(HBĐT) - Từng công tác tại Bộ Tài chính nên khi đến thăm nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam được đặt tại đồn điền Chi Nê, nay thuộc xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy), bà Nguyễn Thị Hải, tổ 3, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) cảm thấy thật xúc động. Bà tâm sự, đây là "địa chỉ đỏ” mà những người công tác trong ngành Tài chính như bà luôn tâm niệm nhất định phải ít nhất một lần đặt chân đến.



Hướng dẫn viên khu di tích Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) giới thiệu các hiện vật, tư liệu trưng bày.

Bước vào khuôn viên khu di tích, ấn tượng nổi bật là công trình nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê. Hai năm trước, công trình được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019). Với quy mô gồm 1 nhà tưởng niệm, 2 nhà bia, nhà phụ trợ, cổng vào nhà tưởng niệm và cổng vào khu di tích, công trình tạo điểm nhấn cho quần thể khu di tích lịch sử cách mạng nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam.

Hướng dẫn viên Trần Thị Thanh Tâm giới thiệu: Tháng 3/1946, trước nguy cơ bị lộ việc in tiền tại nhà in Tô-panh Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Bộ Tài chính quyết định sơ tán nhà máy in tiền của cách mạng lên đồn điền Chi Nê (nay thuộc xã Phú Nghĩa). Tại đây, những "tờ bạc tài chính Cụ Hồ" đầu tiên đã ra đời, mang theo sứ mệnh lịch sử vô cùng quan trọng, góp phần đấu tranh tiền tệ với địch để bảo vệ nền độc lập dân tộc, trở thành vũ khí đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp ra khỏi nước ta, góp phần quyết định vào việc cung cấp nhu cầu vật chất, lưu thông hàng hoá trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc.

Ngược dòng lịch sử trở lại đầu những năm 1940, khu đồn điền Chi Nê rộng lớn được tỉ phú người Pháp Enet Bô-ren bán lại cho gia đình nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện. Sẵn sàng giúp đỡ cách mạng Việt Nam, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời, ông Đỗ Đình Thiện đã mua lại toàn bộ nhà in Tô-panh, 1 trong 2 nhà in lớn và hiện đại nhất lúc đó nằm ở khu Cửa Nam (Hà Nội) của chủ người Pháp để hiến tặng cho cách mạng. Đến tháng 3/1946, trước nguy cơ bị lộ việc in tiền tại nhà in Tô-panh, nhận thấy đồn điền Chi Nê có vị trí chiến lược, có thể di chuyển xuyên tuyến đường 21 vào Thanh Hóa hoặc ngược lên Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Bộ Tài chính quyết định sơ tán nhà in lên đồn điền Chi Nê. Trong buổi sơ khai của chính quyền cách mạng, nhà máy in tiền tuy còn hết sức đơn giản, cách thức in tiền cũng rất thô sơ nhưng đã đặt nền móng xây dựng ngành Tài chính nước nhà…

Theo giới thiệu của hướng dẫn viên Trần Thị Thanh Tâm, trong thời kỳ hoạt động cách mạng, đồn điền Chi Nê là nơi dừng chân của nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước ta. Đặc biệt, vào ngày 21/2/1947, khi đến thăm nhà máy in tiền, Bác Hồ đã căn dặn: "Đây là máy in của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng vào công cuộc kháng chiến cứu quốc. Cán bộ và công nhân trong nhà máy phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, phải hết sức chú ý bảo quản và tiết kiệm tiền bạc của Nhân dân...”. Sau khi đi thăm một số nơi trong nhà máy, Bác nói chuyện với đông đảo cán bộ, công nhân và tự vệ nhà máy. Buổi nói chuyện của Bác mọi người đều phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến kiến quốc…

Với ý nghĩa lịch sử to lớn và đặc biệt, khu di tích Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia. Nhà máy in tiền cũng được trao kỷ lục Guinness Việt Nam là nhà máy in tiền đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Hiện, nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật, tranh ảnh, tư liệu quý liên quan đến ngành Tài chính, là "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ, thu hút du khách tìm về.


Khánh An


Các tin khác


Huyện Kim Bôi gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 25/4, huyện Kim Bôi tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thành ủy Hòa Bình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết xây dựng văn hóa con người Việt Nam

Sáng 25/4, Thành ủy Hòa Bình tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; 15 năm thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU, ngày 13/4/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khoá X về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Đức Hinh thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên tại huyện Kim Bôi

Sáng 25/4, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn công tác đã thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi.

Huyện Lạc Thủy: Gắn lý luận với thực tiễn trong phát triển kinh tế - xã hội

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về "Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” trên địa bàn huyện Lạc Thủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã vận dụng có hiệu quả lý luận vào thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực: xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” tại Hòa Bình

Sáng 24/4, tại Tượng đài Bác Hồ trên công trình Thủy điện Hòa Bình, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng Hội LHTN tỉnh Hòa Bình tổ chức Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi” nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; Nguyễn Kim Quy, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam; lãnh đạo các ban, văn phòng, đơn vị trực thuộc T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh: Hòa Bình, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam...

Báo Lạng Sơn kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản số đầu tiên

Ngày 24/4, Báo Lạng Sơn tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản số đầu tiên (1/5/1964 - 1/5/2024). Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; các cơ quan thông tấn, báo chí T.Ư và 17 Báo Đảng địa phương...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục