Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, sáng 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch

Trình bày Báo cáo tóm tắt Kế hoạch chi tiết và các đề cương báo cáo giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Phó Trưởng đoàn  Đoàn Thường trực Đoàn giám sát, cho biết, mục đích của hoạt động giám sát chuyên đề là đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan.

Nội dung giám sát là việc ban hành chính sách và văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan; việc triển khai công tác quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, các bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; việc rà soát, ban hành danh mục quy hoạch tích hợp vào các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011-2020 khi quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.

Đoàn cũng giám sát việc rà soát các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 59 của Luật Quy hoạch và ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thay thế các quy hoạch nói trên; việc triển khai lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo pháp luật có liên quan; việc xây dựng, vận hành và khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

Thời gian tiến hành giám sát dự kiến bắt đầu từ cuối tháng 9/2021, ban hành Kế hoạch chi tiết và các Đề cương báo cáo. Dự kiến, kết quả sẽ được thu về vào cuối tháng 11 hoặc cuối tháng 12/ 2021 (tùy từng chủ thể giám sát), sau đó các ý kiến sẽ được tập hợp, tổng hợp. Đoàn giám sát sẽ hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và phim minh họa, dự thảo Nghị quyết, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2022. Trong tháng 5 và tháng 6/2022 Đoàn sẽ trình lên Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát, phim minh họa và dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 3.

Qua thảo luận, các đại biểu dự phiên họp cơ bản tán thành với báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Dự thảo kế hoạch giám sát được đánh giá là chuẩn bị công phu, bám sát yêu cầu trong Nghị quyết số 19/2021/QH15, cũng như yêu cầu về nội dung, lộ trình thực hiện. Một số đại biểu đã đóng góp thêm một số ý kiến cụ thể đi vào nội dung của từng dự thảo kế hoạch và đề cương.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát trình bày các văn bản liên quan. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Giám sát chặt chẽ giai đoạn chuyển tiếp luật

Phát biểu tại phiên họp, nhấn mạnh hoạt động giám sát thực hiện Luật Quy hoạch là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cả bốn cuộc giám sát trong năm 2022 - trong đó có 2 chuyên đề giám sát tối cao, đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa để đảm bảo chất lượng cho hoạt động giám sát.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong nhiệm kỳ này, giám sát được coi là một khâu trung tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Do đó, muốn nâng cao chất lượng giám sát, cần phải đầu tư công sức, trí tuệ, có tổ chức, cách làm phù hợp, khoa học, hiệu quả, đồng thời phải làm đến nơi, đến chốn.

Yêu cầu hoạt động giám sát phải gắn được với trách nhiệm giải trình của cá nhân, tổ chức, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các Đoàn giám sát phải đưa ra được những kiến nghị hình thức xử lý thích đáng đối với các tổ chức, cá nhân về vấn đề được xác định sai phạm hay các vấn đề chậm trễ, cản trở công tác thi hành pháp luật.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ cho đợt giám sát lần này, trong đó có giám sát thực hiện Luật Quy hoạch công phu, Chủ tịch Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đã chỉ ra một số nguyên nhân hạn chế, tồn tại của việc thực hiện Luật Quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc giám sát thực hiện pháp luật bao gồm cả việc ban hành luật, các văn bản hướng dẫn luật và việc thực thi pháp luật, thực hiện quy hoạch ở các bộ, ngành, địa phương; giám sát các nội dung khác liên quan đến xây dựng, phê duyệt, quản lý quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu đối với Đoàn giám sát là chú trọng giám sát việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch hiện có trong giai đoạn giao thoa pháp luật cũ và mới về quy hoạch, khi Luật Quy hoạch mới ban hành và thực hiện Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Trong giai đoạn này, có nhiều trường hợp tùy tiện điều chỉnh quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch không đúng.

Lưu ý việc tổ chức thực thi các văn bản pháp luật hướng dẫn đối với Luật Quy hoạch hiện nay rất chậm, tác động nhiều đến phát triển, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cuộc giám sát lần này cần đánh giá cho được lý do vì sao chậm, cũng như giám sát chất lượng công tác xây dựng, phê duyệt quy hoạch. 


Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung báo cáo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Đoàn giám sát cần tính toán thời gian thực hiện giám sát hợp lý, phù hợp và tránh chồng chéo với các hội nghị, sự kiện lớn của Trung ương và của địa phương, bộ, ngành. Đoàn giám sát cần rà soát kỹ và xác định kế hoạch, đề cương báo cáo chi tiết cho các chủ thể, đối tượng giám sát phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nhất là khối địa phương. 


Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Tuyên bố chung Việt Nam – Cuba

Từ 18 - 20/9, nhận lời mời của Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hoà Cuba. Nhân dịp này, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam – Cuba.

Xã Hưng Thi: Khéo làm, khéo vận động tạo đồng thuận trong Nhân dân

(HBĐT) - Nhiều năm qua, cấp uỷ, chính quyền xã Hưng Thi (Lạc Thuỷ) chú trọng thực hiện tốt công tác "dân vận khéo” (DVK) lấy nòng cốt là các tổ dân vận cơ sở, cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng. Với nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền cùng sự đồng thuận cao của Nhân dân đã giúp Hưng Thi trở thành xã cuối cùng của huyện cán đích nông thôn mới (NTM).

Huyện Lạc Thủy: Xây dựng được 92 mô hình “Dân vận khéo”

(HBĐT) - Tính đến nay, toàn huyện Lạc Thuỷ đã xây dựng được 92 mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực, cụ thể: lĩnh vực kinh tế 19 mô hình; lĩnh vực văn hoá - xã hội 39 mô hình; lĩnh vực QP-AN 14 mô hình; lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị 20 mô hình. Trong đó, từ đầu năm đến nay xây dựng mới 3 mô hình: "Phụ nữ với văn hoá đọc” của Hội LHPN xã Khoan Dụ; "Hòm tiết kiệm ủng hộ người nghèo" của Ban CHQS huyện và "Trồng cây sim lấy quả" của UBND xã Yên Bồng.

Đảng bộ huyện Lạc Thuỷ: Lãnh đạo xây dựng thành công huyện nông thôn mới

(HBĐT) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, BCH Đảng bộ huyện Lạc Thuỷ đã tập trung lãnh đạo, tranh thủ sự chỉ đạo của cấp trên cùng với nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, đến hết năm 2020, huyện thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020 tại Quyết định số 1401/QĐ-TTg, ngày 13/8/2021.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh triển khai công tác 3 tháng cuối năm 2021

(HBĐT) - Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh vừa tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá công tác quý III, triển khai công tác quý IV từ điểm cầu Viện KSND tỉnh đến 10 điểm cầu tại Viện KSND các huyện, thành phố.

Ban Dân tộc (HĐND tỉnh): Giám sát thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư các xã vùng đặc biệt khó khăn tại huyện Lạc Sơn

(HBĐT) - Ngày 20/9, đoàn giám sát của Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) do đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) làm trưởng đoàn đã giám sát tình hình thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã vùng đặc biệt khó khăn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 tại huyện Lạc Sơn. Tham dự có đồng chí Võ Ngọc Kiên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục