Giảng viên Trường Chính trị tỉnh tăng cường tương tác với học viên tạo sự sôi nổi trong các tiết học.
Đồng chí Bùi Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ (Lạc Sơn), học viên lớp bồi dưỡng cấp ủy cơ sở chia sẻ: Các giảng viên đã có nhiều đổi mới trong việc giảng dạy, tổ chức lớp học. Thời lượng dành cho phần lý thuyết, lý luận giảm dần, cô đọng vào những vấn đề chính. Đồng thời dành nhiều thời gian cho phần thảo luận, thực hành, viết báo cáo thu hoạch. Các giảng viên cũng phân tích, mổ xẻ những vấn đề thực tế; áp dụng CNTT vào giảng dạy giúp tiết học thêm sinh động, hấp dẫn, tránh nhàm chán. Vậy nên học viên tích cực tham gia học tập, dần xóa bỏ tư tưởng lười học, ngại học LLCT.
Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó có biểu hiện thứ ba: "Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập LLCT; lười học tập Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phải "khắc phục tình trạng ngại học, lười học LLCT trong cán bộ, đảng viên”. Do đó, đây là một vấn đề được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và Trường Chính trị, các Trung tâm Chính trị trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm.
Qua thực tế công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT, có thể nhận diện những biểu hiện ngại học, lười học LLCT của cán bộ, đảng viên hiện nay là chỉ chú ý đến học tập chuyên môn, nghiệp vụ mà ít hoặc không quan tâm đến học tập, bồi dưỡng LLCT; chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc học tập LLCT. Không ít cán bộ, đảng viên cho rằng việc học tập lý luận ít mang lại hiệu quả, dẫn tới học tập đối phó, nghiên cứu qua loa, đại khái, chiếu lệ, hình thức… Chưa chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương trong học tập, rèn luyện như trong học tập còn làm việc riêng, vừa học vừa giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị; chưa tích cực tham gia trao đổi, thảo luận; không nghiên cứu tài liệu; bài thi, bài thu hoạch thiếu đào sâu suy nghĩ, tìm tòi gắn lý luận với thực tiễn… Học không đi đôi với hành; lý luận chưa gắn liền với thực tiễn. Nội dung, tri thức LLCT chưa được vận dụng thiết thực vào thực tiễn công tác với tư cách là "cẩm nang” định hướng giải quyết các vấn đề thực tiễn nảy sinh.
Đồng chí Nguyễn Trọng Khiêm, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết: Để khắc phục hiện tượng lười học, ngại học LLCT thì giải pháp hết sức quan trong là phải nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT. Trong quá trình tổ chức, điều hành thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nhà trường chú trọng đề ra các biện pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên thông qua việc cử cán bộ, giảng viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng, phương pháp giảng dạy, học tập. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cùng với đó, nhà trường chủ động, linh hoạt tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng nhu cầu của các địa phương, cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh. Trong 5 tháng đầu năm nay, nhà trường đã tổ chức được 6 lớp bồi dưỡng cấp ủy cơ sở cho 360 học viên; 1 lớp bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp phòng cho trên 95 học viên; 2 lớp đào tạo trung cấp LLCT hệ tập trung khóa I, II năm 2022 cho 98 học viên; 1 lớp đào tạo trung cấp LLCT của Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh cho 55 học viên; 2 lớp đào tạo trung cấp LLCT hệ không tập trung tại 2 huyện Lạc Thủy, Đà Bắc cho 143 học viên. Chất lượng đào tạo được nâng lên, học viên áp dụng hiệu quả kiến thức được học tập vào thực hiện nhiệm vụ.
Dương Liễu