHCN. Ðiều đó đòi hỏi công tác giáo dục chính trị, tư tưởng - văn hóa trong Quân đội phải mang tinh thần mới: kiên định lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Ðảng. Vì vậy, đồng chí cùng với Lãnh đạo Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo mở rộng và bổ sung nhiều nội dung mới về khoa học xã hội và nhân văn; kiện toàn lại các bộ môn Lịch sử dân tộc Việt Nam, Lịch sử văn hóa Việt Nam, Ðạo đức học, Tâm lý học, Pháp luật, Tôn giáo học, Dân tộc học, Mỹ học học, Văn hóa học, Văn học và nghệ thuật... Ðồng thời, tổ chức, kiện toàn các khoa, bộ môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Ðảng Cộng sản Việt Nam; Công tác Ðảng, Công tác chính trị; Thành lập Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự (1998). Qua đó, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01-NQ/TW ngày 28-3-1992 của Bộ Chính trị về một số vấn đề lý luận trong tình hình mới.

Ðồng chí rất quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, đặc biệt chú trọng giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ những vấn đề mới về chủ trương, đường lối, quan điểm của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Ðảng ủy Quân sự Trung ương, mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; trong đó lấy giáo dục nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, chức trách, nhiệm vụ của từng đơn vị, từng đối tượng cán bộ, chiến sĩ là một nội dung lớn trong sinh hoạt chính trị, được tổ chức thống nhất, có kế hoạch hợp lý và quản lý chặt chẽ. Nhân những ngày kỷ niệm trọng đại của dân tộc, của đất nước, của Ðảng và của Quân đội, dưới sự chỉ đạo của đồng chí, Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo triển khai nhiều đợt giáo dục sâu rộng trong toàn quân về lịch sử, truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng, truyền thống của Quân đội. Những hoạt động phong phú đó đã đem lại kết quả to lớn và ý nghĩa sâu sắc: Góp phần củng cố, bồi dưỡng, phát huy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của cán bộ, chiến sĩ QÐND Việt Nam, làm đẹp thêm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ", góp phần đẩy lùi các khuynh hướng tư tưởng thù địch, những quan điểm, nhận thức mơ hồ, lệch lạc, sai trái, muốn phủ nhận quá khứ, phủ định thành quả cách mạng của Nhân dân ta.

Là người lãnh đạo luôn cầu thị lắng nghe và tôn trọng tập thể, đồng chí đặc biệt đề cao nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; coi việc giữ vững nguyên tắc Ðảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội là nhân tố quyết định bản chất cách mạng của quân đội cách mạng, là "dây cương vững chắc" để quân đội ta làm tròn trọng trách: Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Thông qua các quy định, quy chế, quy trình cụ thể, cơ chế lãnh đạo của Ðảng đối với Quân đội được cụ thể hóa trên các lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, quân sự, quốc phòng, kinh tế, an ninh và đối ngoại... Công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên được tăng cường, chất lượng tự phê bình và phê bình được nâng cao, hoạt động có nền nếp; nhờ đó đã góp phần giữ vững các nguyên tắc sinh hoạt Ðảng và củng cố mối quan hệ đoàn kết thống nhất trong Ðảng bộ Quân đội. Ðó là cơ sở vững chắc để chống thoái hóa về phẩm chất chính trị, lối sống thực dụng, tác phong quan liêu, xa rời quần chúng; âm mưu, thủ đoạn "phi chính trị hóa" quân đội... Ðây cũng chính là một cơ sở quan trọng để đồng chí đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư khóa VIII ra Nghị quyết T.Ư 6 (lần hai), ngày 2-2-1999 và trực tiếp chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này với quyết tâm chính trị rất cao để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Ðảng khi đồng chí đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam…

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Ðảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí đã rút ra ba vấn đề cơ bản: Một là, phải thường xuyên quan tâm chăm lo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kết hợp với xây dựng tổ chức, nhất là nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chức cơ sở đảng. Hai là, phải kết hợp chặt chẽ công tác phát triển Ðảng gắn chặt với giáo dục, rèn luyện và quản lý đảng viên. Ba là, phải kết hợp chặt chẽ giữa công tác xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên. Ðây là những bài học kinh nghiệm quý báu vẫn còn nguyên giá trị, cần vận dụng vào công tác xây dựng Ðảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh tiêu biểu hiện nay.

Ðồng chí Lê Khả Phiêu là người thẳng thắn, rất công tâm, khách quan, nói rõ sự thật, chỉ rõ những mặt hạn chế, yếu kém của CTÐ, CTCT, nhất là công tác tư tưởng - văn hóa trong Quân đội. Trong nhiều hội nghị cán bộ toàn quân, đồng chí đã nghiêm túc chỉ ra hạn chế, khuyết điểm của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa trong Quân đội so với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đổi mới đất nước, của cuộc đấu tranh chính trị - tư tưởng, chống suy thoái chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng. Qua đó, chỉ ra nhiều vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới đất nước chưa được làm rõ, cần phải tiếp tục đào sâu nghiên cứu, tìm lời giải đáp. Ðó là: Vấn đề lý luận của đổi mới, thời kỳ quá độ và con đường đi lên CNXH; lý luận về CTÐ, CTCT và xây dựng Quân đội về chính trị từ thời chiến chuyển sang thời bình; lý luận về đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, chống "phi chính trị hóa" quân đội; lý luận về chống tham nhũng, chống phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội và những vấn đề xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận chiến tranh nhân dân trong điều kiện lịch sử mới, v.v... Ðồng chí coi đó là những "điểm nghẽn" trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, dẫn đến những băn khoăn, vướng mắc và lúng túng trong tư tưởng, nhận thức của bộ đội và nhân dân. Ðó cũng là nguyên nhân làm cho một số cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác, không nhận thức đầy đủ tính chất gay go, quyết liệt và phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trong bối cảnh mới. Vì vậy, đồng chí đã chỉ đạo toàn quân phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, khắc phục mọi biểu hiện thờ ơ về chính trị, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng của Ðảng, dẫn đến nguy cơ chệch hướng chính trị và nó có thể dẫn đến nguy cơ "tự diễn biến" trong nội bộ.

Kế thừa và phát huy kết quả, kinh nghiệm của các đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tiền nhiệm, đồng chí đã vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm hay, cách làm tốt vào hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo Tổng cục Chính trị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu chiến lược giúp Ban Chấp hành T.Ư Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư - trực tiếp, thường xuyên là Quân ủy T.Ư, đồng chí Bí thư và Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoạch định chủ trương, đường lối, biện pháp chỉ đạo tiến hành CTÐ, CTCT; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng đối với Quân đội. Ðồng chí tiêu biểu cho một thế hệ cán bộ rất năng động, sáng tạo trong suy nghĩ và hành động, nhất quán giữa lời nói và việc làm, lý luận gắn chặt với thực tiễn; rất dân chủ, chân tình, cởi mở, luôn chú ý lắng nghe ý kiến của quần chúng nhưng cũng rất độc lập suy nghĩ và quyết đoán để đưa ra những kết luận chính xác, định hướng chính trị đúng đắn, chỉ đạo mọi việc đều thấu tình đạt lý để đưa phong trào cách mạng tiến lên.

Cả cuộc đời của đồng chí Lê Khả Phiêu là tấm gương sáng ngời về chí khí cách mạng kiên cường, tận trung với Ðảng, trọn hiếu với dân; trọn vẹn tấm lòng thủy chung son sắt với sự nghiệp cách mạng; sống, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Ðảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Ðồng chí Lê Khả Phiêu đã đi vào thế giới vĩnh hằng, nhưng tình cảm, niềm tin, lẽ sống và phẩm chất cao đẹp mà Ðồng chí để lại cho cán bộ, chiến sĩ QÐND Việt Nam và Nhân dân ta vẫn còn nguyên giá trị, vẹn nghĩa vẹn tình, thấm đượm ý nghĩa nhân sinh: Vì Tổ quốc phụng sự, vì nhân dân phục vụ. Bằng việc làm cụ thể là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Nghị quyết số 513-NQ/ÐUQSTW của Ðảng ủy Quân sự T.Ư (nay là Quân ủy T.Ư) về "Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Ðảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QÐND Việt Nam"; Ðảng bộ Quân đội và cán bộ, chiến sĩ toàn quân đang ra sức phát huy vai trò, vị trí, hiệu lực, hiệu quả của CTÐ, CTCT trong xây dựng QÐND Việt Nam vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; kiên quyết, kiên trì đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình", "phi chính trị hóa" quân đội và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Ðó cũng là việc làm thiết thực để tiếp nối cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, "xây" đi đôi với "chống" mà Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, cũng như Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 855-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy T.Ư về Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới đã chỉ ra. Ðây cũng là điều mong muốn, sự kỳ vọng của đồng chí Lê Khả Phiêu khi còn sống đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta.

Tiếc thương vô hạn đồng chí Thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Ðảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ QÐND Việt Nam nguyện ra sức phấn đấu xây dựng QÐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Ðảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho, mãi mãi xứng đáng là "Bộ đội Cụ Hồ" - Bộ đội của Nhân dân.

Ðại tướng LƯƠNG CƯỜNG 

Bí thư T.Ư Ðảng, Ủy viênThường vụ Quân ủy T.Ư, 

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam 


TheoNhanDan



Các tin khác


Đại hội Liên minh Hợp tác xã tỉnh lần thứ VI thành công tốt đẹp

(HBĐT) - Trong 2 ngày 10 - 11/8, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức Đại hội Liên minh HTX lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự đại hội, về phía tỉnh ta có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Về phía Liên minh HTX Việt Nam có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam. Tham dự có các đồng chí lãnh đạo HĐND, UB MTTQ tỉnh và 206 đại biểu.

Phường Thống Nhất chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng

(HBĐT) - "Phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) được hình thành trên cơ sở sáp nhập một số tổ dân phố của phường Chăm Mát và toàn bộ diện tích, dân số của xã Thống Nhất cũ. Nhiều năm qua, cấp ủy phường đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết của T.Ư về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, qua đó xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức, lãnh đạo tốt các nhiệm vụ phát triển KT-XH" - Phó Bí thư TT Đảng ủy phường Thống Nhất Triệu Sinh Mừng cho biết.

Hòa Bình cần phát huy, khai thác các thế mạnh của tỉnh

(HBĐT) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đăng Ninh thăm và làm việc với Đảng ủy xã Cuối Hạ

(HBĐT) - Sáng 10/8, đoàn công tác của Tỉnh ủy do đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc với Đảng ủy xã Cuối Hạ (Kim Bôi) về kết quả thực hiện nhiệm vụ 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020. Tham gia đoàn có lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Văn phòng Tỉnh uỷ và MTTQ tỉnh.

Tuổi trẻ thành phố Hòa Bình: Sôi nổi hoạt động chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp

(HBĐT) - Những ngày này, cùng với tuổi trẻ khắp nơi trong tỉnh, tuổi trẻ TP Hòa Bình sôi nổi các hoạt động, có nhiều công trình, phần việc ý nghĩa chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, hướng tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Mỗi công trình là sự chung tay, nhiệt huyết của tuổi trẻ, khẳng định vai trò xung kích, tinh thần "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Qua đó tạo sức lan tỏa, không khí thi đua phấn khởi trong cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN).

Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10-8): Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Cách đây 59 năm (ngày 10-8-1961), quân đội Mỹ lần đầu tiên rải chất độc hóa học (CĐHH) xuống miền nam nước ta. Trong 10 năm (từ 1961 đến 1971), quân đội Mỹ đã phun rải xuống miền nam Việt Nam hơn 80 triệu lít CĐHH, 61% trong số đó là chất độc da cam (CĐDC), chứa 366 kg đi-ô-xin xuống diện tích hơn 3,06 triệu héc-ta. Trong lịch sử nhân loại, đây là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, thời gian dài nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất đối với môi trường và sức khỏe con người. CĐDC làm hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn ba triệu người là nạn nhân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục