(HBĐT) - Chiến tranh đã lùi xa trên mảnh đất hình chữ S. Cùng với cả nước, Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình được hưởng cuộc sống thanh bình, hạnh phúc sau mùa xuân Đại thắng năm 1975. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng niềm tự hào về trang sử vẻ vang của dân tộc còn sáng mãi, để tháng 4 về, cán bộ, Nhân dân trong tỉnh có dịp ôn lại những chặng đường đấu tranh đầy cam go, ác liệt nhưng cũng thật hào hùng của quân và dân trong tỉnh, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.


Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, thanh niên huyện Đà Bắc hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Sử sách viết rằng, giai đoạn 1954 - 1975, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện xuất sắc nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tiến hành đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng: Vừa xây dựng CNXH, vừa đánh thắng 2 lần chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên quê hương, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, góp phần vào sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

Ngược dòng lịch sử, với vị trí chiến lược của tỉnh, trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, đế quốc Mỹ xác định Hòa Bình là 1 trong 94 trọng điểm tập trung đánh phá. Chỉ từ tháng 5 - 12/1965, giặc Mỹ đã tổ chức 509 lần với 1.031 tốp máy bay ném bom, bắn phá 65 địa điểm ở hầu khắp các huyện, thị trong tỉnh với quy mô ngày càng mở rộng. Từ tập trung bắn phá Lạc Sơn, Tân Lạc, chúng chuyển sang các trọng điểm, đường giao thông, bến phà, cầu cống, kho quân sự...

Từ tháng 8/1964 - 11/1968, không quân Mỹ đã ném 1.126 quả bom phá, 342.491 bom bi, bắn 1.450 tên lửa cùng hàng triệu viên đạn 20 ly xuống 92 xã (bằng 46% xã trong tỉnh); phá hủy hàng trăm ngôi nhà của đồng bào, giết chết 355 người, làm bị thương 714 người. Nhiều xóm làng bị đánh phá ác liệt, như: Xã Thịnh Lang (Kỳ Sơn cũ) bị đánh 17 lần; xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) 17 lần; xã Vạn Mai (Mai Châu) 11 lần; thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) 11 lần... Giặc Mỹ không chỉ nhằm vào các trọng điểm kinh tế, quân sự mà còn đánh cả vào bệnh viện, trạm xá, trường học, nhà trẻ, chùa, đình, miếu và khu dân cư...

 Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai (năm 1972), Hòa Bình vẫn là một trong những nơi bị địch đánh phá ác liệt. Từ quý III/1972, địch tập trung đánh trên quy mô rộng với 117 lần, sử dụng hàng nghìn tốp máy bay oanh kích vào 57 xã trong toàn tỉnh. Máy bay Mỹ đã dội 821 quả bom phá, 25.960 quả bom bi, 79 tên lửa, gần 100 quả bom hóa học, bom xuyên, bom từ trường, bom phốt pho và hàng vạn viên đạn 20 ly, làm hàng trăm người chết, gần 200 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn; các tuyến đường 6A, 12A, 12B có hàng chục đoạn bị cày xới và hỏng nặng... Liên tiếp trong các ngày từ 26 - 29/10/1972, đế quốc Mỹ huy động trên 100 lần tốp máy bay ném bom xuống 2 xã Mông Hóa, Dân Hạ (huyện Kỳ Sơn cũ) với trên 300 quả bom phá, 1.100 quả bom bi và hàng chục tên lửa, giết chết 28 người dân vô tội... Dã man hơn, ngày 27/12/1972, máy bay Mỹ ném bom phá, bom hóa học, bom phốt pho xuống xã Cao Thắng, Tân Thành (huyện Kim Bôi), xã Liên Sơn (huyện Lương Sơn), Nông trường Lương Mỹ làm cháy trụi 11 nhà và hàng trăm đồng bào ta bị nhiễm độc.

Trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã gây tổn thất nặng nề trên địa bàn tỉnh. Biến đau thương thành hành động, trút căm thù lên nòng súng, quân và dân trong tỉnh đã kiên cường đánh trả quân xâm lược, lập nhiều chiến công xuất sắc khiến giặc Mỹ khiếp sợ.

Đã 56 năm kể từ ngày dân quân xã Thu Phong, huyện Kỳ Sơn (nay thuộc huyện Cao Phong) mưu trí, dũng cảm bắn rơi máy bay Mỹ. Song thời gian không làm phai mờ ký ức oai hùng của cụ Bùi Văn Kệnh - xã đội phó năm nào. Có dịp trò chuyện với cụ mới đây, chúng tôi cảm nhận rõ niềm tự hào trong ánh mắt, giọng nói khi cụ hồi tưởng lại sự kiện ngày 20/7/1966. Đó là ngày cụ cùng 4 dân quân chụm đầu bàn bạc, tính toán và rồi bằng hai loạt đạn súng trường đã hạ được máy bay phản lực F105. Chiến công của dân quân xã Thu Phong đã lan tỏa ra các xã trong tỉnh cùng quyết tâm đánh Mỹ.

Tìm hiểu qua các tài liệu lịch sử được biết, trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, bằng vũ khí giản đơn, quân dân tỉnh Hòa Bình đã nhiều lần bắn hạ máy bay Mỹ. Điển hình là dân quân xã Liên Hòa (nay là xã Yên Nghiệp, Lạc Sơn), ngày 31/5/1965 dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ F105D. Dân quân xã Trung Thành (Đà Bắc) ngày 29/4/1966 phục kích trên đồi cao, với 3 viên đạn súng trường đã bắn rơi máy bay phản lực RF101. Dân quân xã Mường Chiềng (Đà Bắc), ngày 30/4/1967 phục sẵn trên núi bắn cháy chiếc phản lực F105 của giặc Mỹ khi đang hạ độ cao để tránh tầm bắn của không quân ta. Quân dân xã Lũng Vân (nay là xã Vân Sơn, Tân Lạc) trong 2 ngày 10 - 11/5/1972, mặc dù giặc Mỹ đã sử dụng trên 120 lần máy bay thả hàng trăm tấn bom đạn vào trận địa bao vây, song dân quân xã vẫn kiên cường bám địch, phối hợp các đơn vị trực chiến xã bạn dũng cảm đánh trả máy bay địch và bắt sống giặc lái, thu toàn bộ vũ khí, tang vật. Dân quân xã Hợp Hòa (nay là xã Cao Sơn, Lương Sơn) từ ngày 21 - 29/12/1972, liên tục 8 ngày đêm trong điều kiện địa hình phức tạp, thời tiết mưa kéo dài và hàng trăm lần máy bay Mỹ đến đánh phá, song Trung đội dân quân xã phối hợp với LLVT của huyện cùng các đơn vị chủ lực kiên cường, dũng cảm bám sát vòng vây, đánh trả quyết liệt, bắn rơi 1 máy bay trực thăng, bắt sống 2 tên phi công cùng đầy đủ thiết bị, phương tiện vũ khí. 

Tổng kết 2 cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên địa bàn tỉnh, quân dân trong tỉnh đã chiến đấu, phối hợp chiến đấu 683 trận, bắn rơi 49 chiếc máy bay (có nhiều máy bay hiện đại, tối tân của giặc Mỹ như F101, F105, B52), bắt sống và tiêu diệt hàng chục giặc lái, bảo vệ vững chắc quê hương.

Không chỉ kiên cường trong chiến đấu, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, toàn tỉnh có 11.460 con em các dân tộc nhập ngũ, 15.670 thanh niên xung phong, đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước 162.000 tấn lương thực, 14.336 tấn thực phẩm... Toàn tỉnh có 3.623 liệt sỹ, 670 thương binh, 624 bệnh binh. 

Bản hùng ca trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi là niềm tự hào, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để cán bộ, Nhân dân trong tỉnh cùng chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương phát triển; trước mắt là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

                                                                      
   Hoàng Nga

Các tin khác


Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục