Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng trả lời phỏng vấn phóng viên thường trú TTXVN tại Phnom Penh.
Thưa Đại sứ, là một nhà ngoại giao có quá trình gắn bó lâu dài với đất nước, con người Campuchia ở nhiều cương vị công tác khác nhau, Đại sứ có thể điểm lại bối cảnh thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia?
Nhìn lại lịch sử những năm 60 của thế kỷ 20 khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh miền Nam Việt Nam ra toàn cõi Đông Dương, hai dân tộc Việt Nam-Campuchia phát huy truyền thống đoàn kết, tiếp tục kề vai sát cánh trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ. Trong dòng chảy thời gian đó, ngày 24/6/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cùng với Quốc trưởng Campuchia Samdech Norodom Sihanouk quyết định đặt nền móng quan hệ ngoại giao của hai nước.
Từ đây, vận mệnh hai dân tộc thêm gắn bó và sức mạnh của hai nước được tăng cường, quân và dân hai nước có thêm niềm tin, thêm sự khích lệ để cùng nhau chiến đấu và đã chiến thắng những chiến dịch của đế quốc Mỹ, cũng như các chiến dịch hành quân của ngụy quân Sài Gòn và quân đội Lon Nol, cùng nhau làm nên chiến thắng vĩ đại vào tháng 4/1975 lịch sử.
Chúng ta nhìn lại lịch sử như vậy để thấy việc lãnh đạo hai bên quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao càng có ý nghĩa hết sức quan trọng và thấy được tầm vóc chiến lược của quan hệ Việt Nam-Campuchia.
Nhìn lại chặng đường lịch sử 55 năm qua, Đại sứ đánh giá như thế nào về những thành tựu trong quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Campuchia?
Về thành tựu của 55 năm quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam-Campuchia, chúng ta có thể khái quát một số nét nổi bật. Thứ nhất, quan hệ chính trị giữa hai nước không ngừng phát triển và thực sự đóng vai trò nòng cốt để định hướng cho tổng thể quan hệ giữa hai nước. Hai bên luôn luôn khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam-Campuchia, quyết tâm vun đắp và không ngừng nâng cao mối quan hệ này.
Hằng năm, lãnh đạo cấp cao hai nước đều có các cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thông qua đó, đạt được những thỏa thuận chiến lược để chỉ đạo quan hệ hai nước; đồng thời tìm ra những hạn chế, khó khăn, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy hợp tác hai nước trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, trong năm 2020 vừa qua, khi hai nước đều chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, lãnh đạo hai Đảng, hai nhà nước và các tổ chức nhân dân hai nước thường xuyên điện đàm, điện thoại để thăm hỏi, động viên, chia sẻ lẫn nhau, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ rất kịp thời bằng rất nhiều hình thức, nhiều hoạt động cụ thể, góp phần giúp cho hai nước kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh. Cho đến hôm nay, hai nước đều đã mở cửa hoàn toàn và đã đưa các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại tình trạng bình thường. Tình hình các mặt của hai nước đang trong nhịp độ phát triển một cách tích cực.
Thứ hai, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại giữa hai nước không ngừng đi vào chiều sâu và là một trong những trụ cột rất quan trọng của quan hệ hai nước. Hai bên thường xuyên phối hợp, tổ chức tốt các nghị định thư 5 năm, các kế hoạch hợp tác hằng năm giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an Việt Nam với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Campuchia; triển khai nhiều biện pháp phối hợp để ngăn chặn, phòng chống các hoạt động chống phá hai nước Việt Nam, Campuchia cũng như quan hệ Việt Nam-Campuchia; chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp để ngăn chặn các tội phạm xuyên quốc gia, đồng thời tiếp tục thực hiện việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương các hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia về nước.
Thứ ba, về kinh tế, Việt Nam và Campuchia có những bước chuyển biến rất tích cực, đặc biệt là về vấn đề thương mại. Hai nước đều là thành viên của ASEAN và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên có điều kiện thúc đẩy hoạt động thương mại giữa hai nước. Trong giai đoạn 1997-1999, kim ngạch thương mại hai chiều đạt con số 130-150 triệu USD. Từ năm 2005 trở đi, trung bình mỗi năm kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng khoảng 30-40%. Đặc biệt, trong hai năm 2020-2021 vừa qua, mặc dù bị tác động bởi COVID-19, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước lại có những bước tăng trưởng đột phá. Cụ thể, năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5,32 tỷ USD, năm 2021 đạt 9,54 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 5,44 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Điều đó cho thấy tiềm năng về mặt thương mại giữa hai nước còn rất nhiều. Trong năm 2022 này, chúng ta chắc chắn nâng kim ngạch thương mại hai chiều vượt mức 10 tỷ USD như kỳ vọng của hai nước.
Về đầu tư, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu trong ASEAN về đầu tư vào Campuchia và là một trong 5 nước có đầu tư cao nhất trong số các quốc gia, các tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ đầu tư vào Campuchia. Hiện nay, Việt Nam có 188 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 2,88 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án của chúng ta đầu tư và làm ăn rất thành công, đơn cử như Metfone, các công ty của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam…, cho thấy dấu ấn rất tích cực trong hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
Hai nước cũng coi trọng hợp tác về văn hóa, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Hằng năm, Việt Nam dành cho Campuchia hàng trăm suất học bổng và Campuchia cũng dành cho Việt Nam 35 suất học bổng. Hiện nay, Campuchia có 2.427 lưu học sinh đang học tập tại Việt Nam, trong khi Việt Nam có gần 100 lưu học sinh đang học tập tại Campuchia. Ngoài ra, hai nước hợp tác rất tích cực trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề. Tôi cho rằng đây là nguồn bổ sung nhân lực rất quan trọng cho hai nước để phục vụ cho nền kinh tế cũng như các hoạt động của hai nước chúng ta.
Hợp tác giữa các ban, bộ, ngành, các địa phương, các ủy ban của các cơ quan lập pháp của hai nước, cũng như các đoàn thể, tổ chức nhân dân, hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước cũng không ngừng phát triển. Đặc biệt, ở khu vực giáp biên giới cũng phát triển quan hệ toàn diện, xây dựng hạ tầng cơ sở, y tế, phục vụ nhu cầu của nhân dân hai bên. Đây là những hướng hợp tác rất tích cực mà chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy trong thời gian tới.
Về công tác phân giới cắm mốc biên giới, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo hai nước và sự nỗ lực của các cơ quan chức năng hai nước, trong thời gian vừa qua, hai bên đã thống nhất và đạt được kết quả là 84% công việc phân giới cắm mốc biên giới trên bộ.
Đại sứ muốn gửi gắm thông điệp gì tới nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia, cũng như cộng đồng quốc tế nhân lễ kỷ niệm lần thứ 45 "Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen và 55 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao?
Tôi cho rằng việc hai nước kỷ niệm 45 năm "Hành trình tiến tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen ngày 20/6 vừa rồi là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, trước hết là đối với Campuchia và đối với cả hai dân tộc Việt Nam và Campuchia. Có sự kiện Ngài Hun Sen rời đất nước để sang Việt Nam tìm đường cứu nước, tìm đường lật đổ chế độ diệt chủng thì mới có chiến thắng lịch sử ngày 7/1/1979 và đưa nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa của chế độ diệt chủng Pol Pot và hồi sinh dân tộc, mở ra một thời kỳ mới cho nhân dân Campuchia để tái thiết đất nước.
Hai nước đang triển khai một loạt các hoạt động để kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Campuchia đã cử Phó Thủ tướng Men Sam On dự lễ kỷ niệm ngày 24/6/2022 tại Việt Nam. Năm 2022 cũng được lãnh đạo hai nước quyết định chọn là Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam, đánh dấu bằng chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong hai ngày 21-22/12/2021. Từ nay đến cuối năm, hai bên thống nhất sẽ triển khai một loạt các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao. Các ban, bộ, ngành, các địa phương cũng sẽ có rất nhiều hoạt động trao đổi đoàn. Các hoạt động giao lưu giữa các tổ chức nhân dân cũng sẽ được triển khai.
Tôi cho rằng 2022 là một năm có rất nhiều sự kiện kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao và Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam. Điều này cho thấy quan hệ Việt Nam-Campuchia là quan hệ giữa hai nước láng giềng gắn bó máu thịt. Nhân dân hai nước đã có truyền thống đoàn kết lâu đời, vai kề vai sát cánh bên nhau, chung một chiến hào chống kẻ thù chung, vì nền độc lập, tự do của hai đất nước. Và điều đó cho thấy không có bất kỳ một kẻ thù nào có thể phá vỡ tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Tôi tin là với nền tảng của quan hệ hữu nghị giữa hai nước và với thành tựu 55 năm quan hệ ngoại giao như vậy, với quyết tâm của Đảng và lãnh đạo cũng như của nhân dân hai nước, chắc chắn mối quan hệ Việt Nam - Campuchia sẽ không ngừng phát triển theo đúng phương châm "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, vì sự phát triển của mỗi nước, cũng như vì cuộc sống hạnh phúc, ấm no của nhân dân hai nước, vì sự phát triển hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển của khu vực và trên thế giới.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.