Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) rất hệ trọng, nên phải xây dựng đúng yêu cầu của luật, tuân thủ tiến độ chuẩn bị dự án luật, Chính phủ gửi hồ sơ dự án Luật tới Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trước ngày 1/9 để nghiên cứu, cho ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chiều 8/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của lãnh đạo Quốc hội và thường trực các cơ quan của Quốc hội với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.

Cùng dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, cùng các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo đang lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động được xây dựng trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW, các Nghị quyết, kết luận khác để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm phát huy nguồn lực đất đai và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW và thi hành Luật Đất đai.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ cũng đã chủ động rà soát hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai để đề xuất sửa đổi ngay trong luật này hoặc đề xuất sửa đổi các luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Trước khi lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu ý kiến góp ý của 63 tỉnh, thành phố, các bộ, ngành; làm việc với các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Nội vụ.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật rất lớn, hệ trọng, quy mô rộng, tác động sâu đến nhiều chủ thể, đối tượng, cơ quan, tổ chức. Với vị trí, vai trò đó, thời gian qua, công tác chuẩn bị cho việc xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật này đã được tiến hành khẩn trương, trách nhiệm.

Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đề ra những giải pháp cụ thể trong các lĩnh vực trọng tâm. Trên cơ sở đó, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 50/2022/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.  Theo đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và dự kiến xem xét, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp, phấn đấu trong 2023 hoàn tất sửa đổi Luật Đất đai.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Đất đai, các cơ quan của Quốc hội đã vào cuộc từ rất sớm. Theo đó, cuộc làm việc đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội khóa XV với các cơ quan đã dành để làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường vào giữa năm 2021, trong đó có nội dung nghe báo cáo rà soát sửa đổi Luật Đất đai. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, thời gian qua, cùng với tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã nghiên cứu đánh giá, tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 và sau khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW thay thế Nghị quyết số 19-NQ/TW, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực xây dựng dự thảo, hoàn thiện hồ sơ dự án luật, lấy ý kiến các cơ quan.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tiếp tục với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa, thực hiện Kết luận 19 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV, tại buổi làm việc này, lãnh đạo Quốc hội cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường trao đổi tổng thể cho việc triển khai công tác xây dựng pháp luật liên quan đến dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) rất hệ trọng nên phải xây dựng đúng yêu cầu của luật, tuân thủ tiến độ chuẩn bị dự án luật, Chính phủ gửi hồ sơ dự án Luật tới Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trước ngày 1/9 để nghiên cứu, cho ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về hồ sơ dự án luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường dày công hơn nữa trong xây dựng báo cáo đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, môi trường kinh doanh..., báo cáo rà soát hệ thống pháp luật liên quan và dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai. Đây là các báo cáo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở thực chứng cho công tác lập pháp. Do đó, với tinh thần cầu thị, khách quan, bảo đảm chuẩn bị tích cực, kỹ lưỡng các nội dung này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ nhất giữa các cơ quan của Quốc hội với Chính phủ và giữa Trung ương với địa phương.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương, năm 2023 không chỉ hoàn thành Luật Đất đai (sửa đổi) mà còn hoàn thành điều chỉnh luật pháp liên quan.

Về tổ chức tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong bối cảnh thời gian không có nhiều, đòi hỏi phải có kế hoạch hợp lý, tận dụng hiệu quả thời gian khi thảo luận cho ý kiến về các nội dung của dự án luật. Bên cạnh Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra thì Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội hay Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nhân các cấp, các Đoàn đại biểu Quốc hội… phải nêu cao vai trò tham gia xây dựng luật.

"Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường phải là các cơ quan đầu mối giúp Quốc hội, Chính phủ tổ chức việc huy động sự đóng góp của toàn thể nhân dân, các nhà khoa học cho dự án Luật”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Nhấn mạnh các nội dung quan trọng nêu trên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong hoàn thiện dự án Luật nên các cơ quan không được chủ quan, phải nêu cao trách nhiệm trước Đảng và nhân dân trong hoàn hiện Luật.

Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham mưu Kế hoạch của Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ đối với xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân theo quy định của pháp luật; phân chia trách nhiệm cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố, các Đoàn đại biểu Quốc hội và có kế hoạch trao đổi thông tin sớm về: Hồ sơ dự án Luật, các kết quả nghiên cứu, báo cáo tổng kết việc thực hiện Luật hiện hành, báo cáo đánh giá rà soát các pháp luật liên quan tới đất đai.

Đối với việc lấy ý kiến nhân dân, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải đặt ra các việc cụ thể, được thuyết minh rõ ràng, gắn với trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân.

Về các nội dung lớn của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các các cơ quan tiếp tục phối hợp rà soát, đánh giá kỹ lưỡng từ cơ sở pháp lý, thực tiễn tới thực trạng, xu hướng để xác định rõ các vấn đề này.

Nhấn mạnh tới vai trò của thông tin, truyền thông trong xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cũng giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội xây dựng Đề án truyền thông việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương và Kế hoạch của Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 18, Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 18 và việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm các yêu cầu: bài bản, khoa học, truyền tải thông tin chính xác, chỉ rõ các nội dung mới, nội dung cần sửa đổi, nội dung bổ sung, nội dung vừa sửa đổi vừa bổ sung, đồng thời hết sức cầu thị tiếp thu lắng nghe các ý kiến góp ý của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc trình dự thảo lần thứ nhất dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ra Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng khi xây dựng, hoàn thiện dự án Luật này là bảo đảm tính thông suốt, công khai, minh bạch...


Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Đảng bộ xã Yên Phú lãnh đạo xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Trở lại xã Yên Phú (Lạc Sơn) những ngày đầu tháng 8 cảm nhận được vùng quê đang đổi mới, kết cấu hạ tầng giao thông, trường học, trạm xá, trụ sở cơ quan, nhà dân khang trang, các khu tái định cư phục vụ hồ Cánh Tạng được quy hoạch và xây dựng đồng bộ. Cuộc sống ổn định với điều kiện tốt hơn, xã đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM).

Hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ

(HBĐT) - Việc luân chuyển, bố trí cán bộ không phải là người địa phương đã góp phần khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín, tạo điều kiện cho cán bộ tự rèn luyện, đổi mới bản thân, chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời khắc phục được những tác động không mong muốn của mối quan hệ họ hàng, dòng tộc. Đó là một trong những hiệu quả nổi bật trong công tác luân chuyển cán bộ (LCCB) trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã Mỹ Thành

(HBĐT) - Ngày 5/8, Ban Chỉ đạo (BCĐ) 09 xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ). Đây là đơn vị tổ chức ngày hội điểm của tỉnh. Dự và chung vui với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Mỹ Thành có các đồng chí: Trung tướng Lê Quốc Hùng, UVT.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng BCĐ 09 T.Ư; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 09 tỉnh.

Triển khai Fanpage của MTTQ Việt Nam các cấp trên mạng xã hội

(HBĐT) - Sáng 5/8, Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai "Trang cộng đồng” (Fanpage) trong hệ thống MTTQ các cấp với trên 10.000 đại biểu trong cả nước tham dự. Đồng chí Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí lãnh đạo và cán bộ Uỷ ban MTTQ tỉnh, Uỷ ban MTTQ các huyện, thành phố.

Trở ngại trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở xã Vĩnh Đồng

(HBĐT) - Cùng với các đơn vị hành chính cấp xã khác, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) đang triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Quá trình thực hiện còn những khó khăn và cả trở ngại.

Huyện Lạc Sơn: Dấu ấn công tác dân vận chính quyền

(HBĐT) - Có mặt tại bộ phận "một cửa” thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) vào một ngày làm việc, chứng kiến mỗi người dân đến giải quyết công việc đều được cán bộ tiếp dân hướng dẫn tận tình, đúng quy trình thủ tục hành chính, trả kết quả nhanh chóng trong ngày cho người dân. Đây chính là một trong những tiêu chí thực hiện công tác dân vận chính quyền (DVCQ) mà cấp ủy, chính quyền thị trấn Vụ Bản chú trọng thực hiện suốt thời gian qua nhằm tạo sự hài lòng cho nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục