Sáng 22/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về tình hình triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Chú thích ảnh

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Chuyển từ "thủ tục thủ công sang thủ tục công nghệ”

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã sẵn sàng các điều kiện về công tác chỉ đạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, đội ngũ tình nguyện viên hướng dẫn, công tác thông tin và truyền thông… liên quan đến việc tổ chức triển khai thí điểm 2 dịch vụ công liên thông "Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” và "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí”.

Thông tin về buổi tập huấn (diễn ra ngày 20/11) do Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an tổ chức, các đơn vị của thành phố đã tìm hiểu và thử nghiệm trực tiếp trên hệ thống theo hướng dẫn. Một số địa phương đã thử thành công như Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Thanh Trì, Hoài Đức... Đặc biệt, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thử nghiệm của thành phố đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thực hiện 3 thủ tục hành chính (khai sinh - khai tử - kết hôn); thực hiện các giải pháp kỹ thuật đồng bộ kết nối theo đúng kế hoạch.

Về nội dung triển khai thí điểm số hóa, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu về đất đai, xây dựng, thuế, y tế, an sinh xã hội và dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực như giáo dục, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, đầu tư, tài chính, thuế... đã được triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành y tế Hà Nội chưa triển khai phần mềm Quản lý hồ sơ sức khỏe và phần mềm liên thông kết quả khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh và chứng tử điện tử. UBND thành phố đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ triển khai phần mềm liên thông kết quả khám sức khỏe lái xe cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố; đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với thủ tục đổi giấp phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, Bộ Y tế sớm có hướng dẫn, chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh số hóa, cung cấp dữ liệu về Giấy chứng sinh, Giấy chứng tử hoặc thực hiện "Chứng sinh điện tử”, "Báo tử điện tử” kết nối với cơ sở dữ liệu hộ tịch hoặc kết nối dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia/Cổng dịch vụ công các địa phương để thực hiện thủ tục "Đăng ký khai sinh”, "Đăng ký khai tử” được thuận tiện; xây dựng phần mềm liên thông dữ liệu chứng sinh, chứng tử thống nhất triển khai trên toàn quốc.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị các bộ, ngành ban hành chính thức các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, phục vụ công tác truyền thông cơ sở; thống nhất đầu mối triển khai chung để kịp thời trao đổi, tháo gỡ các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; bố trí và phối hợp cùng UBND thành phố tập huấn chuyên sâu "theo hướng cầm tay chỉ việc” cho cán bộ, công chức các đơn vị trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Liên quan đến vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, là địa bàn đông dân, rộng, lực lượng cư trú đa dạng, Hà Nội cần có bước đi thận trọng trong việc triển khai thí điểm 2 dịch vụ công liên thông. Hiện lực lượng công an thành phố được quán triệt đảm bảo "đúng - đủ - sạch - sống” với các dữ liệu để phục vụ tốt nhất các xác thực định danh đối với các dịch vụ công, cũng như hỗ trợ người dân nắm được các thủ tục dịch vụ công, trên tinh thần "hỗ trợ tối đa để người dân quen dần môi trường điện tử, sử dụng ứng dụng VNeID”.

"Chúng ta phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội và không có tư tưởng xin - cho như trong quá trình thực hiện trước đây, chuyển từ các thủ tục thủ công sang thủ tục công nghệ, từ đó, giữ niềm tin của người dân, xã hội đối với các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu.

Bước sang giai đoạn thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung

Chú thích ảnh

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện nay, hệ thống hành chính các cấp có khoảng 6.000 dịch vụ công, trong đó hơn 4.000 dịch vụ công trực tuyến. Đề án 06 đặt mục tiêu cung cấp 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, trong đó 4 dịch vụ liên bộ ngành gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do khó kết nối, khó chia sẻ và thiếu dữ liệu.

Với việc thí điểm cung cấp 2 dịch vụ công liên thông tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Đề án 06 bắt đầu bước vào giai đoạn thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung của cả bộ máy hành chính và các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị nhằm khắc phục tình trạng cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương còn rời rạc, manh mún, chưa đầy đủ, nằm ở nhiều bộ phận khác nhau.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến không phân biệt ít hay nhiều người dùng mà để thấy rằng, muốn cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải thay đổi cách làm việc, đặc biệt phối hợp giữa các cơ quan. "Chúng ta bắt tay làm những dịch vụ ít người dùng để sau đó làm những dịch vụ lớn, phức tạp sẽ ít bị lỗi hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, có 3 nhóm Cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng nhất liên quan đến người dân, doanh nghiệp và tài nguyên (trong đó, quan trọng nhất là đất đai). Đề án 06 bắt đầu từ con người, từ đó kết nối với 2 nhóm cơ sở dữ liệu còn lại. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thống nhất danh mục các trường dữ liệu cần thiết cho công tác quản lý của ngành, lĩnh vực quản lý. Trên cơ sở đó, các địa phương lập tổ công tác đến tận xã, phường, nòng cốt là lực lượng công an, để thu thập dữ liệu theo hộ gia đình, gắn với cơ chế thiết lập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin; đồng thời, thực hiện giao ban hàng ngày, hàng tuần; xử lý ngay những vấn đề phát sinh.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, Hà Nội tập trung thu thập, rà soát, cập nhật 3 nhóm dữ liệu phục vụ cho các thủ tục hành chính liên quan đến rất nhiều đến người dân: Đất đai, xây dựng, nhà ở; lao động, thương binh, xã hội (đối tượng bảo trợ xã hội, người có công); y tế (tích hợp sổ sức khỏe điện tử vào ứng dụng định danh điện tử - VneID, quản lý các nhà thuốc trên địa bàn…).

Theo báo Tin tức


Các tin khác


Xã Vân Sơn xây dựng chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ

(HBĐT) - Cũng giống như nhiều người dân trong xã, trong quá trình làm các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến diện tích đất sản xuất của gia đình, anh Bùi Văn Nhường ở xóm Hày, xã Vân Sơn (Tân Lạc) đã được cán bộ, công chức (CB,CC) xã nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ. Nhờ vậy, những TTHC liên quan đã nhanh chóng được thực hiện...

Chủ tịch Quốc hội tiếp Phó Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với Đại tướng Hun Manet cần củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ trên tất cả các kênh và trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có hợp tác chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại - đầu tư, nghị viện, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân…

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023.

Thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn để gắn kết chính quyền với Nhân dân

(HBĐT) - "Hiện nay, địa chính - xây dựng là lĩnh vực hay xảy ra nhiều ý kiến, kiến nghị, sai phạm hơn cả. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực này cũng khá nhiều. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng nắm được đầy đủ. Do đó, cán bộ trực tiếp làm công việc này phải luôn nhiệt tình, chịu khó giải thích, hướng dẫn cho bà con. Nhất là với việc triển khai các dự án liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải giải thích thật cặn kẽ, bà con phải được biết, được bàn, được kiểm tra thì mới đồng thuận thực hiện”. Đó là chia sẻ của đồng chí Đinh Thế Linh, cán bộ địa chính - xây dựng xã Bình Thanh (Cao Phong).

Thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia

Chiều 20/11, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin và Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đã ký Tuyên bố chung của các Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Lào, Việt Nam, lần đầu tiên thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam (CLV).

Kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt Nam - Thái Lan; dấu ấn sâu đậm về một Việt Nam vì hòa bình, thịnh vượng khu vực và quốc tế

Theo đặc phái viên TTXVN, đúng như kỳ vọng và mục tiêu đề ra, chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc rất thành công. Chuyến thăm tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác và khẳng định quyết tâm của Lãnh đạo hai bên đưa quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả hơn. Trên góc độ đa phương, thành công của chuyến thăm là minh chứng rõ rệt về một Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và liên kết kinh tế tại khu vực và quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục