Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND thành phố Hoà Bình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân đến giao dịch.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, cơ quan thường trực BCĐ CCHC tỉnh, chỉ số CCHC gồm 9 chỉ số thành phần là: Công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hoá hành chính; đánh giá điều tra xã hội học; đánh giá một số tiêu chí về phát triển KT-XH. Trong đó, đánh giá qua điều tra xã hội học khảo sát ở hai lĩnh vực: Khảo sát lãnh đạo quản lý đối với các lĩnh vực CCHC và khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
Hiện đại hoá hành chính được xác định là một trong những chỉ số thành phần quan trọng. Đây là nền tảng để xây dựng chính quyền điện tử. Việc hiện đại hoá nền hành chính sẽ góp phần quan trọng giảm chi phí hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tiết kiệm thời gian, đồng thời cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hiện đại hoá nền hành chính. Theo đánh giá từ BCĐ CCHC của Chính phủ, tỉnh ta được đánh giá có nhiều chuyển biến trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4, cụ thể, tỉnh đạt 77,2%. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích tăng so với năm 2020. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh; triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh. Hệ thống thông tin một cửa của tỉnh đã kết nối liên thông tới 100% sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, xã.
Tuy nhiên, tỷ lệ giữa TTHC phát sinh giao dịch so với TTHC công đã triển khai qua dịch vụ bưu chính công ích mới chỉ đạt 2,1%; tỷ lệ DVCTT mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh được tích hợp, cung cấp trên DVCTT quốc gia mới đạt 67,1%. Bên cạnh những hạn chế trên, theo đồng chí Phạm Thị Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nội vụ: Đối chiếu với chỉ số PAPI là chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số về quản trị điện tử đạt 2,43 điểm, giảm 0,83 điểm so với năm 2020. Chỉ số này phản ánh mức độ sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương, tiếp cận và sử dụng internet tại địa phương và khả năng phúc đáp qua cổng thông tin điện tử. Chỉ số này cũng phản ánh rất nhiều về năng lực điều hành của chính quyền điện tử.
Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đình đốn sản xuất, kinh doanh, đảo lộn cuộc sống, đồng thời cũng đã bộc lộ những hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước. Bối cảnh đó buộc nước ta phải chuyển đổi số vừa để thích ứng với dịch bệnh, vừa tái thiết nền kinh tế. Đối với tỉnh ta, chuyển đổi số, trọng tâm là xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số được xác định là nhiệm vụ bao trùm trong giai đoạn hiện nay. Nhằm hiện đại hoá nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC trong phạm vi quản lý, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, có những giải pháp đột phá, phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính cho người dân, tổ chức. Rà soát cập nhật đầy đủ, thường xuyên thông tin, trạng thái kết quả xử lý hồ sơ TTHC, DVCTT, thanh toán trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Triển khai các nhiệm vụ theo đề án "Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC" của Chính phủ và kế hoạch triển khai thực hiện của tỉnh. Trong tâm là luân chuyển hồ sơ, giải quyết TTHC giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan có liên quan bằng phương thức điện tử, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến, số hoá hồ sơ, giấy tờ giải quyết TTHC và giải quyết TTHC qua DVCTT. Tiếp tục duy trì "Điểm hỗ trợ người dân thực hiện TTHC qua DVCTT mức độ 3, mức độ 4" tại cấp xã.
Theo đồng chí Hoàng Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT, để hiện đại hoá nền hành chính, Sở đã xây dựng các giải pháp nhằm phối hợp với các sở, ngành thực hiện tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên dịch vụ công quốc gia, tiến hành cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu, số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trước ngày 15/7/2022. Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, đảm bảo hết năm 2022, tỷ lệ DVCTT mức độ 3, mức độ 4 được tích hợp cung cấp trên dịch vụ công quốc gia đạt 100%. Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng trung tâm điều hành thông minh tập trung của tỉnh, đưa vào vận hành các dịch vụ đô thị thông minh, góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động quản lý nhà nước, cải thiện chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.