Chính quyền phường Trung Minh (TP Hoà Bình) tăng cường nắm bắt, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trên địa bàn.
Là trung tâm tỉnh lỵ, đang diễn ra quá trình đô thị hoá mạnh mẽ với nhiều vấn đề khó khăn trong giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hút các nguồn lực đầu tư. Những năm qua, cụ thể hoá các chủ trương của Tỉnh uỷ, TP Hoà Bình đã tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với MTTQ, các tổ chức đoàn thể CT-XH với người dân. Trong đó đã giải quyết những vướng mắc trong GPMB dự án cầu Hoà Bình 3, cầu Hoà Bình 2, đường 435, đường Chi Lăng kéo dài…; thực hiện thành công việc sáp nhập địa giới hành chính theo Nghị quyết số 830 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố xây dựng được 45 mô hình mới; nhiều mô hình tự quản đã phát huy hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể CT-XH thực hiện ở 19/19 phường, xã. Thành phố có 564 mô hình, điển hình dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng chí Hoàng Văn Minh, Phó Bí thư TT Thành uỷ cho biết: Thông qua TX, ĐT, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, MTTQ, đoàn thể nắm bắt tình hình, tư tưởng Nhân dân, những bất cập, khó khăn trong thực hiện cơ chế, chính sách, chia sẻ thông tin với người dân; chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết những kiến nghị chính đáng của Nhân dân. Thành phố cũng chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân, từng bước hạn chế tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tạo niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng TP Hoà Bình là đô thị loại II trước năm 2025.
Nhiều địa phương như huyện Lương Sơn, Tân Lạc, Lạc Sơn… đã phát huy vai trò của người đứng đầu trong TX, ĐT để tập trung giải quyết nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết trong công tác quản lý đất đai, xây dựng, tài nguyên - môi trường; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị.
Theo đánh giá của BTV Tỉnh uỷ, sau 3 năm thực hiện Quy chế số 07-QC/TU, ngày 27/3/2019 của BTV Tỉnh ủy về TX, ĐT trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức CT-XH và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức được 1.192 cuộc TX, ĐT trực tiếp với MTTQ, các tổ chức CT-XH và Nhân dân theo hình thức hội nghị riêng. Trong đó, cấp tỉnh: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức 8 cuộc; cấp huyện: Bí thư huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức 149 cuộc; cấp xã: Bí thư đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức 472 cuộc; các cơ quan, đơn vị tổ chức 563 cuộc... Hàng năm, các cấp ủy, chính quyền chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, những vấn đề MTTQ, các tổ chức CT-XH và Nhân dân quan tâm để tổ chức TX, ĐT giải quyết. Sau TX, ĐT có sự phân công cụ thể các tập thể, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm tham mưu, giải quyết những vấn đề được Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm; kịp thời nắm bắt các vấn đề phát sinh để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp thực tiễn địa phương. Thông qua các cuộc TX, ĐT, Nhân dân hiểu hơn quyền lợi và trách nhiệm trong góp phần giải quyết cơ bản những vấn đề Nhân dân quan tâm, phản ánh, kiến nghị, từ đó củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2019 - 2021, trên địa bàn tỉnh không phát sinh "điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo; không có đoàn công dân khiếu nại, tố cáo đông người tại các cơ quan T.Ư.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, đó là: Một số địa phương, đơn vị tổ chức TX, ĐT còn hình thức, hiệu quả chưa cao; vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức CT-XH về thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau các cuộc TX, ĐT chưa rõ nét, thường xuyên… Để tiếp tục thực hiện tốt Quy chế số 07-QC/TU, nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân, BTV Tỉnh uỷ yêu cầu: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị xác định nội dung và lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc TX, ĐT trực tiếp với MTTQ, các tổ chức CT-XH, cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Coi TX, ĐT là nhiệm vụ thường xuyên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện công tác dân vận chính quyền, xây dựng bộ máy chính quyền đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đổi mới phương pháp đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước. Giải quyết tốt các nội dung tiếp thu ý kiến sau TX, ĐT; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh nếp sống văn minh, văn hóa công sở. Nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Nâng cao vai trò của MTTQ, tổ chức CT-XH các cấp trong việc thực hiện TX, ĐT. Chủ động nắm bắt tình hình và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên, Nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc, phức tạp để phối hợp tham mưu giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tổ chức các cuộc TX, ĐT theo Quy chế số 07-QC/TU…
Lê Chung