Chiều 26/11, theo giờ địa phương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Sĩ.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Sĩ. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu với hơn 100 doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư vào Việt Nam, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực doanh nghiệp Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam ưu tiên, chú trọng các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Tại Diễn đàn, Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin nhận định, tiềm năng hợp tác hai nước còn rất lớn và cần những khuôn khổ hợp tác mới để thúc đẩy doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, việc sớm ký thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu là điều kiện tuyệt vời để khai thác tiềm năng trong hợp tác kinh tế song phương.

"Các doanh nghiệp của Thụy Sĩ có cam kết lâu dài ở Việt Nam. Mức độ quan tâm cũng như cam kết của các doanh nghiệp Thụy Sĩ và đại diện của khu vực tư nhân có mặt hôm nay cho thấy Việt Nam là một ưu tiên của Thụy Sĩ trong hợp tác phát triển kinh tế. Cuộc khủng hoảng Covid-19 cho thấy cần phải có một khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương bền chặt. Chúng ta đã ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần và một thỏa thuận về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng cho phép doanh nghiệp hai nước làm ăn kinh doanh cũng như tăng cường quan hệ giữa hai nền kinh tế”, Tổng thống nhấn mạnh.

Tán thành với Tổng thống Thụy Sĩ về các nội dung nêu ra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau khi hai nhà lãnh đạo hội đàm vào sáng 26/11 thì ngay buổi chiều, Bộ trưởng Công thương Việt Nam đã làm việc với Quốc vụ khanh của Thụy Sĩ để thúc đẩy tinh thần mà Tổng thống Thụy Sĩ và Chủ tịch nước Việt Nam đã nêu, đó là sớm kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) trên tinh thần nhìn tổng thể các mối quan hệ và đặc biệt là có sự linh hoạt vận dụng để hai bên cùng có lợi, hai bên cùng thắng.  

Chủ tịch nước cũng chia sẻ với nhà đầu tư Thụy Sĩ về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Việt Nam, đó là Việt Nam chuyển từ chỉ đơn thuần thu hút vốn FDI sang hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, với người lao động, bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, có sự chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án: thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam...

Cho rằng hai nền kinh tế Việt Nam và Thụy Sĩ mang tính bổ trợ cho nhau hơn là cạnh tranh về hàng hóa dịch vụ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gợi mở một số định hướng hợp tác trong quan hệ hai nước thời gian tới, cũng là mở ra cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai nước. Đó là: đẩy mạnh trao đổi truyền thông sâu rộng về chính sách đầu tư của mỗi nước tới các doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...; cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sĩ thúc đẩy đàm phán, sớm ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA); các cơ quan hữu quan hai nước cần khuyến khích các dòng chảy thương mại, đầu tư trong bối cảnh mới; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp tìm hiểu thị trường cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh.

Đề cập một nền kinh tế của Việt Nam quy mô 100 triệu dân, kim ngạch thương mại hai chiều có thể đạt 600 tỷ USD mà kim ngạch hai nước chỉ 1 tỷ USD và đầu tư 2 tỷ USD rất thấp so với tiềm năng; Chủ tịch nước mong muốn các doanh nghiệp Thụy Sĩ ủng hộ để Chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam được cung ứng vaccine Covid-19 thông qua cơ chế Covax, thiết bị y tế, chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị.

Chủ tịch nước cũng khẳng định, Việt Nam sẽ nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh theo cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, gồm giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Chủ tịch nước vui mừng khi nhân chuyến thăm Thụy Sĩ lần này có nhiều chương trình hợp tác được ký kết trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, năng lượng, logistics, giáo dục, y tế... Đây là minh chứng về tiềm năng hợp tác hai nước.  

Tại Diễn đàn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Thụy Sĩ và lãnh đạo các bộ, ngành hai nước đã lắng nghe và giải đáp các vấn đề mà doanh nghiệp hai nước nêu ra. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chia sẻ nhiều thông tin về tiềm năng, cơ hội đầu tư vào Việt Nam, trong đó kim ngạch thương mại hai chiều có thể đạt 600 tỷ USD trong năm nay. Đặc biệt là Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại, trong đó có nhiều hiệp định quy mô lớn, tiêu chuẩn cao như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, mở ra thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.

Với năm 2021 là năm có "kỷ niệm kép” trong quan hệ Việt Nam và Thụy Sĩ đó là kỷ niệm 50 năm Quan hệ ngoại giao và 30 năm Hợp tác phát triển, Chủ tịch nước nhấn mạnh, mối quan hệ hai nước đã trải qua nhiều thử thách, cùng nhau tiến lên như hai người bạn đồng hành đáng tin cậy với nhiều kết quả hợp tác ấn tượng trên nhiều lĩnh vực.

Tiếp đó, tối 26/11 theo giờ địa phương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự tiệc và gặp gỡ các doanh nghiệp hai nước. Phát biểu tại buổi gặp, Chủ tịch nước cho biết, với quan hệ tốt đẹp 50 năm qua, hai nước đã thiết lập đầy đủ các khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để hai nước tăng cường hợp tác đạt tầm cao mới trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam luôn mở rộng cánh cửa, chào đón và sẵn sàng cùng chia sẻ những cơ hội hợp tác với Thụy Sĩ và mong doanh nghiệp hai nước sẽ kết nối hợp tác trên tinh thần cởi mở, bắt đầu mối quan hệ từ những người bạn để dần trở thành những đối tác tin cậy, nắm bắt các cơ hội, cùng nhau hợp tác phát triển.

Theo Báo Nhân Dân


Các tin khác


Đồng chí Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Tiếp tục chương trình công tác tại Điện Biên, ngày 28/3, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên.

Huyện Lạc Thủy: Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Trong những năm qua, UBND huyện Lạc Thuỷ ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV

Chiều 27/3, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV, năm 2024 tổ chức họp triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh lần thứ IV, năm 2024. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Xã Vĩnh Đồng đổi mới, nêu cao ý thức, tinh thần phục vụ nhân dân

Thân thiện, tận tâm, trách nhiệm là cảm nhận của chị Hà Thị Hoa (Mai Châu) khi đến làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) hay còn gọi là bộ phận "một cửa” của UBND xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi).

Phát huy những kết quả, truyền thống đoàn kết, tạo khí thế mới để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ (*)

Ngày 26/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã phát biểu bế mạc hội nghị. Báo Hòa Bình trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Phong trào thanh niên tình nguyện lan tỏa và thiết thực

Thời gian qua, phong trào thanh niên tình nguyện được đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, tham gia. Đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa xã hội to lớn, góp phần giáo dục đạo đức, lý tưởng cho thanh niên. Bên cạnh đó là cơ hội để đoàn viên, thanh niên giao lưu, học hỏi, trao đổi kỹ năng sống, nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ với cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục