Những năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động giám sát, phản biện xã hội (GS,PBXH), tập trung vào những vấn đề Nhân dân quan tâm, qua đó góp phần tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và tăng cường đoàn kết và đồng thuận trong Nhân dân.


Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh giám sát việc thực hiện tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên huyện Cao Phong.Ảnh: P.V

 Xứng đáng là "tai mắt”của Nhân dân

Năm 2023, MTTQ các cấp và các tổ chức CT-XH trong tỉnh đã tổ chức giám sát được 361 cuộc bằng các hình thức: nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tổ chức đoàn giám sát, phối hợp tham gia giám sát với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các đoàn thể CT-XH... Bên cạnh đó, hoạt động giám sát tại cơ sở còn thông qua Ban thanh tra nhân dân (TTND), Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ). Hoạt động giám sát tập trung vào các nội dung như: việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số dự án trọng điểm, chậm tiến độ, đầu tư dở dang ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân; việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; việc thực hiện các nội dung tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, các tổ chức CT-XH đề xuất giám sát các nội dung: việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cựu chiến binh, người lao động tại doanh nghiệp, đối tượng bảo trợ xã hội; việc quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản; quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và cử giáo viên làm tổng phụ trách Đội rong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập… 

Bên cạnh đó, MTTQ các cấp thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò giám sát thông qua Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ. Năm 2023, các Ban TTND đã giám sát 320 vụ, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 21 vụ việc, đã xử lý, giải quyết đạt tỉ lệ 100%. Ban GSĐTCCĐ tổ chức giám sát 419 công trình, dự án, qua đó đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý 67 công trình có vi phạm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích cộng đồng dân cư, đã kiến nghị, xử lý đạt 100%.


Ban công tác mặt trận thôn Yên Lịch, xã Thanh Sơn (Lương Sơn) luôn quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.


Đối với công tác phản biện xã hội, năm 2023, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức phản biện xã hội đối với 312 dự thảo văn bản của cấp ủy, các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách của chính quyền các cấp; tổ chức 164 cuộc phản biện, chủ yếu về luật Đất đai (sửa đổi). Đó là minh chứng rõ nét, cụ thể được các cấp ủy, chính quyền coi trọng, ghi nhận, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ cao. Qua đó vai trò của MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội. 

Tại buổi giám sát về việc việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên tại huyện Cao Phong theo Kế hoạch số 215/KH-MTTQ-BTT,ngày 19/10/2023 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh. Trên tinh thần góp ý xây dựng, bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch, các thành viên đoàn giám sát đã nêu ra một số ưu điểm, hạn chế đối với cá nhân được giám sát. Trong đó, một số hạn chế được nêu rõ như chưa dành được nhiều thời gian đi sâu, đi sát cơ sở để nắm bắt tốt hơn tâm tư, nguyện vọng của tổ chức đảng, đảng viên và Nhân dân; việc nắm bắt thông tin chủ yếu qua các cuộc tiếp xúc cử tri và báo cáo của các cơ quan chuyên môn nên đôi lúc chỉ đạo giải quyết chưa kịp thời; việc chỉ đạo, đôn đốc tổ chức quán triệt, triển khai một số văn bản của Trung ương và cấp ủy cấp trên đôi khi còn chậm. Với tinh thần cầu thị, đồng chí Hà Văn Di, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cao Phong đã tiếp thu và có hướng khắc phục những hạn chế, phát huy ưu điểm để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh, công tác GS,PBXH còn một số khó khăn, hạn chế cần được khắc phục. Thực tế cho thấy, càng xuống cấp dưới, công tác GS,PBXH càng khó khăn, lúng túng, có lúc, có nơi còn mang tính hình thức; các hình thức giám sát còn hạn chế, chủ yếu giám sát theo chương trình, kế hoạch định sẵn. Công tác phản biện chưa thực hiện rõ nét, việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn chậm, chưa tham gia được nhiều ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát các cơ quan, đơn vị, địa phương giải quyết, trả lời các kiến nghị sau giám sát chưa được quan tâm đúng mức. Việc tổ chức các hội nghị phản biện của các tổ chức CT-XH còn hạn chế, chủ yếu tham gia các dự thảo văn bản khi được yêu cầu…

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh, để khắc phục những khó khăn, hạn chế cần xây dựng kế hoạch GS,PBXH theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng, có trọng tâm, trọng điểm. Khi giám sát theo chuyên đề cần tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và những vấn đề "nóng” trong dư luận xã hội. Cần tiếp tục kiện toàn các hội đồng tư vấn, ban hành quy chế phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh với các hội đồng tư vấn. Các kết luận GS,PBXH của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phải có sự phản hồi cụ thể bằng văn bản của các đơn vị được giám sát. Bên cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp phần nâng cao hiệu quả công tác GS,PBXH của mặt trận đối với hoạt động xây dựng luật của Quốc hội.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Xuân Tùng, để đạt được hiệu quả cao, MTTQ các cấp và các tổ chức CT-XH cần lựa chọn các hình thức GS,PBXH phù hợp với điều kiện thực tế; phát huy tính công khai, minh bạch, dân chủ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong quá trình GS,PBXH, nắm bắt dư luận, tập hợp nhiều hơn ý kiến, kiến nghị của Nhân dân trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, cần xem xét, quy định hoạt động phản biện xã hội là một trong những quy định bắt buộc khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật; có chế tài cụ thể về trách nhiệm, thời hạn gửi dự thảo văn bản đề nghị phản biện xã hội và việc giải trình, tiếp thu ý kiến, trả lời các kiến nghị sau giám sát của MTTQ, các tổ chức CT-XH của các cơ quan được giám sát.

Trao đổi về công tác GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp, đồng chí Xa Đức Thọ,   Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng: "Thời gian tới, MTTQ và các tổ chức CT-XH cần tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, đến phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nhất là việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế GS&PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CT-XH. Tiếp tục tham mưu cấp ủy lãnh đạo, thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GS,PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH, trong đó, cần tăng cường sức mạnh đội ngũ cán bộ mặt trận và các thành viên đoàn giám sát. Tích cực nêu gương gắn với triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua đó góp phần xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật”.

Thực hiện tốt vai trò GS,PBXH cũng chính là củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Một khi dân tin, dân đồng thuận thì MTTQ và các tổ chức CT-XH mới phát huy tốt vai trò là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Cùng với thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp Nhân dân, MTTQ và các tổ chức CT-XH vừa phải phối hợp với chính quyền thực hiện công khai, minh bạch, vừa phải cầu thị, lắng nghe, thực hiện trách nhiệm phản hồi các phản ánh, kiến nghị. Quan trọng nhất là phải kịp thời giải quyết kiến nghị, đề xuất hợp pháp, thiết thực của Nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận, khơi gợi sức sáng tạo, đổi mới, huy động các nguồn lực trong Nhân dân cùng chung sức, đồng lòng xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng hiện đại, văn minh.

Hoàng Anh

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt về giám sát và phản biện xã hội

Sùng A Chênh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mai Châu

Năm 2023, MTTQ huyện Mai Châu đã tổ chức 19 cuộc giám sát; MTTQ các xã thực hiện 94 cuộc giám sát trên nhiều lĩnh vực. Để nâng cao hiệu quả công tác này cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt về Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể, phát huy dân chủ trong việc tập hợp ý kiến nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và Nhân dân, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn phương pháp giám sát, phản biện phù hợp. Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ giám sát, đặc biệt là liên quan đến nội dung giám sát phải phù hợp với địa phương, đơn vị được giám sát, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu đặt ra.

Bố trí, lựa chọn cán bộ có chuyên môn sâu, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, có tư duy độc lập và năng lực tổng hợp, phản biện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc; thường xuyên bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa MTTQ và các đoàn thể với cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trong việc cung cấp thông tin, đảm bảo thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội theo đúng các quy định hướng dẫn. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tạo điều kiện để MTTQ và các đoàn thể CT-XH tổ chức giám sát, phản biện xã hội đạt hiệu quả cao. 

Kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ Nhân dân

Bùi Khắc Sực, Trưởng Ban công tác mặt trận xóm Củ, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi

Xóm Củ có 242 hộ, 1.065 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc: Kinh, Mường, Dao, Thái, Tày. Với phương châm "lấy dân làm gốc”, Ban công tác mặt trận xóm đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; có hình thức tiếp nhận thông tin phản ánh, góp ý của người dân phù hợp. Ban công tác mặt trận xóm đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; tham gia bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, an ninh trật tự, hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế. Đồng thời, tham gia giám sát hoạt động đầu tư xây dựng các công trình công cộng; nâng cao ý thức của người dân về việc chấp hành pháp luật, không có đơn thư, khiếu nại, tố cáo vượt cấp, qua đó góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết trong cộng đồng khu dân cư, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền địa phương.

 




Các tin khác


Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xây dựng Đảng bộ Công an huyện Đà Bắc vững mạnh toàn diện

Nhờ chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Đảng bộ Công an huyện Đà Bắc đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị đề ra. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tội phạm được kiềm chế là nền tảng vững chắc để xây dựng thế trận an ninh, trật tự từ cơ sở, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đảng bộ xã Tú Lý khẳng định vai trò lãnh đạo

Sau sáp nhập, xã Tú Lý có địa bàn rộng, dân số đông. Trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã định hướng tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững. Để đạt được điều này, Đảng bộ xã xác định vai trò lãnh đạo của cấp ủy và sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên là hết sức quan trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục