Đại sứ Dương Hải Hưng chủ trì cuộc họp của ACR với Ban lãnh đạo Hiệp hội Italy - ASEAN.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, trong cuộc họp với Ban lãnh đạo Hiệp hội Italy-ASEAN, gồm Chủ tịch Hiệp hội, cựu Thủ tướng Italy Romano Prodi, đồng thời là cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu. cùng hai Phó Chủ tịch là Đại sứ Michelangelo Pipan và Giáo sư Romeo Orlandi, hai bên đã trao đổi một số bước phát triển đáng chú ý trong hợp tác cụ thể giữa ASEAN và Italy nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ ASEAN-Italy kể từ khi Italy trở thành Đối tác Phát triển của ASEAN vào tháng 9/2020.
Các Đại sứ ASEAN đã cập nhật cho Hiệp hội Italy-ASEAN về chủ đề và các trọng tâm ưu tiên của ASEAN trong năm 2023, các hoạt động của ACR trong năm 2022 và đưa ra một số đề nghị hợp tác và hỗ trợ của Hiệp hội cho các hoạt động của ACR trong năm 2023.
Trong khi đó, lãnh đạo Hiệp hội Italy-ASEAN cũng cập nhật tiến độ một số dự án hợp tác cụ thể mà hiệp hội đang chủ trì hoặc tham gia như "Trung tâm học tập ảo Italy-ASEAN (VLC) về di sản văn hóa và phát triển bền vững”, Giải thưởng cho luận văn xuất sắc về ASEAN trong năm 2023 và Đối thoại cấp cao Italy-ASEAN dự kiến sẽ được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, vào tháng 10/2023.
Tại cuộc họp, cựu Thủ tướng Prodi nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực ASEAN trong chính sách của Italy. ASEAN không chỉ là một phần của châu Á, mà ngày càng trở thành một chủ thể quan trọng đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới. Quá trình hội nhập khu vực thành công của ASEAN giúp tổ chức này trở thành một thị trường quan trọng của Italy với sự hiện diện của hơn 600 công ty Italy tại khu vực này.
Cùng ngày, ACR đã có cuộc làm việc với ông Manlio Di Stefano, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Italy và hiện là Cố vấn chiến lược cao cấp của công ty Axiom Space, và được giới thiệu về các thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu không gian, ứng dụng công nghệ vũ trụ và các lĩnh vực hoạt động chính của Axiom.
Axiom là công ty tư nhân phát triển cơ sở hạ tầng không gian thành lập năm 2016 có trụ sở chính tại Houston, Texas, Mỹ, đặt mục tiêu sở hữu và vận hành trạm vũ trụ thương mại đầu tiên trên thế giới vào năm 2024 và hướng đến vai trò là trung tâm nghiên cứu, sản xuất và thương mại của nhân loại trong quỹ đạo Trái đất thấp.
Trong bối cảnh nhiều nước ASEAN đang phát triển các chương trình vũ trụ quốc gia, các Đại sứ ACR đánh giá cao các cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các đối tác có tiềm lực khoa học và công nghệ vũ trụ mạnh trên thế giới trong hợp tác thăm dò và khai thác khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình. Các đại sứ nêu rõ rằng ASEAN đang có nhu cầu mở rộng hợp tác quốc tế nhằm tăng cường năng lực và thúc đẩy hợp tác về nghiên cứu, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực không gian.
Các cuộc họp trên là một trong những hoạt động được Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, với tư cách Chủ tịch nhiệm kỳ 6 tháng đầu năm 2023 của ACR, chủ trì nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ giữa ACR với các đối tác Italy, hướng đến triển khai hiệu quả Đối tác Chiến lược ASEAN-Italy và thúc đẩy hình ảnh và hiểu biết về ASEAN tại Italy.