Tối 14/6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ báo công dâng Bác và chương trình nghệ thuật kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình tại thành phố Đồng Hới. Xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
 

Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động!

Thưa các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình qua các thời kỳ!

Thưa quý vị đại biểu, cùng toàn thể đồng bào, đồng chí!

Hôm nay, tôi rất vui mừng về dự Lễ Báo công dâng Bác nhân Kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình và 65 năm đồng bào Pa Kô, Vân Kiều, tỉnh Quảng Bình chính thức được mang họ Hồ (16/6/1957-16/6/2022).

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Bình qua các thời kỳ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các cựu chiến binh, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể đồng chí, đồng bào của tỉnh Quảng Bình lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa đồng bào, đồng chí!

Sau khi vào trấn thủ đất Thuận Hóa theo lời khuyên của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chúa tiên Nguyễn Hoàng đã thiết lập chính quyền cát cứ phía nam, đồng thời đặt tên mới cho vùng đất mà chúng ta hiện diện hôm nay là Quảng Bình với ý nghĩa và cũng là ước vọng về một vùng đất "thái bình rộng lớn”. Trải qua hàng trăm năm với bao biến cố thăng trầm của lịch sử cho thấy Quảng Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt; là nơi giao thoa, hội tụ tinh hoa nhiều nền văn hóa lớn của dân tộc như văn hóa Việt Mường-Chămpa, văn hóa Đàng Trong-Đàng Ngoài, văn hóa Thăng Long-Phú Xuân, đặc biệt là nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh. Nằm trên dải đất hẹp nhất của Việt Nam, Quảng Bình từng là phên dậu của Nhà nước Văn Lang-Âu Lạc, là ranh giới giao tranh thời Trịnh-Nguyễn; là tuyến đầu anh dũng, kiên cường của hậu phương lớn miền bắc xã hội chủ nghĩa đối với cách mạng miền nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Vị trí địa lý, hoàn cảnh lịch sử, văn hóa của Quảng Bình đã sản sinh, nuôi dưỡng nhiều anh hùng, danh nhân, danh tướng của dân tộc, như Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, danh tướng Hoàng Kế Viêm, công thần Đào Duy Từ, và đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người chiến sĩ cách mạng trung kiên, là vị Đại tướng của Nhân dân, người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam và nhiều cán bộ cao cấp, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang,… Đó là những nhân vật kiệt xuất có nhiều đóng góp to lớn cho quê hương, đất nước mà tên tuổi và sự nghiệp đã được sử sách ghi công, Nhân dân tôn thờ, kính trọng. Và còn biết bao người con anh dũng "mà dòng sông Gianh với hàng dương xanh, đời đời hát ca tên những người anh hùng”.

Thưa đồng bào, đồng chí!

Cách đây 65 năm, ngày 16/6/1957, Bác Hồ đã vào thăm Quảng Bình. Với tầm nhìn chiến lược, Người đã căn dặn: Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền bắc, tiếp giáp với miền nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú ở đây đều có ảnh hưởng đến việc bảo vệ miền bắc. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình và Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết.

Khắc sâu lời dạy của Bác, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân Quảng Bình đã không ngại khó khăn gian khổ, vững tay cày, chắc tay súng, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, trở thành một địa phương anh hùng, là niềm tự hào của cả nước. Những bức thư Bác Hồ khen cũng như tình cảm, sự quan tâm của người và Trung ương Đảng là nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ quân và dân Quảng Bình không tiếc máu xương, đoàn kết một lòng, vừa kiên cường chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa ra sức thi đua sản xuất, tích cực đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Trong 65 năm thực hiện lời dạy của Bác, nhất là hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, vùng đất từng oằn mình vì bom đạn chiến tranh, quê hương của mẹ Suốt anh hùng đã chuyển mình phát triển mạnh mẽ. Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Có thể nói, những thành tựu đạt được là rất đáng tự hào, tạo nền tảng vững chắc cho tỉnh Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những kết quả, thành tích xuất sắc mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đạt được trong những năm qua.

Thưa đồng bào, đồng chí!

Để thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xứng đáng với lòng mong mỏi của Người về một "Quảng Bình sẽ giàu có”, tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Bình tiếp tục phấn đấu, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương "Hai giỏi”; khơi dậy khát vọng phát triển thúc đẩy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục chú trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Hai là, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng đảm bảo tính bền vững trên cơ sở chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ dựa vào tăng trưởng đầu tư vốn và chuyển dịch lao động, sang tăng trưởng dựa vào năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), giảm thâm dụng tài nguyên như đất đai, môi trường, lao động giá rẻ, sang thâm dụng công nghệ, tăng cường các hoạt động đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế.

Ba là, tập trung nguồn lực đầu tư vào một số ngành kinh tế trọng điểm, trong đó du lịch, nhất là du lịch khám phá tự nhiên, mạo hiểm, nghỉ dưỡng, thể thao,... gắn với Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, đưa Quảng Bình trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm hàng đầu châu Á và thế giới, đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Bình, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đối với công nghiệp, cần phát triển trên tư duy liên kết cụm ngành gắn với chuỗi cung ứng tại chỗ; phát triển năng lượng tái tạo đáp ứng nhu cầu tại chỗ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh quy trình, nâng cấp cơ sở hạ tầng chiến lược, nhất là hệ thống cao tốc huyết mạch có tính liên kết vùng, hạ tầng viễn thông, mạng 5G, phát triển hạ tầng khu công nghiệp chất lượng cao để đón dòng vốn có chất lượng; thúc đẩy đô thị hóa bền vững, phát huy tiềm năng lợi thế của các ngành kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Năm là, chú trọng đầu tư phát triển vốn nhân lực tại chỗ, đặc biệt là tính chịu thương, chịu khó, thông minh, cần cù, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn của người dân Quảng Bình; phát huy truyền thống hiếu học của vùng đất "Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim”; chính quyền đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho giáo dục và y tế từ nguồn lực công; đảm bảo cơ hội và các quyền tiếp cận cơ bản của người dân về giáo dục, y tế, chính sách bảo trợ xã hội; chú trọng quan tâm đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, những địa bàn khó khăn, người có công, gia đình chính sách và các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Sáu là, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư có chất lượng, tạo việc làm có năng suất, mang lại thu nhập cao và cơ hội nghề nghiệp tốt cho người lao động; phát huy vai trò của kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị. Chú ý hơn nữa trong phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã nhằm tạo nhiều việc làm bền vững và thu nhập ổn định cho người dân; tăng cường hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển rừng; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương.

Bảy là, thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, tạo điểm đến an toàn, thân thiện đối với du khách, là nơi đáng sống đối với người dân địa phương; giảm các loại tội phạm, phòng chống buôn lậu và ngăn chặn các loại hình tội phạm xuyên biên giới; thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với các địa phương của nước bạn Lào, góp phần xây dựng biên giới Việt-Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Thưa đồng bào, đồng chí!

Kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình là dịp để chúng ta ôn lại, khắc sâu lời dạy sâu sắc và những tình cảm thiêng liêng của Người, trong đó có sự yêu thương, gắn bó máu thịt giữa Bác Hồ và đồng bào các dân tộc thiểu số. Người đã đồng ý để đồng bào Vân Kiều, Pa Kô được chính thức mang họ Hồ của Người. Chúng ta tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc, cũng như của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Bình. Qua đó củng cố niềm tin vững chắc, quyết tâm đưa Quảng Bình từ một "vùng đất gió lào và cát trắng” trở thành một trong những tỉnh khá của cả nước, xứng đáng quê hương "Hai giỏi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã khen ngợi.

Chúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc đất "Quảng Bình quê ta ơi, muôn người như một” tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền trung đến năm 2030 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, góp phần đem lại sự phồn vinh và hạnh phúc cho nhân dân mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Chúc các đồng chí đại biểu, đồng bào sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Xin trân trọng cảm ơn! 



TheoNhanDan


 

Các tin khác


Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục